08:46 19/11/2017 Thực tế cho thấy, khi tham gia TPP, bên cạnh cơ hội lớn, Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Trước hết là lĩnh vực pháp lý, khi hệ thống các quy định của Việt Nam nhìn chung kém hiệu quả hơn những nước còn lại. Tiếp đó là, nếu thuế suất giảm trừ về “O”, các ngành công nghiệp địa phương của Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt do thiếu nền tảng cơ bản. Trong khi kinh tế Việt Nam trước mắt vẫn phải lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, mà phần lớn là sản xuất gia công có giá trị gia tăng thấp. Quan trọng hơn, những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam phải đối mặt trực tiếp với các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật, môi trường, các biện pháp phòng vệ thương mại và đặc biệt là tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa.
Lạc quan trên tiến trình hội nhập
Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, nguồn gốc sản phẩm phải được tính là nơi sợi được dệt. Nghĩa là nếu sản phẩm may mặc Việt Nam được làm từ vải Trung Quốc, thì sẽ được tính nguồn gốc TQ, đây là một thực tiễn không dễ khắc phục trong một sớm một chiều. Trên thực tế không riêng gì hàng dệt may, mà rất nhiều ngành dịch vụ, sản xuất, chế biến khác của Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh đó. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, riêng nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và giày dép của Việt Nam từ TQ hiện khoảng 36%, Hàn Quốc 18%; Đài Loan 15%; Hồng Kông 4% các nước khác là 18%... Nếu tình trạng này không được cải thiện, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào TPP sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Hiện Việt Nam vẫn là thị trường tương đối đóng với nhiều nhóm mặt hàng nhập khẩu còn giữ mức thuế khá cao. Vì vậy, nếu mặt bằng thuế lùi về mức 0%, từ khoảng cách quá lớn sẽ khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hụt hẫng nghiêm trọng. Đơn cử như sản phẩm thịt bò tại thị trường Hải Phòng, dù vẫn áp thuế cao nhưng sản phẩm của Australia hiện đang thấp hơn khoảng 40% so với sản phẩm khai thác trong nước. Nguy cơ này sẽ tác động trực tiếp tới những ngành chậm phát triển, đặc biệt là nông sản. Nhìn vào cấu trúc thương mại nội địa Hải Phòng, khu vực ngoài nhà nước đang lấn át với tỷ trọng trên 90% doanh thu so với khu vực kinh tế nhà nước và vốn FDI. Nhưng nếu TPP được vận hành như cam kết, kết quả này chắc chắn sẽ thay đổi, khi sản phẩm của chúng ta phải đương đầu với các nước thành viên khác.
Gia công giá trị gia tăng thấp vẫn là một cản trở không nhỏ đối với thành phố Hải Phòng
Ngược lại, trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, chỉ tính riêng Hải Phòng những năm qua khu vực kinh tế vốn FDI áp đảo với tăng trưởng luôn đạt trên 20%/năm. Điều này cho thấy, sức cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nội địa của thành phố còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm hàng gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, có giá trị gia tăng thấp. Xuất khẩu tuy tăng, nhưng gia công đòi hỏi phải nhập khẩu lớn các nguyên-vật-phụ liệu, đã khiến cán cân xuất khập có phần tiêu cực. Cụ thể, lấy số liệu thống kê để so sánh, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2017 của Hải Phòng là 4.840,4 triệu USD, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới 3.491,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 72,1% tổng mức, và đạt tăng trưởng 24,63%. Nhìn từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng là 4.874,8, như vậy cán cân thương mại đối ngoại vẫn chênh lệch tiêu cực, bởi chỉ số nhập siêu của Hải Phòng lên tới 344 triệu USD.
Một trong những lời giải cho Hải Phòng cũng như cả nước được chỉ ra, theo quan điểm của Tiến sỹ Trần Đình Thiên, giai đoạn tiếp theo của Việt Nam cũng như các nước thành viên là phải hiện thực hóa những gì đã thỏa thuận. Trước mắt phải xác định rõ ba nhiệm vụ lớn: thứ nhất, phải nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi. Điều này cũng phải tích cực, phải đẩy nhanh; thứ hai, phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi – năng lực cạnh tranh sản phẩm – dịch vụ, năng lực thể chế để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một hiệp định phát triển đẳng cấp cao nhất. Cụ thể là cấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp...; thứ ba, cần thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó, trọng tâm là Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam – EU và Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm tận dụng những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng chiến lược cũng như những lợi ích phát triển.
Tận dụng mọi cơ hội để hội nhập bền vững
Khối lượng công việc là rất lớn và rất phức tạp, với nhiều khái niệm mới mang bản chất mới, đòi hỏi tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội. Về điều này, những năm gần đây Hải Phòng đã có nhiều chính sách quan trọng như việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), giảm dần bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Có thể thấy, việc lựa chọn năm 2018 tới đây là năm thứ ba liên tiếp thực hiện chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, là một minh chứng rõ nét cho quyết tâm chuẩn bị nội lực để hội nhập của Hải Phòng
Vẫn biết là tham gia sân chơi lớn sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng hy vọng đây sẽ là hướng đi hiệu quả, trong việc tháo nút thắt để Hải Phòng tự tin tiếp cận TPP (tên gọi cũ) và CPTPP (tên gọi mới) một cách hoàn hảo, dù khó khăn đến đâu cũng phải vượt qua.
Hoàng Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết