Hải Phòng trong chuỗi phát triển dịch vụ logistics (Kỳ 2): Động lực thúc đẩy phát triển

08:35 22/08/2019

Tại hội nghị: “Phát triển dịch vụ Logistics Hải Phòng: nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” tổ chức ở Hải Phòng vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyên Văn Thành đã có bài phát biểu mang tính tổng quát, về tình hình hoạt động phát triển logistics trên địa bàn Hải Phòng và định hướng trở thành đầu mối logistics của khu vực.

Vị thế đầu mối của dịch vụ cảng Hải Phòng

Theo đó, thành phố sẽ phát triển 6 trung tâm dịch vụ logistics với tổng diện tích 306 ha, bao gồm chức năng vận tải, kho bãi, đóng gói, xếp dỡ hàng hóa, vận tải hàng không, kho bãi giao nhận hàng không, thủ tục hành chính...

Nhìn lại những gì đạt được trên lĩnh vực liên quan thời gian qua, tính đến thời điểm tổng kết Nghị quyết 32-NQ/TW, vốn đầu tư cảng biển của Hải Phòng đã đạt con số kết sức ngoạn mục. Nếu như năm 2003 chỉ có 65,962 tỷ đồng, đến năm 2017 đã là 4.329,405 tỷ đồng, chiếm 7,51% tổng đầu tư toàn xã hội.

Không gian phát triển cảng ngày càng được mở rộng ra phía biển, đặc biệt là khu vực Đình Vũ và cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện. Giữ vai trò trung gian kết nối với hệ thống cảng, phải kể đến dịch vụ logistics nói chung và vận tải nói riêng, hiện các doanh nghiệp Hải Phòng chiếm ưu thế vượt trội về vận tải hàng hóa từ cảng.

Số lượng doanh nghiệp vận tải biển của Hải Phòng tăng từ con số 47 năm 2003 lên 188 doanh nghiệp, với 680 tàu, tổng trọng tải 3.669.128 DWT, chiếm 41% tổng số tấn trọng tải của cả nước. Cùng với đó là 1.794 doanh nghiệp vận tải đường bộ, vận hành 170.550 ô tô các loại, trong đó 16.078 đầu kéo container. Vận tải hành khách cũng chiếm áp đảo các tuyến hai chiều với Hải Phòng, số lượng xe khách là 90.221 chiếc, đạt mức vận chuyển gần 50 triệu triệu lượt khách hàng năm.

Vận tải đường sắt dù khiêm tốn nhưng cũng đạt 588 nghìn lượt khách và hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa. Vận tải hàng không từ duy nhất 1 chặng bay, sau khi nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi,  đã có 5 hãng hàng không tham gia khai thác, với 11 chặng bay trong nước và quốc tế, lượng hành khách khoảng hơn 2 triệu lượt/năm, lượng hàng hóa khoảng 11 triệu tấn/năm.

Dịch vụ logicstics ở khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải

Thành phố còn có hệ thống dịch vụ với 41 bãi container diện tích khoảng 200 ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa qua cảng, đồng thời góp phần không nhỏ vào doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành, trong hai năm qua, thành phố đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào các dự án cảng, logistics.

Trong đó đầu tư nước ngoài đã thu hút 8 dự án logicstics với tổng vốn đăng ký 6,8 triệu USD, nâng tổng số các dự án FDI trên lĩnh vực này đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố lên con số 20, với tổng vốn đầu tư 168,3 triệu USD. Đầu tư trong nước đã thu hút thêm 10 dự án, trên tổng số 39 dự án logicstics có tổng vốn 6.796,6 tỷ đồng, tính đến hết năm 2018.

Được đầu tư xây dựng từ cuối thế kỷ 19, hệ thống cảng Hải Phòng vào giai đoạn nào cũng giữ vị trí là cảng biển lớn nhất, đầu mối giao thương hàng hải quốc tế của miền Bắc. Nhưng trong một thời gian khá dài, việc phát triển dịch vụ khu vực cảng biển chưa phát huy được tiềm năng, chẳng hạn cách đây gần 20 năm, lượng hàng qua cảng chỉ đạt trên dưới 10 triệu tấn/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài hệ thống cảng như đã nêu,  Hải Phòng còn được bố trí 3 khu neo chuyển tải là Bạch Đằng, Lan Hạ và Hạ Long cùng 2 khu với 5 bến phao chuyển tải có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Những năm gần đây, năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng biển Hải Phòng có sự bứt phá ấn tượng, nếu như năm 2015 lượng hàng qua cảng Hải Phòng mới đạt trên 74,5 triệu tấn, thì năm 2017 đã tăng tới trên 92 triệu tấn, năm 2018 đạt khoảng 102 triệu tấn.

So với dịch vụ hàng hóa qua cảng, thì vận tải đường thủy nội địa không thể so sánh về sản lượng. Mặt khác, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng vận tải đường thủy nội địa truyền thống chủ yếu dựa vào điều kiện tự hạ tầng tự nhiên của các dòng sông. Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu vận tải hiện nay, nhất là dạng hình hàng hóa đóng container thì vận tải thủy nội địa phụ thuộc rất nhiều vào năng lực xếp dỡ của các điểm đến, trên thực tế chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, hiện vận tải thủy nội địa vẫn giữ vai trò phụ trợ rất lớn đối với riêng khu vực Hải Phòng, ngoài lợi thế 19 tuyến sông qua địa bàn, khoảng 50 bến thủy, tạo cho Hải Phòng vị thế độc tôn kết nối cảng biển với các tỉnh khu vực phía Bắc. Đường thủy nội địa Hải Phòng còn được kết nối từ cảng ra các khu neo và phao chuyển tải, tạo ra hệ thống khá hoàn hảo. Chính vì thế, năng lực vận tải đường thủy nội địa vẫn đạt khoảng 20% trong việc giải phóng lượng hàng qua cảng hàng năm.

Hiện tại, giữ vai trò kết nối chính hình thành dịch vụ logistic sau cảng tại Hải Phòng vẫn chủ yếu thuộc về vận tải đường bộ. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Hải Phòng chiếm ưu thế vượt trội so với cả khu vực phía Bắc về dạng hình vận tải hàng hóa từ cảng bằng đường bộ. Đây là điều kiện cực kỳ quan trọng để phân ngành kinh tế logicstics của Hải Phòng phát triển.

Như vậy có thể nói, Hải Phòng đã và đang khẳng định vị trí trung tâm, là đầu mối giao thông giữa các địa phương khu vực phía Bắc với ngoài nước và ngược lại. Tuy nhiên nhìn vào tổng thể, sự kết nối đó vẫn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là tính điều phối của vị trí trung tâm với các vệ tinh. Hoạt động logicstics của Hải Phòng chủ yếu tập trung ở công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng, là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng dịch vụ.

             Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông