16:08 24/06/2013
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TW, hồi 16h ngày 23-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Đến 10h ngày 24-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên đất các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km một giờ), giật cấp 7. Đến 22h ngày 24-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ)...
Tại Hải Phòng, bắt đầu từ 12h ngày 23-6, huyện Cát Hải đã có hiện tượng sóng biển đánh tràn lên mặt đê đoạn từ thị trấn Cát Hải đến Hoàng Châu, dài 7,5km. Trước đó, ngày 21-6, Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố có Công điện khẩn số 02/CĐ-PCLB&TKCN); ngày 22-6 có Công điện khẩn số 04/CĐ-CT chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng chống cơn bão số 2. 18h ngày 22-6, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 8 năm 2012, để chủ động đối phó, giảm thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra đến mức thấp nhất, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp ứng phó, kiểm tra, thực hiện phương án phòng chống bão. Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Đỗ Trung Thoại - Trưởng ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP nhấn mạnh: Cơn bão số 2 diễn biến phức tạp, khi triều cường, kèm theo mưa lớn rất nguy hiểm. Các sở, ngành, địa phương phải tuần tra, nắm tình hình, kiểm đếm số phương tiện, số người hoạt động trên biển để gọi vào bờ, bố trí nơi neo đậu an toàn; cương quyết yêu cầu người dân sơ tán khỏi các vị trí nguy hiểm: khu chung cư có nguy cơ sụp, đổ, vùng sát biển, cửa sông, vùng trũng và người dân trên các phương tiện phải lên bờ (trong trường hợp cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế); kiểm tra, rà soát những vị trí đê xung yếu, ứng trực sẵn sàng xuất cấp vật tư dự trữ PCLB và tham mưu xử lý sự cố đê; hạ mức nước đệm để phòng chống lũ lụt, kiểm tra các trạm bơm, chuẩn bị máy bơm dã chiến; đảm bảo trực ban 24/24; nghiêm cấm tất cả các hoạt động tại các khu du lịch như: Đồ Sơn, Cát Bà... từ 19h, ngày 22-6 cho đến khi bão tan để đảm bảo an toàn cho du khách...
Cắt tỉa cây trước khi bão về Sở NN&PTNT kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng chống bão số 2... Công an thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị đảm bảo quân số thường ứng trực 100%, chủ động PCLB&TKCN theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách... UBND các quận, huyện có hệ thống đê điều xung yếu như: Kiến Thuỵ, An Lão, Hải An, Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo...; chỉ đạo tiêu thoát nước đệm; sửa chữa, vận hành trạm bơm, kiểm tra hệ thống đê điều, có phương án hoành triệt các cống xung yếu, khoanh vùng diện tích mạ; có phương án sơ tán dân, duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Lực lượng vũ trang huy động 36.925 người xung kích hộ đê, PCLB&TKCN, phương tiện, vật tư gồm 967 xe ô tô các loại, 254 chiến tàu, xuồng; 66 xe cẩu, xúc, thang; 87 máy phát điện, 13.280 chiếc mai, cuốc, xẻng…, 35.911m3 đá hộc, 831.647 chiếc bao tải, 7.443 chiếc áo phao, 1.147 bộ nhà bạt, 11.586 tấn lương thực, 22.855 thùng mỳ ăn liền… Ngày 23-6, Phó chủ tịch UBND TP Đỗ Trung Thoại, Trưởng ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố làm trưởng đoàn trực tiếp cùng các địa phương, các ngành kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên... Nước triều dâng, tràn cả vào nhà dân tại khu vực Hạ Lý Tính đến 17h ngày 23-6, trên địa bàn thành phố chưa có thiệt hại gì về người, tài sản và công trình đê điều. Tất cả các ngành, địa phương, đơn vị đều sẵn sàng ứng trực 24/24 giờ để kịp thời thông tin tình hình di chuyển của bão, có biện pháp ứng phó khi bão đổ bộ vào bờ. * Tại huyện Vĩnh Bảo, theo ông Nguyễn Văn Đan - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Bảo, sau khi cơn bão đổ bộ vào địa bàn, tại tuyến đê Bối cao 2,5-2,7m thuộc hệ thống sông Hóa chạy qua các xã: Trấn Dương, Hòa Bình, Tam Cường, Cộng Hiền, Cổ Am, Việt Tiến, Vĩnh Phong, nước sông đang dâng cao, đặc biệt tại 2 xã Cộng Hiền, Vĩnh Phong nước dâng cao. Tuyến đê bối của xã Vĩnh Phong bị vỡ mấy mét, một số đoạn của xã Cộng Hiền tiếp tục vỡ, lực lượng chức năng đã huy động lực lượng, phương tiện xử lý giữ đê, sơ tán 4 hộ nuôi trồng thủy sản vào khu vực an toàn; đắp be cát chống tràn qua đê, đảm bảo an toàn cho cây trồng và người dân. * Bộ chỉ huy BĐBP Hải Phòng kêu gọi 11.586 lao động tránh bão an toàn. Bộ chỉ huy BĐBP đã triển khai đồng bộ các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), sẵn sàng cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, đài canh trực 24/24, thông báo cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn nắm chắc diễn biến của bão để chủ động phòng tránh hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ, 100% quân số sẵn sàng trực cùng 40 phương tiện tàu, xuồng, ô tô tham gia cơ động phòng chống lụt bão; Bộ chỉ huy BĐBP đã điều động tàu CN-09 trực ở vịnh Lan Hạ để chủ động cứu hộ cứu nạn khi bão xảy ra; tổ chức kêu gọi 3.899 phương tiện/11.586 lao động vào nơi tránh bão an toàn. Tại các điểm neo đậu, lực lượng BĐBP đã sắp xếp phương tiện, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về người và phương tiện. Tại huyện Kiến Thuỵ, Đồn BP Đoàn Xá đã phối hợp chính quyền địa phương kêu gọi, vận động, cưỡng chế 232 phương tiện, trong đó có 40 tàu đánh bắt xa bờ vào 2 khu vực tránh bão; 65 lao động tại 45 chòi nuôi ngao cũng được đưa đến nơi an toàn. Trước đó, vào 14h20 ngày 22-6, tại khu vực vịnh Cát Bà, tàu HP 1586 do ông Trịnh Văn Linh, sinh 1958, ở phường Đông Hải 1, Hải An, làm thuyền trưởng cùng 1 thuyền viên chở 1,8 tấn mực tươi chạy từ vịnh Cát Bà đi Trân Châu tránh bão, gặp sự cố dẫn đến chìm tàu. Đồn BP Cát Bà nhận được tin báo đã điều động xuồng và 4 CBCS cứu vớt được 2 thuyền viên và huy động tàu dân dụng tổ chức trục vớt, kéo tàu vào khu vực an toàn… * Tại huyện đảo Cát Hải, các lực lượng chức năng đã kêu gọi toàn bộ phương tiện, tàu thuyền vào nơi neo đậu, bảo vệ các lồng bè, tăng cường kiểm tra, theo dõi các vị trí đê, kè, cống xung yếu, triển khai phương án “bốn tại chỗ” theo kế hoạch.
Triều cường dâng cao tràn qua đê kè tại huyện đảo Cát Hải Đêm 22 và sáng 23-6, bão số 2 gây gió cấp 7-8 và mưa to cho khu vực đảo Cát Bà và Cát Hải, sóng lớn cộng với triều cường đã làm toàn bộ hệ thống đê Cát Hải bị tràn, nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù đã huy động các lực lượng dân quân, công an, bộ đội và nhân dân kịp thời gia cố, hàn đê nhưng sóng tràn quá lớn đã làm toàn bộ thị trấn Cát Hải và một số xã lân cận như Văn Phong, Hoàng Châu, Văn Chấn bị ngập nặng, có chỗ nước ngập hơn 1 mét, khiến nhiều vùng bị cô lập, nhiều ao hồ, khu nuôi thủy sản của nhân dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, lường trước được tình hình nên huyện cũng đã tổ chức di dời 600 hộ dân (2.000 người) tới những điểm an toàn; kiên quyết không cho ngư dân ở lại các chòi canh nuôi trồng thủy sản. * Quận Đồ Sơn triển khai 5 biện pháp phòng chống lụt bão gồm: kêu gọi và sắp xếp tàu thuyền về bến neo đậu an toàn; chuẩn bị các phương án sơ tán dân tại chỗ ở những vùng thấp, có nguy cơ lụt cao; phòng chống lụt bão tại khu du lịch; kiểm tra các công trình xây dựng, bảo vệ cây xanh, đê xung yếu, hệ thống điện chiếu sáng và công trình công cộng; bảo vệ sản xuất thuỷ sản và tiêu úng mạ. Tính đến chiều 23-6, quận đã đưa được 339 tàu thuyền với 1.269 lao động về bến an toàn; di dời 10 chòi nuôi ngao; tuyên truyền lưu động cho khách du lịch di dời khỏi Đồ Sơn trong thời điểm bão lũ, không cho du khách tắm biển... * Điện lực Hải Phòng túc trực tại trạm 110kv. Công ty Điện lực Hải Phòng đã họp khẩn cấp, rà soát các phương án phòng chống lụt bão, kiểm tra tại trạm bơm tiêu úng xã Bát Trang, huyện An Lão, vận hành thử hệ thống máy bơm, đảm bảo cấp điện kịp thời cho trạm khi xảy ra ngập úng. Các đơn vị trực thuộc rà soát lưới điện, tiến hành chằng chống các công trình, tăng cường nhân lực túc trực tại các trạm điện 110kV, bổ sung phương tiện, vật tư và thiết bị dự phòng PCLB để sẵn sàng ứng phó khi bão lốc xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão. * Các bệnh viện thường ứng trực cấp cứu 24/24 giờ. Ngày 22-6, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng có công văn số 687/SYT-VP về việc phòng, chống lụt bão và đối phó với cơn bão số 2. Theo đó, các bệnh viện, Trung tâm cấp cứu 115 chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, các đơn vị cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có lệnh, tổ chức cấp cứu 24/24h, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân; các cơ quan, đơn vị y tế chủ động đối phó, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cán bộ y tế và trang thiết bị, nhà cửa, đồng thời hạn chế không để dịch bệnh lây lan khi có lụt bão xảy ra. |
13:50 13/01/2025
Phòng An ninh kinh tế - CATP: Phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường
Chuyên mục luật phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh