Hải Phòng trong chuỗi phát triển dịch vụ logistics (Kỳ 3): Tập trung để bứt phá

20:48 22/08/2019

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành, tính tương ứng với các dạng hình giao thông, hiện dịch vụ sau cảng của Hải Phòng chủ yếu tập trung vào đường thủy và đường bộ, chi phí cao, kết cấu bộc lộ nhiều bất cập.

Cần phát triển dịch vụ bến bãi hiện đại và có tính kết nối cao

Trong đó, chi phí vận tải cao do tổ chức chưa hợp lý, đơn cử như xe chuyên chở hàng hóa chủ yếu chạy có tải một chiều từ cảng, gây hao phí rất lớn. Bên cạnh đó, công tác giao nhận, thủ tục hành chính còn chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp, từ tốn phí thời gian dẫn đến tăng chi phí dịch vụ.

Ngay như kết cấu hạ tầng, dù được đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây, nhưng hệ thống giao thông vẫn thiếu đồng bộ, các tuyến đường và nút giao thông khu vực dịch vụ cảng còn chật hẹp, thiếu nhiều vị trí đỗ xe giao nhận hàng, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện. Những bất cập này tác động tiêu cực đến hiệu quả khai thác, đồng thời tiềm ẩn những hệ lụy khác.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng logicstics chưa có các khu dịch vụ quy mô lớn hỗ trợ khai thác cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa hoàn thiện quy hoạch, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương và các trung tâm sản xuất hàng hóa…

Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 10-2018 HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logicstics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ trương nâng cao năng lực cạnh tranh và tỷ lệ đóng góp của dịch vụ logicstics trong phát triển tổng thể kinh tế - xã hội,  là một kênh không nhỏ hình thành nguồn thu cho ngân sách thành phố, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động.

Trong Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, thành phố chủ trương tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng.

Ưu tiên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để đầu tư các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng  với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa; Tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ.

Cùng với đó, tạo điều kiện phát triển đội tàu biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Song song với việc hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn thành phố vào năm 2030, đặc biệt ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, mở rộng kết nối hạ tầng logistics của Hải Phòng với các quốc gia về đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, phát triển hài hòa các phương thức vận tải nhằm giảm tải cho đường bộ.

Cụ thể về phát triển cảng biển, thành phố phấn đấu đầu tư xây dựng các bến cảng từ số 3 đến số 10 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hoàn thành xây dựng nhà ga số 2 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng bến tàu khách quốc tế; hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển; xây dựng đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; cải tạo hệ thống đường thủy nội địa nối với một số địa phương Bắc Bộ.

Đến năm 2030, đầu tư xây dựng các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; xây dựng quân cảng Nam Đồ Sơn; đầu tư một số công trình ngầm qua các sông Cấm, Lạch Tray; đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Sau năm 2030, nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng; nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, trong đó có các tuyến tàu điện ngầm nội đô.

Dịch vụ vận tải còn lệ thuộc nhiều vào đường bộ

Về dịch vụ logicstics, đến năm 2025 đầu tư xây dựng từ 1 đến 3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia; phấn đấu tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% đến 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% đến 25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%; sản lượng hàng hóa qua cảng đến năm 2025 đạt 350 triệu tấn.

Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% đến 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25% đến 30%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%. Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2030 đạt 600 triệu tấn.

Trở lại với hội nghị: “Phát triển dịch vụ Logistics Hải Phòng: nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” tổ chức tại Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hải Phòng là một địa phương có vị trí địa chính trị quan trọng, có vai trò đầu tầu trong ngành dịch vụ logistics của cả nước.

Việc đánh giá thực trạng hoạt động, phát triển và các vấn đề đặt ra, cho thấy bức tranh toàn cảnh của hoạt động logistics tại Hải Phòng và các đề xuất nhằm phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà cho toàn ngành dịch vụ logistics. Để từ đó cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ thế giới.

Nếu mọi điều kiện đảm bảo, trong tương lai không xa Hải Phòng sẽ sở hữu một hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo ra cơ hội đưa phân ngành logicstics trở thành cốt lõi của phát triển kinh tế tổng thể. Nghĩa là “sân chơi lớn” đang thuộc về Hải Phòng, nhưng nếu không chủ động chớp thời cơ thì tương lai rất có thể sẽ “lỡ hẹn”.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông