Hành trình dọc Việt Nam tìm mô hình phát triển cho châu Phi

23:55 13/06/2020

Những hình ảnh về Việt Nam nổi bật ngay từ phần mở đầu cuốn sách “Khát vọng châu Á: Tại sao và bằng cách nào châu Phi có thể học hỏi mô hình châu Á” của Tiến sĩ Greg Mills, như một minh chứng cho tình yêu của vị học giả người Nam Phi từng có hơn 1/4 thế kỷ gắn bó với Việt Nam. Tiến sĩ Mills đã trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ bạn bè, đối tác châu Phi - Việt Nam ngày một gần gũi, bền chặt và hiệu quả.

Tình yêu của Tiến sĩ Greg Mills với Việt Nam bắt đầu từ năm 1994, ngay khi nước Nam Phi dân chủ mới thành lập sau sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Trên cương vị Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quốc tế Nam Phi (SAIIA) – sau đó là Giám đốc quốc gia của cơ quan nghiên cứu nổi tiếng này từ năm 1996 đến 2005, Tiến sĩ Mills đã đến Việt Nam - một trong những khu vực được coi là "từng nằm ngoài dòng chảy hội nhập", để tìm hiểu kinh nghiệm phát triển, giúp "đất nước Cầu Vồng” của Tổng thống Nelson Mandela đang khao khát vươn lên.

Thủ đô Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Nguồn TNV

Trong hồi ức của Tiến sĩ Greg Mills, thời điểm năm 1994, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai chính sách đổi mới được 8 năm và quốc gia Đông Nam Á này đã vươn lên từ khó khăn và thách thức của gần 100 năm dưới sự đô hộ của thực dân – đế quốc, của chiến tranh liên miên và nền kinh tế khép kín trong mấy chục năm. Mối quan tâm đặc biệt của Tiến sĩ Mills đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố trong nhiều thập niên tiếp theo. Năm 2005, được mời đảm nhận vị trí Giám đốc Quỹ Brenthurst (The Brenthurst Foundation), Tiến sĩ Greg Mills tập trung nhiệt huyết và khả năng vào thúc đẩy hiệu quả kinh tế châu Phi và Việt Nam là một trong những nước mà ông lựa chọn đi thăm.

Không chỉ khám phá, tìm hiểu Việt Nam qua các chuyến thăm đến những thành phố lớn, Tiến sĩ Mills đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi và Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, ông đã dành thời gian nghiên cứu sâu về chiến trường Điện Biên Phủ và trước đó vào năm 2011, ông đã thực hiện chuyến đạp xe khám phá hết sức ấn tượng tại Việt Nam.

Quan niệm rằng “Đạp xe là cách tuyệt vời để khám phá một đất nước” bởi người đạp xe cảm nhận được cuộc sống thực tế một cách chậm rãi, chân thực như khách bộ hành, ông và vợ, họa sĩ Nam Phi nổi tiếng Janet đã quyết định thử nghiệm triết lý này và đạp xe 700 km từ Mai Châu (Hòa Bình) hướng về phía Nam, dọc theo khu vực đồi núi, tới biên giới Việt Nam - Lào qua Vĩ tuyến 17, qua Khe Sanh, sau đó vòng sang phía Đông 70km dọc theo sông Bến Hải vào Huế, Đà Nẵng và Hội An.

Tiến sĩ Mills trầm ngâm giải thích rằng đạp xe khám phá theo cách đó, bạn có thể cảm nhận những hình ảnh của Việt Nam thay vì chỉ nhìn lướt qua, và đương nhiên bạn sẽ thẩm thấu những cảnh vật, âm thanh và mùi vị của cuộc sống, chứ không phải chỉ lướt qua như khi ngồi sau những cánh cửa ô tô tối màu. Cảm nhận Việt Nam từ những chuyến du lịch cá nhân trên khắp đất nước này đã định hình triết lý nghiên cứu riêng mang dấu ấn cá nhân của Tiến sĩ Greg Mills, giống như góc độ tiếp cận cuộc sống của chính người dân bản địa. Tiếp cận và trải nghiệm Việt Nam với cả tư cách nhà nghiên cứu và một khách du lịch chậm rãi, tận hưởng sở thích khám phá trong rất nhiều chuyến thăm đến các vùng khác nhau của dải đất hình chữ S, từ những cánh đồng lúa đến vùng núi cao, từ những bảo tàng và chiến trường đến các đặc khu kinh tế và các khu công nghiệp từ Bắc vào Nam, từ những cuộc gặp gỡ với nhiều chính trị gia có ảnh hưởng tại Việt Nam tới các cơ quan nghiên cứu hàng đầu, Tiến sĩ Mills có hiểu biết sâu rộng về quốc gia Đông Nam Á này, cả trong cuộc sống hằng ngày và với tư cách một học giả.

25 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S, khi các nhà nghiên cứu của Quỹ Brenthurst trở lại để chuẩn bị cho cuốn sách mới nhất về “Sự thần kỳ châu Á”, Tiến sĩ Mills vẫn không khỏi ngỡ ngàng về một đất nước Việt Nam với rất nhiều đổi thay tích cực: Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao, vẫn đất nước của những con người luôn tràn đầy năng lượng tích cực nhưng không phải chỉ dành cho cuộc đấu tranh sống còn, cho độc lập dân tộc, cho tự do, mà là cho sự tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng.

Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Flamingo Cat Ba Beach Resort (Cát Hải – Hải Phòng).

Đối với Tiến sĩ Mills, Việt Nam luôn nổi bật với việc biến khả năng thành hiện thực và kế thừa truyền thống lịch sử. Tiến sĩ Mills cho rằng trong khi nhiều nước châu Phi có thể "phàn nàn" về những di sản thuộc địa đầy khó khăn, thậm chí khủng khiếp, thì Việt Nam là một mô hình tiêu biểu về biến nghịch cảnh thành thịnh vượng, bất chấp những khó khăn về địa – chính trị, từng trải qua nhiều giai đoạn thuộc địa, bị tàn phá trong nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc với mọi mức độ can thiệp từ bên ngoài.

Xuất bản đầu năm 2020, khi châu Phi đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế trì trệ, cuốn sách “Khát vọng châu Á” của Quỹ Brenthurst đưa ra những bài học về thực tiễn kinh tế tốt nhất đặc trưng cho “Sự thần kỳ châu Á”, trong đó nhiều bài học từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam. Những bài học chính sách từ Việt Nam có thể là mô hình cho sự phát triển của châu Phi, từ nhu cầu tăng trưởng bao trùm; vai trò quan trọng tư duy hướng tới tương lai; sẵn sàng thay đổi chính sách; sự cần thiết phải bắt đầu với những yếu tố nền tảng của đất nước như cải cách giáo dục và nông nghiệp; vai trò trung tâm của chính sách mở cửa cho doanh nghiệp và thị trường nước ngoài; khả năng lãnh đạo đất nước tốt; sự cần thiết phải thực hiện cải cách cấu trúc cứng rắn và thực tế; cũng như quyết tâm đặt tăng trưởng ở vị trí trung tâm.

Vậy, cần làm gì để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam với Nam Phi và các đối tác châu Phi khác? Giám đốc Quỹ Brenthurst đã đưa ra biện pháp như nhân rộng các thực tiễn tốt nhất (thông qua các chuyến thăm, hội thảo, tài trợ học bổng, v.v.), đòn bẩy ngoại giao (lãnh sự danh dự, viện trợ, các hoạt động hợp tác giáo dục và giao lưu thể thao, ...), cũng như thông qua các diễn đàn doanh nghiệp song phương và khu vực. Ngoài ra, cần thiết lập kết nối và giao thương giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các Cộng đồng kinh tế khu vực (RECs) ở châu Phi. Việt Nam và các đối tác châu Phi cũng có thể cùng nhau xây dựng câu chuyện hợp tác và hỗ trợ cho xu hướng đó.

Viết nên trang mới trong quan hệ Việt Nam - châu Phi nên bao gồm các thông điệp về sự hợp tác mới, cùng có lợi, dựa trên lịch sử và hướng tới tương lai; là một điển hình cải cách thực tiễn tốt đối với châu Phi; quan hệ đối tác mang tính hiện đại; cơ hội của thị trường lớn và tiềm năng liên kết với Việt Nam trong mối quan hệ với ASEAN. Một số yếu tố có thể đóng vai trò là động lực dài hạn cho sự thay đổi cấu trúc trong quan hệ Việt Nam - châu Phi, bao gồm chia sẻ mã hàng không, mở rộng đầu tư, trao đổi văn hóa và nghệ thuật, đề xuất Sáng kiến Cách mạng xanh Việt Nam – châu Phi và lựa chọn những đối tác châu Phi trọng điểm.

TP Hồ Chí Minh phát triển thành đô thị hiện đại điển hình. Nguồn Chinhphu.vn

Từ rất nhiều các chuyến thăm tới Việt Nam, Tiến sĩ Mills đã chứng kiến người Việt Nam biến những khó khăn và thách thức của lịch sử thành lợi thế như thế nào. Giám đốc Quỹ Brenthurst cho rằng lịch sử không phải là định mệnh. Nếu lịch sử là định mệnh, sẽ không bao giờ có được một Việt Nam như ngày nay. Lịch sử là một trong nhiều yếu tố tác động, nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất của vận mệnh. Việt Nam đã chọn hướng về phía trước chứ không phải chỉ là nạn nhân của quá khứ. Đó là thông điệp minh họa tuyệt vời cho mô hình Việt Nam.

Trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Phi, các mối liên kết chặt chẽ sẽ được vun đắp và phát triển, cũng giống như tình yêu của Tiến sĩ Mills dành cho đất nước và người dân Việt Nam, thông qua tham quan, khám phá, gắn kết và hỗ trợ./.

PHI HÙNG - ĐÌNH LƯỢNG (Phóng viên TTXVN tại Nam Phi)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông