15:53 06/08/2024
Từ “Tiếng trống Kim Sơn - Tân Trào kháng Nhật”, phong trào cách mạng đã nhanh chóng lan ra rộng khắp các địa phương của Hải Phòng - Kiến An, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Sáng sớm 12/7/1945, quần chúng trong vùng và cả một số ấp, trại cuối huyện Tiên Lãng nườm nượp kéo về sân đình làng Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) chứng kiến Ủy ban dân tộc giải phóng làng Kim Sơn ra đời với 7 thành viên. Lực lượng tự vệ và đông đảo người dân hàng ngũ chỉnh tề, băng cờ, khẩu hiệu đỏ rực sân đình. Đồng chí Phạm Thuyên thay mặt tổ chức Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền Nhân dân. Từng hồi trống vang lừng. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đình làng.
Ngay trong chiều 12/7/1945, được tin đám Thanh niên Đại Việt (tổ chức thân Nhật mới thành lập được vài tháng trước) đang tụ họp tại trường học làng Cổ Trai, do Tri phủ Trần Tự chủ trì, Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn chỉ đạo tự vệ Kim Sơn huy động quần chúng kéo tới bao vây. Đồng chí Đặng Kinh lập tức ra lệnh cho tự vệ xông vào giật cờ quẻ li xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên. Khí thế cách mạng sục sôi khiến cho nhóm thanh niên Đại Việt và viên Tri phủ sợ hãi, không dám phản kháng. Tiếp đó, đại diện Việt Minh - đồng chí Hoàng Văn Mạnh lên diễn thuyết vạch trần âm mưu của giặc Nhật, kêu gọi nhóm Thanh niên Đại Việt tham gia cách mạng.
Như sóng biển dâng trào, đoàn người chia làm hai ngả tuần hành từ Cổ Trai qua Nhân Trai, Khang Bộ, Ngọc Liễn, Thịch Liễn đến Kỳ Sơn, Kim Sơn và Đoàn Xá, Đại Lộc, Nãi Sơn… vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu phản đối phát xít Nhật. Trong khí thế ngất trời, bà con tại các làng, xã kéo đến nhà chánh tổng, lí trưởng tịch thu giấy tờ, con dấu. Bộ máy chính quyền địch ở những nơi này hoàn toàn bị tê liệt.
Tiếng trống làng Kim Sơn từ đó đã trở thành sự kiện lịch sử to lớn. Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn còn là chính quyền cách mạng đầu tiên ở Hải Phòng - Kiến An, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, thôi thúc toàn vùng duyên hải Bắc Bộ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong những ngày thu tháng Tám.
Chính quyền cách mạng non trẻ của Kim Sơn đã khiến quân Nhật hết sức hoang mang, đưa lực lượng đàn áp. Sáng sớm 4/8/1945, địch cho 2 xe Camion chở sĩ quan và khoảng 40 lính ngụy từ Kiến An về vây làng Kim Sơn. Tự vệ tại đây dù trong tay chỉ có vài khẩu súng kíp và giáo, mác, tro bếp, gạch đá… vẫn kiên quyết chiến đấu đến cùng. Tất cả trẻ, già, gái, trai đều dũng cảm, không sợ hi sinh, giữ vững thành quả cách mạng. Nhiều người đã hi sinh oanh liệt.
Điển hình như tấm gương của cụ ông Đoàn Đắc Mải một mình cầm dao xông lên hạ gục tên chỉ huy Nhật. Chị Nguyễn Thị Bám cùng nhóm tự vệ gác ở ngõ Chùa do chỉ có dao và mã tấu chống lại địch vẫn không rời vị trí và đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Tự vệ các làng Lão Phong, Kính Trực vác gươm đuổi giặc giữa cánh đồng. Đến 14h ngày 4/8/1945, quân địch phải rút khỏi Kim Sơn và tiếp tục bị tự vệ chặn đánh ở Nhân Trai, Núi Đối, cống Tắc Giang, Cầu Đen...
Từ thắng lợi này, ngày 15/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban dân tộc giải phóng, quần chúng cách mạng Kim Sơn giương cờ đỏ sao vàng tiến thẳng về huyện lị Kiến Thụy cùng các địa phương trong huyện giành chính quyền, đồng thời phát động phong trào kháng Nhật rộng khắp.
LIÊM ĐOÀN
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
20:57 08/09/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão