18:12 08/11/2023 Bài 3: Đi tìm giải pháp căn cơ, cốt lõi Với sự phát triển của một thành phố công nghiệp, du lịch, dịch vụ; với yêu cầu phát triển xanh, bền vững thì rõ ràng xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp không còn phù hợp bởi đòi hỏi quỹ đất rất lớn và cũng không xử lý được triệt để các vấn đề về vệ sinh môi trường. Bởi vậy, từ nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố luôn trăn trở và tìm mọi phương án, cân nhắc, lựa chọn hình thức tối ưu nhất. Tới thời điểm này, đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đã được thành phố lựa chọn và gấp rút triển khai với mục tiêu rõ ràng, nhất quán là biến rác thải thành tài nguyên.
Xu thế tất yếu
Đánh giá kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố cho thấy: tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ở cả thành thị và nông thôn đều đạt chỉ tiêu nghị quyết. Nhưng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng các công nghệ hiện đại, không chôn lấp mới đạt 5,67%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu nghị quyết (đến năm 2025 là 50%).
Còn theo dự báo, đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 2600 tấn/ngày. Trong đó dự kiến phân loại được 300 tấn rác hữu cơ/ngày để tái chế, còn lại phải xử lý khoảng 2300 tấn. Đến năm 2030, khối lượng rác phát sinh khoảng 3600 tấn/ngày; phân loại được 600 tấn để tái chế, còn phải xử lý 3000 tấn.
Ngoài ra, trong giai đoạn tới năm 2025, thành phố sẽ phát triển mạnh công nghiệp với nhiều khu công nghiệp mới được hình thành nên phát sinh khoảng 1000 tấn/ngày chất thải rắn công nghiệp thông thường và 75 tấn/ngày chất thải rắn công nghiệp nguy hại. Nguồn rác thải xây dựng ước tính cũng lên tới 550 tấn/ngày. Cùng với đó, khối lượng chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi; chất thải y tế cũng tăng đáng kể.
Theo tính toán, Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ đã quá tải và đang được đề nghị sớm đóng cửa. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát có khả năng hoạt động tới năm 2025 rồi lại phải tính tiếp. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh cũng đang tồn tại một số hạn chế và công suất tiếp nhận thực tế không cao, không đủ sức gánh vác cho các khu Đình Vũ và Tràng Cát. Hơn tất cả là phương pháp chôn lấp không đạt được các yêu cầu đề ra. Do đó, tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng, đầu tư thực hiện phương pháp xử lý rác hiện đại là yêu cầu tất yếu, cấp bách của Hải Phòng.
Lựa chọn phương án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Một trong những công việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ tại Hải Phòng của đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy là khảo sát, nghe báo cáo về công tác xử lý rác của thành phố và chỉ đạo thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Đình Vũ. Tại đây, còn có quỹ đất hơn 14 ha, đủ để xây dựng nhà máy và cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường.
Trên cơ sở tham khảo các công nghệ tiên tiến, hiện đại về xử lý rác thải trên thế giới; tham quan, tìm hiểu thực tế các nhà máy đốt rác phát điện tại một số địa phương, UBND thành phố đề xuất lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện. Lý do là công nghệ này đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ… Tại Việt Nam, đã có một số tỉnh, thành phố lựa chọn công nghệ này.
Đề xuất của UBND thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy; HĐND thành phố nhất trí thông qua. Theo đó, thành phố sẽ dành quỹ đất, kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Đình Vũ, công suất 2000 tấn/ngày. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 1000 tấn/ngày, dự kiến hoàn thành xây dựng năm 2025; giai đoạn 2 công suất 1000 tấn/ngày, dự kiến hoạt động sau năm 2030. Công suất phát điện của nhà máy khoảng 40 MW/ngày (giai đoạn 1 là 20 MW/ngày).
Tiếp theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, công suất 1000 tấn/ngày; công suất phát điện 20 MW/ngày. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng hàng trăm trạm trung chuyển để bảo đảm bán kính chuyên chở rác thải hợp vệ sinh, tránh tình trạng phải vận chuyển chặng đường quá xa về tới nơi xử lý.
Theo tính toán, với 2 nhà máy đốt rác phát điện, Hải Phòng sẽ xử lý được căn cơ, cốt lõi các vấn đề về rác thải, phù hợp với yêu cầu CNH-HĐH, phát triển xanh, bền vững. Từ đó, các bãi rác chôn lấp của thành phố sẽ dần được giải tỏa. Đồng thời, đóng cửa hoàn toàn các bãi rác tạm ở nông thôn. Theo lộ trình, tới năm 2025 sẽ đóng cửa 85 bãi rác tạm (gồm Kiến Thụy 22 bãi; An Lão 25 bãi; Thủy Nguyên 11 bãi; Cát Hải 3 bãi; Vĩnh Bảo 19 bãi; Tiên Lãng 5 bãi). Tới năm 2028-2030, đóng cửa 52 bãi rác còn lại (gồm Vĩnh Bảo 30 bãi; Tiên Lãng 21 bãi và Bạch Long Vĩ 1 bãi).
Theo tính toán, sau khi Nhà máy điện rác Đình Vũ đi vào hoạt động, trong giai đoạn 2026-2027, mỗi năm ngân sách thành phố cần bố trí cho công tác vận chuyển và xử lý rác khoảng 417 tỷ dồng, chiếm khoảng 0,85% tổng chi nội địa. Sau khi cả 2 nhà máy điện rác Đình Vũ, Trấn Dương đi vào hoạt động, mỗi năm ngân sách cần bố trí khoảng 620 tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng chi nội địa. Lãnh đạo UBND thành phố cho biết , mức dự toán trên hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách thành phố.
Có thể khẳng định, dự án Nhà máy đốt rác phát điện rất khả thi. HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết số 27 ngày 20-7-2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã chỉ rõ yêu cầu về sớm xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện. Hiện các thủ tục để xây dựng nhà máy đang được UBND thành phố gấp rút triển khai, bao gồm việc bố trí quỹ đất, kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ…
Một số vướng mắc, khó khăn liên quan tới quy hoạch điện; định mức… đã được thành phố báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường để tìm cách tháo gỡ và giải quyết. Mới đây, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố làm việc với các ngành, các địa phương, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, trong đó vấn đề xử lý rác thải tiếp tục được đề cập và yêu cầu xây dựng nhà máy đốt rác phát điện được các thành viên đoàn giám sát đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao.
Với chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, Hải Phòng sẽ thực hiện được mục tiêu biến rác thải thành tài nguyên, phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn là giải quyết được căn cơ, cốt lõi vấn nạn rác thải từ mấy chục năm qua, triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn từ nguồn phát sinh đến xử lý cuối cùng, bao gồm cả phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng xanh, văn minh, hiện đại, sạch đẹp./.
Nhóm phóng viên Kinh tế
10:28 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết