Hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa

09:32 25/09/2020

Trong những năm qua, việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, công tác quản lý lễ hội, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân đã đáp ứng nhu cầu thiết thực, đi vào cuộc sống của nhân dân và các văn nghệ sĩ…

Các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị

Cụ thể trong công tác kiểm kê di tích về công tác xếp hạng di tích: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã triển khai rà soát các công trình, địa điểm có giá trị về lịch sử  văn hóa để đưa vào Danh mục kiểm kê di tích. Năm 2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về phê duyệt danh mục di tích. Tính đến tháng 6, Hải Phòng có 840 di tích lịch sử văn hóa được đưa vào danh mục bảo tồn.

Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch hàng năm để tiến hành lập hồ sơ khoa học theo quy định; đề nghị UBND thành phố ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn xét duyệt xếp hạng di tích thành phố để xét duyệt các hồ sơ di tích trình UBND thành phố xem xét quyết định xếp hạng di tích.

Đến nay, thành phố có 509 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích cấp quốc gia, 392 di tích cấp thành phố.

Đặc biệt, trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện ở 3 cấp độ: Lập hồ sơ tu sửa cấp thiết di tích; lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật; lập hồ sơ Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Từ năm 2017 đến nay, có 19 di tích được hỗ trợ từ nguồn Chương trình phát triển văn hóa với kinh phí hỗ trợ chống xuống cấp cấp thiết đối với 1 di tích là từ 200 - 300 triệu đồng, chính quyền địa phương huy động xã hội hóa để tu bổ.

Cùng với đó, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã phê duyệt 22 Đề án về công trợ kinh phí trùng tu tôn tạo di tích. Đó là: Đề án Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng kháng chiến xếp hạng cấp thành phố giai đoạn 2008 - 2013, trong đó có 70 di tích được công trợ, mỗi di tích được công trợ từ 50 - 200 triệu đồng (tổng kinh phí hỗ trợ là là 9,6 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa được 55,844 tỷ đồng).

Đề án công trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp thành phố giai đoạn 2018-2025. Hiện nay, thành  phố đã quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo đối với 80/140 di tích, mỗi di tích công trợ 300 triệu đồng.

Điểm nổi bật là kết quả huy động xã hội hóa đạt kết quả khá tốt, có di tích huy động được hàng chúc tỷ đồng để tu bổ, tiêu biểu như: Chùa Hạ Trang, huyện An Lão; Chùa Hòa Liễu, xã Kiến Thụy; Từ đường họ Mạc, huyện Kiến Thụy; Đền Hà Đới và Đền Bì huyện Tiên Lãng...

Hải Phòng là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử. Trải qua quá trình hàng ngàn năm hình thành, đấu tranh bảo vệ và xây dựng, phát triển, cho đến nay, thành phố có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, các giá trị ngày càng được tỏa sáng, vì vậy công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được thành phố quan tâm nhiều hơn.

Đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện và hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 6/15 quận, huyện gồm: Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo. Có 499 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.

Đáng lưu ý, Sở đã triển khai xây dựng 8 hồ sơ đề nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, Hội Vật đình làng Vĩnh Khê, Lễ hội Xa Mã - rước kiệu đình Hoàng Châu, Hội Minh Thệ, Hát Đúm huyện Thủy Nguyên, Lễ hội đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Nhân Hòa.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Lê Văn Quý cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa được hiệu quả hơn, Sở đã kiến nghị với thành phố và trung ương xem xét bố trí kinh phí Chương trình mục tiêu đối với lễ hội có giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, có tính đại diện; phục dựng một số lễ hội tiêu biểu; hỗ trợ các nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trên địa bàn thành phố…

Đồng thời xây dựng bổ sung chính sách cụ thể, ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là các di tích xuống cấp nghiêm trọng, các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Đồng thời, mở rộng các hình thức tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật trong công tác quản lý di sản văn hóa; Tăng cường nâng cao vai trò cộng đồng trong quản lý, tổ chức, thực hành các di sản văn hóa phi vật thể; Khuyến khích các địa phương sưu tầm, phục hồi, tổ chức các các di sản văn hóa phi vật thể truyền thống đã bị mai một.

Xuân Hạ

 

 

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông