11:03 02/08/2018 Do nhu cầu tiêu dùng ngày càng suy giảm, thị trường hàng điện máy thời gian qua lâm vào tình trạng ảm đạm kéo dài. Bước vào mùa hè năm nay, khi các siêu thị hy vọng cải thiện tình hình nhờ các sản phẩm mùa vụ, nhưng nhiều tác động mới xuất hiện khiến nhóm hàng này đã khó càng thêm khó.
Nhiều sản phẩm khuyến mại lớn vẫn tiêu thụ chậm
Rầm rộ khuyến mại
Dạo quanh các trung tâm điện máy trên địa bàn thành phố, có thể nhận thấy không khí khuyến mại sôi động tới mức nào. Bên cạnh cách quảng bá thông thường theo không gian rộng, nhiều siêu thị còn thực hiện cổ động trực quan bằng các trang trí sặc sỡ, phát hành hình ảnh kèm loa phóng thanh ngay tại nơi bán hàng, ồn ào gây chú ý như ở lễ hội. Các chiêu thức khuyến mại giảm giá, tặng quà, dùng thử hàng, đổi cũ lấy mới… cũng được tận dụng triệt để.
Tại thời điểm này, khi mùa hè đang đi về những ngày cuối, nhưng theo dự báo thì sau những đợt mưa lớn, thời tiết sẽ nắng trở lại với cường độ cao hơn. Vì vậy, nhóm được giới thiệu nhiều trong dịp này vẫn là các sản phẩm liên quan đến mùa hè. Chẳng hạn tại MediaMart trên đường Lê Hồng Phong, các mô hình sản phẩm được bày sát tận vỉa hè, siêu thị này đang tung ra chương trình “Khuyến mại, giảm giá – xả hàng hè”.
Nhiều sản phẩm được quảng bá khuyến mại giảm giá tới 50%, với một số mặt hàng giảm giá như máy điều hòa, tủ lạnh, quạt mát bằng hơi nước, ti vi… với mọi thương hiệu khác nhau. Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều trung tâm điện máy trải rộng từ ngoại đến nội thành
Nhìn lại thị trường mấy năm trở lại đây, nếu so sánh với các nhóm hàng hóa khác, thì nhóm điện máy có sự giảm phát mạnh mẽ nhất, tập trung chủ yếu vào những sản phẩm công nghệ cao. Điều đáng chú ý là, trong khi thị trường điện máy ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang có phần chững lại, thì nhiều “đại gia” lại đổ nguồn đầu tư vào Hải Phòng.
Bên cạnh gian hàng của các siêu thị bách hóa như MM Mega Market, BigC, Co-opMart tiếp tục duy trì, thời gian qua nhiều thương hiệu điện máy lớn nhất Việt Nam lần lượt có mặt tại Hải Phòng. Về thiết bị di động có Thegioididong, FPT, Viettel… điện máy hỗn hợp có MediaMart, HC, Trần Anh, Pico, Nguyễn Kim, Điện máy xanh… Chưa kể những thương hiệu của Hải Phòng cũng mở rộng quy mô như Samnec, CPN, Hoàng Phát, Tiến Phát, VP… và gần đây là Á Âu ở đường Hồng Bàng.
Hoặc ngay như tuyến đường Lương Khánh Thiện, lâu nay vẫn chuyên về kinh doanh hàng điện máy nhập khẩu qua sử dụng, nay cũng chuyển sang mô hình trung tâm thương mại. Tại khu vực ngoại thành, cũng đã xuất hiện một số siêu thị chuyên doanh, điển hình như ở Kiến Thụy có hai thương hiệu là Tuấn Thoa và Khang Hồng.
“Cái khó” ngày càng “bó cái khôn”
Theo nhận định của một số người có kinh nghiệm về kinh doanh điện máy, thị trường thành phố đang có dấu hiệu bão hòa, nên việc một số nhà đầu tư tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực này xem như là nghịch cảnh? Bởi lẽ, do tốc độ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, phần lớn nhóm hàng này chóng bị lỗi mốt.
Trong khi đa số sản phẩm điện máy đều có thời gian sử dụng lâu, nếu không vì tâm lý thì ít khi người tiêu dùng có nhu cầu thay đổi. Phần khác, chính môi trường cạnh tranh khốc liệt cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp sa vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu”, nên kể cả khi kinh tế phục hồi, thì nhu cầu tiêu thụ cũng khó tăng,
Trở lại thời điểm này, giữa bối cảnh tiêu thụ ảm đạm, một số nhà phân phối hy vọng vào việc tiêu thụ nhóm hàng phục vụ hè, thì trước đó việc giá điện được điều chỉnh tăng đã khiến không ít người tiêu dùng phải cân nhắc lại mục tiêu mua sắm. Khảo sát cho thấy, có khá nhiều người cho biết sẽ dừng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ do chi phí tăng gấp đôi so với sử dụng các thiết bị thay thế khác.
Thậm chí, cũng vì giá điện tăng, các thiết bị truyền thống như quạt điện, tủ lạnh, lò vi sóng, máy làm kem gia đình… cũng sẽ bị hạn chế sử dụng, và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sắm mới. Cùng với giá điện, việc tăng giá xăng với biên độ cao vừa qua, sẽ tác động mạnh mẽ đến giá cả các mặt hàng thiết yếu nói chung. Như vậy, khi thu nhập không được cải thiện, người dân phải cân đối lại cơ cấu chi tiêu, những mặt hàng không thiết yếu sẽ ít được quan tâm.
Chưa hết, qua đợt nắng gay gắt từ giữa tháng 6 vắt sang tháng 7 có vẻ được thời, thì đợt mưa kéo dài hơn 20 ngày liên tiếp vẫn đang diễn ra, được ví như “ông Giời” mang nước “đổ vào bếp” thị trường điện máy. Nhưng một trong nguyên nhân mang tính vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng điện máy thời điểm này chính là biến động của tỷ giá ngoại tệ.
Bởi lẽ đa số sản phẩm điện máy lưu thông trên thị trường đều xuất nguồn từ nước ngoài, dù được lắp ráp trong nước thì tỷ lệ linh kiện nhập khẩu cũng rất cao. Tiêu thụ chậm dẫn đến chu kỳ quay vòng vốn chậm, giá không tăng sẽ là thách thức lớn trong bối cảnh chênh lệch tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ ngày càng tăng.
Hy vọng trong thời gian tới, “nước nổi bèo nổi”, khi diễn biến thị trường thế giới ổn định, thị trường điện máy sẽ có sự khởi sắc.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết