10:24 07/01/2024 Sau bao năm vất vả, cô và trò điểm trường Khe Bu, thuộc Trường Tiểu học Châu Khê, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, vui mừng khi lần đầu tiên được sử dụng điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời. Không còn cảnh học tập, sinh hoạt trong tối tăm, nóng bức, hoạt động thiện nguyện của Công an quận Lê Chân, TP Hải Phòng cùng các nhà tài trợ, hảo tâm đã giúp những điều tưởng chừng đơn giản với các trường học khác trở thành niềm hạnh phúc vô bờ của cô trò nơi đây…
Truyền thuyết về tộc người… ngủ ngồi
Cuối tháng 12, miền Bắc đón nhận những đợt rét sâu, rét đậm. Từ Hải Phòng, chiếc xe 16 chỗ chở đoàn thiện nguyện của Công an quận Lê Chân vượt hơn 600km lên miền tây xứ Nghệ. Đến quốc lộ 7, xe ngược dòng suối Choang lên thượng nguồn sông Giăng. Con đường vào bản Khe Bu ngoằn nghèo, dốc đá lởm chởm, phải băng qua nhiều khe suối mới đến bản Khe Bu, thuộc xã vùng cao Châu Khê trong đại ngàn nguyên sinh của Vườn quốc gia Pù Mát giáp biên giới Việt - Lào. Đây cũng là điểm bản xa nhất của tộc người thiểu số Đan Lai, sống biệt lập đã gần 400 năm. Riêng điểm trường Khe Bu có gần 150 học sinh là con em của bà con nơi đây.
Dẫn tôi đi dạo một lượt quanh bản, Trung tá Trần Văn Đông, Đồn phó Đồn biên phòng 555 cho biết, đây được xem là khu vực khó khăn, nghèo đói nhất của cả huyện Con Cuông. Cũng vì giao thông đi lại khó khăn mà việc học của những con em ở đây càng thêm trắc trở. Mỗi lần vào đầu năm học mới hoặc ra Tết, các giáo viên, cán bộ xã lại phải đến từng nhà vận động cho con em đến trường. Một phần nguyên nhân khiến phụ huynh không mặn mà cho con đi học là bởi, từ năm lớp 1, các em đã phải vượt hàng chục km đường sá khó khăn để tới được trường. Nhưng cái khó hơn cả trong cái “nhiều không” là Khe Bu, Khe Nóng hiện vẫn chưa có điện.
Trong ngôi nhà sàn nằm ẩn mình bên vách núi, Trưởng bản La Văn Nguyên kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của tộc người bi thương giữa đại ngàn. Đó là, sau cuộc phân tranh Lê-Mạc (1533-1592), ở vùng Nghệ Tĩnh các vương triều phong kiến tập quyền đã biến thành lãnh địa tranh chấp quyền lực đẩy thần dân thành nạn nhân của hỗn chiến phu phen tạp dịch tô tức cực hình. Lúc này ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có một tên bạo chúa nổi tiếng tàn ác bắt dòng họ La phải tìm cho ra "100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái", nếu không sẽ thảm sát cả họ. Dưới vòm trời này làm gì có cây nứa bằng vàng, con thuyền liền mái? Thế là trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân. Một bộ tộc mới ra đời từ đó với cái tên Đan Lai.
Đan là chỉ tộc người của mình xuất phát ở làng Đan Nhiệm, còn Lai ý nói là mọi thứ kể cả con người, tiếng nói, phong tục đều đã bị “lai tạp”. Đây là lý do giải thích vì sao tiếng nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường - Việt ngữ cổ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần dần họ quên cả tiếng nói mẹ đẻ, quên cả chữ viết, phương thức canh tác nông nghiệp và cả nét văn hoá của dân tộc mình... Đến nỗi, ngay cả dáng ngủ cũng chứa nỗi bi thương trong cuộc sinh tồn. Trưởng bản La Văn Nguyên giải thích: "Ngày xưa con khái (hổ) nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào nên mới sinh ra ngủ ngồi. Ngủ ngồi là để có thế vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu...".
Ngoài ngủ ngồi, người Đan Lai còn có tục ngủ trên cây. Mỗi khi vào rừng săn thú hoặc đào củ mài củ sắn muộn quá không về được thì họ leo lên cây lội lớn dùng những que củi lớn bắc kê thành lán rồi ngủ ngồi để đối phó với thú dữ. Nhưng độc đáo nhất vẫn là tục đẻ ngồi. Khi người phụ nữ mang thai gần đẻ mà không có ai ở nhà thì họ ngồi vào một góc nhà và đẻ rồi tự đỡ đẻ luôn.
Từ năm 2001, một đề án “giải cứu” tộc người có tục ngủ ngồi ở vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát đã được thực hiện. Dần dà, lũ trẻ đã biết đến trường, khi ngủ đã biết nằm giường. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Châu Khê, hiện 95% hộ dân nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. “Nguyên nhân một phần đến từ dự án thủy điện Suối Choang kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ qua mà vẫn chưa xong". Dự án kéo dài khiến việc đầu tư hạ tầng cơ sở khó khăn, không làm đường vào các bản đó được. Không chỉ có giao thông, đến nay hơn 400 hộ dân nơi đây vẫn chưa có điện lưới để sinh hoạt.
Ánh sáng cho trường học vùng sâu
Không điện lưới, thứ ánh sáng duy nhất ở đây mỗi khi trời nhập nhẹm tối là ánh nến hoặc ánh đèn dầu. Đó là những điều “rất bình thường” trong cuộc sống diễn ra hàng đêm của những giáo viên mầm non và tiểu học Khe Bu đang ngày đêm “cắm bản” mỗi khi ngồi soạn giáo án. Điểm chung về chỗ ở của thầy cô “cắm bản” ở Khe Bu, Khe Nóng là cơ sở vật chất chẳng có gì. Mùa mưa gặp gió lớn thì tốc hết mái, còn mùa đông thì co ro trong giá lạnh. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải “tự cung tự cấp” là chính.
Thượng tá Vũ Đức Khương, Phó Trưởng Công an quận Lê Chân nhớ lại, vào một ngày đầu tháng 7/2023, anh đã có chuyện thiện nguyện, trao quà cho cô trò tại điểm trường Khe Bu này. Sau chuyến công tác ấy, một ý tưởng trao ánh điện cho trường được ấp ủ. Trực tiếp Thượng tá Khương cùng Công đoàn và các đoàn thể Công an quận gồm Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đã tích cực kêu gọi, vận động doanh nghiệp, nhà tài trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Gần 5 tháng nỗ lực, Công an quận phối hợp với một số doanh nghiệp trong Nhóm năng lượng yêu thương như: Cty công nghệ tự động hóa Hoàng Gia (Hải Phòng), Cty Solar Sông Lam (Nghệ An), Cty Fujiso (Nam Định)… và Ban Công đoàn Công an tỉnh Nghệ An đã hoàn tất việc lắp đặt thành công hệ thống điện mặt trời trao tặng tại điểm Khe Bu, Trường Tiểu học Châu Khê.
Công trình gồm 18 tấm pin với tổng công suất 9,99kwp cùng hệ thống truyền tải, thiết bị hòa lưới, bảo đảm cấp điện ổn định. Ngoài ra, Công an quận còn phối hợp với các nhà tài trợ trao tặng các thiết bị điện gồm: tủ lạnh, đèn năng lượng mặt trời, tủ sách, tivi 65 inch, quạt treo tường và máy lọc nước tinh khiết cùng các trang thiết bị khác với tổng trị giá hơn 350 triệu đồng, phục vụ cho việc sinh hoạt và học tập của cô trò Khe Bu. Anh Cương, Giám đốc Cty công nghệ tự động hóa Hoàng Gia (Hải Phòng) bày tỏ: “Từ tâm mình, chúng tôi xin dành tặng món quà nhỏ này đến các thầy cô và hy vọng sẽ góp phần tiếp thêm động lực đến các thầy cô, vượt lên những khó khăn hàng ngày để gieo con chữ cho các em học sinh, giảm bớt khó khăn trong quá trình dạy và học”.
Ngày 21/12/2023, người dân bản Khe Bu quét dọn từ nhà đến trường sạch sẽ, bà con ăn mặc trang phục truyền thống xúng xính chờ điện sáng. Sẩm tối, sau khi thiết bị cuối cùng được lắp lên hệ thống, công đoạn cuối cùng cũng đã hoàn tất, ánh sáng đồng loạt tỏa ra từ các căn phòng học, như xua tan cái giá lạnh nơi rừng cao, núi sâu. Dân bản Khe Bu sung sướng, nhiều hộ chung nhau mổ lợn, mổ gà ăn mừng vì có điện. Những cụ già lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy hình ảnh trong chiếc tivi to bằng cái mâm đặt giữa sân trường. Những đôi mắt thơ ngây to tròn của các em học sinh được chứng kiến những thiết bị điện tử. Điểm trường Khe Bu bỗng chốc trở thành nơi sinh hoạt chung của cả bản.
Trưởng bản La Văn Nguyên thì bảo, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi những người lính Đồn Biên phòng 555 đã vượt núi, băng rừng lên đỉnh Pù Mát vận động đồng bào Đan Lai chuyển về bản Khe Bu sinh cơ, lập nghiệp đến nay sau hàng chục năm, trường của bản đã có điện. Có ánh sáng điện, bà con vui lắm.
Chẳng riêng gì điểm trường Khe Bu mà toàn Trường tiểu học Châu Khê vui mừng vì đã có điện. Thầy giáo Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Khê không giấu được xúc động, cho biết: Do chưa có điện lưới nên đời sống bà con khó khăn lắm; kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp. Khổ nhất là các cháu học sinh và giáo viên tại điểm trường nơi đây luôn trong tình trạng thiếu thốn về thiết bị dạy học cũng như phương pháp học tập mới. Giờ có điện, tôi tin là sẽ sớm thôi, học sinh sẽ được học trên màn hình tivi, máy tính”.
Còn cô giáo Vi Thị Ngọc, người đã “cắm bản” Khe Bu gần 8 năm nay chia sẻ: “Điểm trường có 139 em nhỏ. Dạy cả ngày, đường đi lại không có, nhiều khi nhớ nhà, nhớ con mà không dám về. Ở núi, trời tối nhanh lắm, lại không có điện, nên cả một màu đen bao trùm. Có điện rồi, học tập của các em học sinh và giáo viên sẽ đỡ vất vả”. Chung nỗi niềm vui mừng, cô Ngô thị Phương, giáo viên Tiếng Anh duy nhất của Trường Tiểu học Châu Khê chia sẻ: “Tôi vào dạy tại điểm trường bản Khe Bu đến nay là 3 năm. Cả 3 năm ấy, vì không có sóng điện thoại và điện lưới quốc gia nên chúng tôi rất khó khăn trong việc chuẩn bị giáo án, cũng như việc học tập của các em học sinh.
Điện về điểm trường của bản mang theo ánh sáng của đời sống kinh tế mới, mang theo niềm tin về sự đổi thay. Tôi nhớ rất rõ câu nói của anh La Văn Xúa, một người dân bản Khe Bu: “Vậy là sau mấy chục năm sống trong ánh đèn dầu leo lắt, điểm trường của người dân Đan Lai chúng tôi đã có điện rồi. Chỉ qua có một ngày có điện mà cuộc sống đã thấy khác hôm qua nhiều lắm”. Lại nhìn cái cách mà Thượng tá Vũ Đức Khương cùng những kỹ sư trong Nhóm năng lượng yêu thương cẩn thận lắp đặt thiết bị, kiểm tra từng chi tiết rồi tận tình hướng dẫn các thầy cô cách thức sử dụng và bảo quản thiết bị, chợt nghĩ đến câu nói: “Có những điều tưởng chừng bình dị nhưng lại chan chứa biết bao ý nghĩa, mãi hiện hữu trong tim mỗi chúng ta...".
Xuân này, chắc hẳn là mùa xuân đáng nhớ đối với cô trò và nhiều người dân ở Khe Bu, nơi miền tây xứ Nghệ.
THỦY NGUYÊN
Công an huyện Cát Hải bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Công an phường Trần Nguyên Hãn (Lê Chân): Bắt liên tiếp 2 vụ ma túy
Công an quận Ngô Quyền bắt quả tang hơn 40 đối tượng đánh bạc tại khu vực hồ An Biên
Công an quận Đồ Sơn: Triệt xóa ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy liên quận, huyện
CAH Vĩnh Bảo khởi tố vụ án và khởi tố bị can 1 đối tượng về tội gây rối trật tự công cộng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Chân dung nhà vô địch tuyệt đối Giải Thể hình, Sport Physique Cúp Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng mở rộng
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung giúp dân khắc phục hậu quả bão số 3
Công an quận Ngô Quyền quyết tâm xây dựng địa bàn sạch về ma túy