Hải Phòng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả (bài 1)

17:30 25/03/2024

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hải Phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 2 nội dung là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Cả 2 lĩnh vực này được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) ghi nhận, đánh giá cao về sự nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ, đây cũng chính là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của Hải Phòng và được ưu tiên, tập trung thực hiện.

Bài 1:

                                                      Nỗ lực giảm nghèo bền vững

          Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố là 0,32%, giảm 0,46% so với năm 2022, bằng 115% kế hoạch đề ra. Hải Phòng phấn đấu tới năm 2024 không còn hộ nghèo. Đây là tin vui, đồng thời cũng khẳng định quyết tâm, quyết liệt của Hải Phòng trong công tác giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

          Thống nhất quan điểm, ý chí hành động

          Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo kịp thời với các biện pháp rất quyết liệt, sáng tạo, cụ thể. Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo của Trung ương, thành phố còn dành nguồn lực thực hiện một số chính sách đặc thù  riêng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập, tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin…) với mục tiêu chung là thoát nghèo bền vững.

                         Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập thăm, chúc Tết, tặng quà hộ nghèo tại huyện Thủy Nguyên

          Thực hiện quyết định số 90 ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố ban hành kế hoạch số 55 ngày 10-3-2022 để triển khai. Đáng chú ý, HĐND thành phố ban hành nhiều nghị quyết với các cơ chế, chính sách cụ thể để giảm nghèo bền vững. Đó là nghị quyết số 52 ngày 9-12-2019 về cơ chế chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020- 2025; nghị quyết số 08 ngày 20-7-2022 về sửa đổi điều 1 của nghị quyết số 32 và nghị quyết số 52; nghị quyết số 11 ngày 9-12-2022 quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; nghị quyết số 12 năm 2022 về hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội cho các nhóm đối tượng, trong đó có hộ nghèo…

      Cùng với đó là chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp học; thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên theo quyết định số 157 ngày 27-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Cùng với đó là các chính sách trợ giúp pháp lý; chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ phát triển nông nghiệp; các dự án giảm nghèo…

          Có thể nói, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thành phố được sự quan tâm rất thiết thực, hiệu quả, có đầy đủ cơ sở pháp lý và sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân để có thêm điều kiện, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

          Những kết quả rõ nét

           Theo BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững thành phố Hải Phòng, các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả rất thiết thực, rõ nét. Toàn thành phố có 418 hộ đủ điều kiện hỗ trợ về nhà ở (341 hộ xây mới và 77 hộ sửa chữa).

Tính đến hết năm 2023 có 288 hộ được vay hơn 9,3 tỷ đồng và được hỗ trợ bằng tiền mặt để mua vật liệu. Năm 2023, thành phố hỗ trợ thu nhập hàng tháng cho khoảng 16.294 người với số tiền tương ứng 117 tỷ đồng; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 11.121 lượt người thoát nghèo, thoát cận nghèo với kinh phí gần 9 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 1- 2024, có 11.758 người được hưởng nghị quyết số 04 của HĐND thành phố với số kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Thành phố cũng hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 133.000 người với số tiền 63,3 tỷ đồng, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 13.524 hộ về bảo hiểm xã hội tự nguyện với kinh phí 7,6 tỷ đồng.

Theo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hải Phòng, đến nay đã hỗ trợ vay vốn cho 2719 lượt học sinh, sinh viên với dư nợ đạt 115,4 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ gia đình có học sinh, sinh viên được vay 42 triệu đồng). Về hỗ trợ vay vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, có hơn 3100 lượt hộ nghèo được vay với dư nợ 136,9 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 21.142 lượt hộ, bình quân mỗi hộ được vay khoảng 60 triệu đồng… Ngoài ra, hộ nghèo còn được vay theo chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ tiền điện; được trợ giúp pháp lý; được ưu tiên chăm sóc sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng…

Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban vận động Quỹ “vì người nghèo” thành phố phối hợp với huyện An Lão khởi công xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thôn Quyết Tiến 1, xã An Thắng

          Đáng chú ý, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương lồng ghép các chương trình, dự án khác theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và từng bước thu hẹp dần khoảng cách về chênh lệch thu nhập của người nghèo. Cụ thể, hỗ trợ lãi suất vốn vay 682 tỷ đồng cho 4 cơ sở nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Vĩnh Bảo; hỗ trợ chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, an toàn dịch bệnh, tem truy xuất nguồn gốc cho 27 cơ sở; tập huấn về kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp… Sở Lao động- TBXH tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho hơn 700 cán bộ làm công tác giảm nghèo…

Tổng kinh phí đã bố trí thực hiện giảm nghèo bền vững của Hải Phòng năm 2023 và 2 tháng năm 2024 là gần 240 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách địa phương 219 tỷ đồng; hơn 18,7 tỷ đồng là vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, đoàn thể, người dân). Ngoài ra còn có 4581 tỷ đồng là vốn  vay tín dụng ưu đãi.

           Với các biện pháp đó, tỷ lệ hộ nghèo của Hải Phòng giảm đều qua các năm và mục tiêu năm 2024 không còn hộ nghèo rất khả thi. Thành phố quyết tâm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; tập trung nguồn lực, xây dựng các giải pháp hỗ trợ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thoát nghèo bền vững như đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm...góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, xóa nghèo nhanh, bền vững.

          Một số giải pháp cụ thể được thành phố xác định là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; tuyên truyền về mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, cá nhân điển hình phát triển kinh tế, làm giàu hiệu quả; vận động nhân dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tích cực tham gia hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn,... để vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, đặc biệt trong công tác đánh giá, hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, dạy nghề phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với trình độ, điều kiện của người nghèo, dạy nghề phải gắn với tạo việc làm, tạo thu nhập, dạy có địa chỉ, liên kết với doanh nghiệp, với cơ sở sản xuất kinh doanh để dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động cho đối tượng nghèo phù hợp với tình hình, yêu cầu mới.

Cùng với đó, quan tâm bố trí đủ và kịp thời kinh phí triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, chương trình giảm nghèo, các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác giảm nghèo; chủ  động phân cấp, trao quyền cho cấp xã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo tại địa phương; có chính sách huy động vốn trong nhân dân, các doanh nghiệp đầu tư vào giảm nghèo; gắn trách nhiệm của người nghèo khi được cấp vốn hoặc các nguồn lực để sản xuất kinh doanh, quy định thời hạn thụ hưởng các chính sách nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo theo hướng “trao cần câu hơn trao con cá”…

(còn tiếp)

                                                                                                                                        Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông