18:12 08/11/2023 Rác thải là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và thành phố Hải Phòng. Trải qua mấy chục năm, câu chuyện xử lý rác thải vẫn luôn luôn nóng bởi dù rất cố gắng vẫn chưa có được giải pháp thật sự triệt để trong khi lượng rác thải ra ngày càng nhiều. Ô nhiễm môi trường do rác thải đã và đang buộc Hải Phòng phải hành động. Từ đó, nhiều giải pháp, cách làm được đưa ra và Hải Phòng đã có sự lựa chọn. Trong đó mục tiêu chung nhất là phải biến rác thải thành tài nguyên. Công cuộc này dù vô cùng gian nan, vất vả nhưng Hải Phòng đã quyết và chắc chắn sẽ thực hiện bằng được, mang lại bầu không khí trong lành, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.
Bài 1:
Quan tâm đầu tư và huy động các lực lượng tham gia xử lý rác thải
Đến bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ, tháng 8-2004, hàng trăm người dân đã ngăn cản, không cho xe chở rác của Công ty Môi trường Đô thị vào bãi rác Tràng Cát. Nguyên nhân là do bãi rác nằm ngay hướng đông nam, lượng rác tập trung quá lớn trong thời gian dài nhưng chưa được đầu tư đúng mức nên đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đây là câu chuyện dù không muốn nhưng vẫn phải nhớ để thấy rằng có một thời, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của Hải Phòng khổ cực đến mức nào. Nhưng bây giờ thì tất cả đã khác. Rác thải sinh hoạt hàng ngày cơ bản được thu gom, vận chuyển; cả đô thị và nông thôn đã sạch đẹp hơn nhiều.
Đa dạng các hình thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 7 quận có tổng khối lượng khoảng 910 tấn/ngày; tại 8 huyện khoảng 790 tấn/ngày. Như vậy, mỗi ngày thành phố phải thu gom, xử lý hơn 1700 tấn rác thải sinh hoạt.
Theo đó, tại khu vực nội thành, rác thải sinh hoạt được thu gom bởi Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, chiếm khoảng 80%. Còn lại là được thu gom bởi Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng (thu gom tại quận Đồ Sơn và một phần tại quận Dương Kinh); Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng thu gom tại địa bàn quận Kiến An; HTX Môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh thu gom tại địa bàn quận Dương Kinh. Rác thải sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom, xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát có diện tích 44ha, tiếp nhận khoảng 500-650 tấn/ngày; Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ có diện tích 15,6 ha, tiếp nhận khoảng 350-450 tấn rác/ngày; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh có diện tích 36,5 ha, công suất 630 tấn/ngày.
Rác thải nông thôn chủ yếu do các tổ thu gom của các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn đảm nhiệm, mỗi tổ có 2-3 lao động thực hiện bằng các xe đẩy tay hoặc xe kéo về các bãi rác tạm hoặc lò đốt để xử lý. Trong số 790 tấn rác/ngày, có khoảng 490 tấn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý cấp thành phố là Tràng Cát, Đình Vũ, Gia Minh và 2 khu xử lý cấp huyện (Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và Áng Chà Chà, huyện Cát Hải); một phần được xử lý tại các hộ gia đình; còn lại được xử lý tại 4 lò đốt cỡ nhỏ tại Thủy Nguyên, An Lão, Vĩnh Bảo và các bãi rác chưa hợp vệ sinh…
Cũng theo Sở Tài nguyên Môi trường, hiện rác thải đô thị đã được thu gom đạt 100%; ở khu vực nông thôn là 98%.
Ngoài ra, còn có chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động công nghiệp khoảng 58 tấn/ngày. Trong đó có 98% được các cơ sở do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép thu gom, xử lý theo quy định. Còn lại (2%) được các cơ sở lưu giữ theo quy định. Hiện có 6 đơn vị được cấp phép gồm Công ty TNHH Tân Thuận Phong; Công ty CP Thương mại Hải Đăng; Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đại Thắng; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Toàn Thắng; Công ty CP Hòa Anh; Công ty CP Thương mại và dịch vụ kho vận Phú Hưng.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 1540 cơ sở y tế (gồm các bệnh viện tuyến thành phố; bệnh viện đa khoa quận, huyện; bệnh viện tư nhân; trạm y tế; phòng khám chuyên khoa; cơ sở dịch vụ y tế…). Chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 0,97 tấn/ngày được phân loại tại nguồn; thu gom, vận chuyển và xử lý tại lò đốt rác y tế của Công ty Môi trường Đô thị tại Tràng Cát. Chất thải y tế tại huyện Bạch Long Vĩ và huyện Cát Hải được xử lý tại chỗ.
Từng bước giải quyết vấn nạn rác thải
Theo đánh giá của UBND thành phố, trong giai đoạn 2016-2021 và năm 2022- 2023, thành phố luôn có sự quan tâm thích đáng và tạo mọi điều kiện đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đã đáp ứng yêu cầu của người dân và tốc độ đô thị hóa. Đường phố ngày càng sạch đẹp hơn; các ga rác lưu cữu không còn, rác thải đường phố được giảm thiểu và thu gom triệt để; người dân ngày càng có ý thức trong việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nhờ vậy, tỷ lệ thu gom, xử lý rác từ 97% năm 2016 đã nhanh chóng đạt 100%. Đến nay, không có tình trạng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng trong các khu dân cư. Từ đó, Hải Phòng đã đạt chỉ tiêu về thu gom, xử lý hợp vệ sinh chất thải sinh hoạt đô thị theo tinh thần nghị quyết đại hội 15, đại hội 16 của Đảng bộ thành phố.
Đáng chú ý, việc phân loại rác thải đầu nguồn đang được triển khai mạnh mẽ tại các quận, huyện. Hiện đang thực hiện thí điểm tại 57 xã, phường theo đề xuất của 15 quận, huyện. Điển hình là quận Ngô Quyền đã phát động tại 16/131 tổ dân phố, đạt tỷ lệ 89%, đã có 12.052/44.748 hộ dân tham gia, đạt tỷ lệ 27%, phân loại được 65 tấn chất thải thực phẩm/200 tấn chất thải sinh hoạt/ngày. Quận Hồng Bàng đã có 6088/28.050 hộ dân tham gia phân loại rác thải đầu nguồn, đạt tỷ lệ 21,7%. Riêng 2 phường thực hiện mô hình điểm là Hoàng Văn Thụ có 44,78% hộ dân tham gia; Minh Khai đạt 82% hộ dân tham gia. Tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn của thành phố hiện đạt khoảng 10% (từ 70-100 tấn/ngày). Tại Khu xử lý Tràng Cát đã có Nhà máy sản xuất phân mùn công suất 200 tấn/ngày để tiếp nhận rác hữu cơ được phân loại về chế biến, tái chế sử dụng.
Công tác vận chuyển được thực hiện 100% bằng xe ép rác chuyên dụng. Việc vận hành các bãi chôn lấp tại khu vực đô thị cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nhiều năm gần đây không để xảy ra sự cố tại các khu xử lý.
Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cũng cơ bản được thu gom, xử lý, đạt tỷ lệ 98% (năm 2016 mới đạt 85%), cũng đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội 15, đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đề ra.
Ngoài ra, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế, chất thải rắn y tế nguy hại đã cơ bản được thu gom và xử lý đạt 100%. Lò đốt rác thải y tế nguy hại của Công ty Môi trường Đô thị tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát được đầu tư theo công nghệ Nhật Bản với công suất 200kg/giờ đủ sức để xử lý toàn bộ rác thải y tế nguy hại trên địa bàn.
Cũng rất đáng ghi nhận khi hàng năm, thành phố dành nguồn ngân sách đáng kể cho công tác xử lý rác, mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn thu giá dịch vụ của các hộ dân (nội thành là 40.000 đồng/hộ/tháng; ngoại thành là 30.000 đồng/hộ/tháng) nên cơ bản đáp ứng được các chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Còn chi phí xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải xây dựng do chủ nguồn thải chi trả…
Sự quan tâm đầu tư và phát huy tốt trách nhiệm của các ngành chức năng, các doanh nghiệp, đặc biệt là ý thức của người dân nên việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của Hải Phòng có chuyển biến rõ rệt, góp phần mang lại môi trường sống ngày càng tốt hơn cho người dân./.
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên Kinh tế
10:28 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết