20:50 18/06/2019 Những năm qua, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới…
Sau một thời gian tích cóp, chị Phạm Thị Hiền, ở Tân Viên, An Lão, gom được một số tiền gần đủ để xây nhà. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng phát sinh thêm nhiều hạng mục khiến chi phí xây dựng đội lên vài chục triệu. Sau nhiều lần tìm hiểu và cân nhắc có nên vay ngân hàng thương mại, cuối cùng chị quyết định vay vốn tại QTDND An Lão để hoàn thiện ngôi nhà.
Cũng có nhu cầu cần một số vốn vài chục triệu để buôn bán hải sản khô, chị Trịnh Thị Doanh, ở Đồ Sơn đã lựa chọn QTDND để có kiếm một sinh kế bền vững cho gia đình.
Hải Phòng hiện có 26 QTDND hoạt động tại 6 huyện (An Dương, Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) và 2 quận là Hải An, Đồ Sơn. Qua thực tế hoạt động, có thể thấy hệ thống QTDND có một lợi thế mà rất nhiều ngân hàng thương mại không có được, đó là lợi thế “gần dân”, hiểu dân.
Các thành viên trong quỹ có mối quan hệ hiểu biết về nhau rất rõ, do vậy có thể cung cấp các khoản vay đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của người đi vay. Nhìn chung đến nay, hoạt động của hệ thống QTDND tương đối ổn định, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng, hầu hết QTDND kinh doanh có lãi.
Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên
Theo Giám đốc QTDND xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên Vũ Trọng Vinh: Với tổng nguồn vốn 76 tỷ đồng, dư nợ cho vay 53 tỷ, dư nợ tiền gửi 70 tỷ, cùng với hệ thống các tổ chức tín dụng, sau 25 năm hoạt động, QTDND Minh Tân đã đóng góp một nguồn vốn không nhỏ cho sự phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, an ninh trên địa bàn xã, từng bước đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, đặc biệt là “tín dụng đen”.
Còn theo Giám đốc QTDND xã Kiến Quốc Nguyễn Sỹ Tiến, dù quy mô nguồn vốn còn tương đối khiêm tốn, mức cho vay hỗ trợ đối với một khách hàng chưa cao song những năm qua đơn vị vẫn luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương ghi nhận “đã đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, hạn chế cho vay nặng lãi trên địa bàn”.
Đánh giá về những đóng góp của hệ thống QTDND trên địa bàn đối với kinh tế xã hội, tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của UBND TP về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) thành phố Hải Phòng, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Nguyễn Hồng Vinh cho biết: “Sau 25 năm xây dựng và phát triển, hệ thống QTDND nhìn chung hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra”.
Được sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên và quản lý sâu sát của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố, các QTDND đi vào hoạt động ổn định thu hút được tiền vốn nhàn rỗi trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác để đầu tư tại chỗ, phát triển sản xuất kinh doanh, mở mang ngành nghề, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong nhân dân trên địa bàn.
Các QTDND đã tích cực thực hiện phương châm huy động vốn tại chỗ nhằm mục tiêu cho vay hỗ trợ cộng đồng thành viên, giúp đỡ các thành viên giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh và cải thiện thu nhập và đời sống. Chủ yếu cho vay các nhu cầu vốn về phục vụ sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng và phát triển ngành nghề ở địa phương.
Địa bàn hoạt động của các QTDND nằm trong vùng đông dân cư nên thuận lợi trong việc kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, dễ thu hút tiền nhàn rỗi trong nhân dân. Thủ tục vay vốn của các QTDND đơn giản, nhanh gọn, không gây phiền hà.
Trong công tác huy động vốn, các QTDND đã tích cực, nhiệt tình vận động người có tiền nhàn rỗi tham gia gửi tiết kiệm để vừa có lợi cho bản thân, vừa giúp vốn cho cộng đồng thành viên có cơ hội được vay vốn sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Điểm chủ yếu là các QTDND chủ yếu cho vay nhỏ, lẻ phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh buôn bán nhỏ của hộ gia đình nên đa số thành viên khi có nhu cầu vay vốn rất thuận lợi khi đến làm thủ tục vay tại QTDND.
Mặt khác các hoạt động QTDND sát với dân, gần dân nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thành viên, khuyến khích thành viên tham gia góp vốn và gửi tiền vào các QTDND để cho các thành viên khác có nhu cầu vốn được vay thuận lợi. Bởi vậy, bảo đảm hoạt động QTDND an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, duy trì sự liên kết chặt chẽ để hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng thành viên sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.
Điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh tình trạng “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là những vùng nông thôn, ngoại thành khi mà người dân ở đó điều kiện nắm bắt thông tin, khi mà mạng lưới các ngân hàng thương mại hiện chưa thể phủ kín tới tận làng, xã thì hệ thống QTDND được đánh giá cần thiết, là cánh tay nối dài đắc lực để đưa nguồn vốn kịp thời tới dân nghèo.
Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận thực tế, hệ thống QTDND bên cạnh những mặt được vẫn tự thân còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của UBND TP về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) thành phố Hải Phòng, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Nguyễn Hồng Vinh đã chỉ ra những mặt tồn tại như một bộ phận QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích liên kết, tương trợ giữa các thành viên, chạy theo mục tiêu lợi nhuận, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ… Thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm tại một số QTDND như lập khống hồ sơ cho vay, cho vay không đúng đối tượng…
Ðiều này đã giúp phát huy sức mạnh của hệ thống QTDND, tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở các địa phương, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời bảo đảm cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, đúng mục tiêu, đúng tính chất, đúng nguyên tắc của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, nhiều giải pháp cấp bách đã được các cơ quan quản lý, đơn vị chức năng đưa ra.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg yêu cầu các bộ, ban, ngành tiếp tục chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của QTDND hiện có đi đôi với mở rộng vững chắc các QTDND mới ở khu vực nông thôn; nâng cao năng lực, trình độ, nhất là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành QTDND.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống QTDND; tập trung xử lý theo thẩm quyền các QTDND yếu kém theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP Hải Phòng cũng ban hành Chỉ thị số 10 nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và củng cố vững chắc hệ thống QTDND trên địa bàn thành phố. Những giải pháp này được các cơ quan chức năng triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ nhằm giúp hoạt động của hệ thống QTDND ngày được củng cố, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen và bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.
Bùi Hạnh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết