09:05 06/12/2022 Ngày 25/11 vừa qua, sự kiện Tập đoàn Vingroup xuất khẩu lô xe điện VF8 đầu tiên từ cảng Hải Phòng sang thị trường Mỹ đã gây tiếng vang lớn cho ngành công nghiệp Việt Nam. Điều hết sức ý nghĩa là, từ một quốc gia vốn dĩ chủ yếu thụ hưởng sản phẩm chế tạo nhập khẩu, nay Việt Nam đã có thể ngẩng cao đầu khi ghi tên vào danh sách các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, càng ý nghĩa hơn khi nơi nhập khẩu đầu tiên là nước Mỹ.
Theo ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, lô xe Vinfast VF 8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port (Hải Phòng, Việt Nam), lô xe sẽ cập cảng California (Mỹ) và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Quang, 999 chiếc VF 8 của lô đầu tiên là một phần nhỏ trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu.
Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng trong năm 2023. Riêng mẫu VF 9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý I /2023.
Ngược dòng thời gian, kể từ khi chiếc ô tô đầu tiên chạy bằng hơi nước của thế giới được xác định sản xuất năm 1770, tiếp đến là chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong ra đời năm 1876, ngành công nghiệp ô tô thế giới đã đi được một chặng đường dài.
Nếu đem những dấu mốc này để so sánh, thì công nghiệp ô tô Việt Nam quả thực rất lận đận, so với những bước phát triển tột bậc trong quá trình hình thành của ngành sản xuất này.
Cần phải nhìn nhận, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam là thị trường tiêu thụ ô tô lớn, tuy nhiên quá trình vật lộn tìm chỗ đứng cho ô tô thương hiệu Việt là rất khó khăn, những bài học chưa thành công có sự yếu kém của công nghệ, tiềm lực, chiến lược và cả sự ngộ nhận.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nhận thức của một số người, thì dường như ô tô thương hiệu Việt rất mới mẻ. Tuy nhiên lật lại lịch sử, thì từ năm 1949 người Việt đã có chiếc ô tô đầu tiên do quân đội cách mạng thực hiện.
Đó là mẫu xe tải được đặt tên là “Quốc tế” hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần – Tổng cục Hậu cần QĐNDVN. Xe được gọi là “Quốc tế” vì được thu gom, tháo dỡ vật tư, phụ tùng từ các xe hỏng của Pháp bỏ lại trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, sử dụng động cơ của hãng Ford (Mỹ), buồng lái của hãng Studebarker (Đức), khung xe của hãng Renault (Pháp)…
Tuy nhiên câu chuyện thần kỳ về công nghiệp ô tô thực sự được viết tại Nhà máy quốc phòng Z157 (Hà Nội). Từ phiên bản chiếc xe Fregate chạy xăng của Pháp, chỉ trong thời gian ngắn bằng các phương pháp chủ yếu thủ công, những người thợ Z157 đã cho ra đời mẫu xe 4 chỗ mang tên Chiến Thắng vào tháng 12/1958.
Điều đáng nói là hầu hết các chi tiết của xe lúc đó đều được sản xuất tại Việt Nam, ngoại trừ một số linh kiện phải nhập ngoại như: buji, hệ thống điện, đồng hồ, săm lốp, vòng bi… Cùng thời gian này, một mẫu xe ô tô tải mang tên Trường Sơn cũng được phát triển trên cơ sở mô phỏng kiểu dáng xe Zil57 của Liên Xô và xe Giải Phóng của Trung Quốc.
Như vậy có thể nói, nếu chỉ nhìn về một góc độ thương hiệu, thì những sản phẩm ô tô Việt đã xuất hiện rất sớm, giữa bối cảnh đất nước còn vô cùng khó khăn. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, trong thời gian dài ngành công nghiệp ô tô cũng như nhiều ngành kinh tế khác của nước ta đã không có điều kiện để phát triển.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng tương trợ kinh tế của khối XHCN, Việt Nam không phải là tâm điểm đầu tư cho các ngành công nghiệp nặng. Nhưng giai đoạn này thương hiệu ô tô trong nước vẫn được biết đến nhiều với những cái tên Ba Đình, Giải Phóng, Thống Nhất… dòng xe khách được sản xuất hàng loạt trên tổng thành nhập từ hãng IFA của Đông Đức.
Vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về các chính sách đổi mới. Năm 1985, một mẫu ô tô Việt “Made in Hải Phòng” đã xuất xưởng tại Nhà máy ô tô Hải Phòng, dựa theo mẫu xe buyt Karosa của Tiệp Khắc (cũ).
Đây là mẫu xe khách có thể nói là đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, lắp động cơ Diesel Sông Công (Thái Nguyên), ít nhất đã có 5 chiếc được chế tạo và lưu hành trên đường phố Hải Phòng và các vùng lân cận. Tuy nhiên sau đó, vì hạn chế về công nghệ, chi phí giá thành và nhiều nguyên nhân khác, mẫu xe khách này đã không được sản xuất nữa.
Trong thời kỳ đổi mới, một thương hiệu Việt dành cho dòng xe du lịch với cách làm được cho là phù hợp với xu thế hội nhập thuộc về nhà máy Mekong vào năm 1991, với mẫu xe SUV Mekong Stars-4WD. Theo đánh giá, dòng xe này có chất lượng khá tốt, nhưng tiêu thụ yếu nên cũng tự tiêu.
Tiếp đó là các mẫu xe Vinaxuki của Công ty Xuân Kiên, nhưng kết cục cũng không thành công như mong đợi. Trong khi đó thành công nhất phải kể đến sản phẩm Thaco của Công ty Trường Hải, xuất hiện từ năm 1997 được gắn cho 3 dòng xe du lịch, tải và xe buýt với tỷ lệ nội địa hóa từ 16% đến 50%.
Cho đến trước thời điểm nhà máy ô tô Vinfast được xây dựng ở Hải Phòng, vẫn nhiều quan điểm cho rằng xe thương hiệu Việt phải thuần Việt, nghĩa là do người Việt Nam tự nghiên cứu, phát triển toàn diện.
Nhưng điều đó có lẽ không còn quan trọng, bởi trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi hầu hết các tập đoàn có tiềm lực trên thế giới đều hoạt động xuyên quốc gia, mọi thương hiệu chỉ mang tính biểu trưng, và ô tô cũng vậy. Hơn nữa, các thương hiệu ô tô Việt đã đề cập ở kỳ trước, cũng chưa có mẫu nào thực sự do người Việt tự chủ.
Trở lại với sự kiện Vingroup xuất khẩu lô xe đầu tiên sang Mỹ, sau thời gian những chiếc ô tô, xe máy thương hiệu Vinfast đã lăn bánh và khẳng định chất lượng trên các cung đường nội địa. Dù có khá nhiều cách đánh giá, nhưng phần lớn đều chắc chắn rằng, Vinfast sẽ trở thành làn gió mới thổi vào giấc mơ thương hiệu Việt của ngành công nghiệp ô tô.
Nghĩa là, trong điều kiện trình độ công nghệ của Việt Nam rất tụt hậu so với thế giới, hướng phát triển chuyển giao công nghệ sẽ giúp cho công nghiệp ô tô trong nước theo kịp thời đại, thay cho cách theo đuổi những mục tiêu mà trình độ thế giới đã lên tới đỉnh cao.
Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ xuất khẩu lô xe đầu tiên của Vinfast ngày 25/11 vừa qua tại Hải Phòng, đây chính là biểu tượng xứng đáng hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam, mang theo khát vọng và niềm tự hào của người Việt Nam ra khắp thế giới.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết