15:13 09/05/2022 Có hai sự kiện quan trọng năm 2014 được đánh giá là nguyên nhân dẫn tới xung đột ở Ukraine hiện nay.
Giáo sư John V Walsh tại Đại học Massachusetts (Mỹ) bình luận trên trang web Thời báo châu Á mới đây rằng, năm 2014 chứng kiến hai sự kiện quan trọng có thể là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Sự kiện đầu tiên là cuộc chính biến ở Ukraine, trong đó một chính phủ được bầu cử dân chủ bị lật đổ dưới sự can thiệp của Mỹ. Ngay sau đó, những cuộc giao tranh tại vùng Donbass kéo dài trong 8 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng, bất chấp những nỗ lực ngừng bắn theo Hiệp định Minsk mà Nga, Pháp và Đức đã đồng ý nhưng Ukraine, được Mỹ hậu thuẫn, từ chối thực hiện.
Kết quả là ngày 24/2/2022, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm phản ứng với mối đe dọa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay sát biên giới của mình.
Mỹ và một số đồng minh phương Tây tìm cách cô lập Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sự kiện quan trọng thứ hai của năm 2014 nhưng ít được chú ý hơn và trên thực tế hiếm khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây. Vào tháng 11 năm đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ tính theo sức mua tương đương (GDP PPP).
Một người luôn chú ý và thường đề cập đến vị thế của Trung Quốc trong bảng xếp hạng PPP-GDP không ai khác chính là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trên cơ sở này, Giáo sư Walsh cho rằng hành động của Nga ở Ukraine có thể nhằm thể hiện quyết định "quay lưng" khỏi phương Tây thù địch sang phương Đông năng động hơn. Điều này diễn ra sau nhiều thập kỷ Moskva nỗ lực thúc đẩy một mối quan hệ hòa bình với phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng gần như thất bại. Khi Nga "xoay trục sang phía Đông", nước này có lẽ muốn tìm cách để đảm bảo rằng biên giới phía Tây với Ukraine được an toàn.
Sau bước đi của Nga ở Ukraine, Mỹ và một số đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tham gia. Điều này không có gì ngạc nhiên. Xét cho cùng, nước Nga thời Tổng thống Putin và Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã xích lại gần nhau hơn trong nhiều năm. Đáng chú ý nhất là hai nước đã thiết lập được mối quan hệ trao đổi thương mại tính bằng đồng rúp-đồng nhân dân tệ, do đó tiến tới độc lập khỏi chế độ thương mại do đồng USD Mỹ thống trị.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng không tham gia chế độ trừng phạt của Mỹ. Ấn Độ hiện vẫn duy trì lập trường của mình bất chấp áp lực rất lớn, bao gồm các cuộc điện đàm từ Tổng thống Joe Biden cho Thủ tướng Narendra Modi và những chuyến thăm của một loạt quan chức cấp cao Mỹ, Anh và EU đến Ấn Độ để gia tăng sức ép.
Ấn Độ và Nga đã có mối quan hệ về quân sự và ngoại giao được hun đúc trong nhiều năm. Lợi ích kinh tế của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga cũng không thể bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa từ Mỹ. Ấn Độ và Nga đang hợp tác thương mại thông qua trao đổi đồng rúp-rupee. Trên thực tế, Nga đang là một nhân tố đặt Ấn Độ và Trung Quốc vào cùng một phía, theo đuổi lợi ích và độc lập của riêng họ khi đối mặt với tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Với việc trao đổi đồng rúp-nhân dân tệ đã trở thành hiện thực và việc trao đổi đồng rúp-rupee dự kiến được thiết lập trong thời gian tới, chúng ta có thể sắp chứng kiến một thế giới thương mại đồng nhân dân tệ-rúp-rupee, một lựa chọn “3R” thay thế cho sự độc quyền của đồng USD-Euro.
Có thể nói, Ấn Độ là một ví dụ về sự thay đổi cán cân quyền lực trên toàn cầu. Trong số 195 quốc gia trên thế giới, hiện chỉ có 30 quốc gia ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Điều đó có nghĩa là khoảng 165 quốc gia đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt.
Những quốc gia này đang đại diện cho phần lớn dân số thế giới, hầu hết ở châu Phi, Mỹ Latinh (bao gồm Mexico và Brazil), châu Á (trừ Nhật Bản, Hàn Quốc - cả hai đều có quân đội Mỹ đồn trú, Singapore và Đài Loan/Trung Quốc) đã từ chối. Trong số này, riêng Ấn Độ và Trung Quốc chiếm khoảng 35% dân số thế giới.
Trong khi đó, có một thực tế là 40 quốc gia hiện là mục tiêu trừng phạt của Mỹ và nhiều nước khác phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington.
Mới nhất, nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn đại diện Nga tham dự cuộc họp G20 vào cuối năm tại Bali cũng đã bị Indonesia, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch G20, từ chối.
Và ngay cả ở châu Âu, sự chia rẽ cũng đang xuất hiện. Hungary và Serbia đã không tham gia chế độ trừng phạt. Nhiều nước châu Âu đều đang miễn cưỡng hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga vốn quan trọng với nền kinh tế của họ.
Theo báo Tin tức
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết