Hiệu quả từ chương trình phối hợp ủy thác vốn vay

08:52 19/12/2018

Cuối năm 2016, UBND huyện Cát Hải thông qua “Đề án Phát triển kinh tế nông thôn huyện Cát Hải giai đoạn 2017-2020” với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn. Từ năm 2017, khi UBND huyện Cát Hải chuyển giao nguồn vốn từ đề án sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cát Hải để người dân các xã trong huyện nói chung và huyện Phù Long nói riêng vay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND xã Phù Long Nguyễn Đức Tiềm xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết trong việc lựa chọn mô hình cho vay theo “Đề án Phát triển kinh tế nông thôn huyện Cát Hải giai đoạn 2017-2020”, chính quyền địa phương ưu tiên theo những tiêu chí nào để bảo đảm nguồn vốn được phát huy hiệu quả?

Ông Nguyễn Đức Tiềm: Phù Long là 1 xã của huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Xã có diện tích tự nhiên hơn 48km2, 622 hộ dân với 2.228 nhân khẩu. Số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều là 8 hộ, chiếm 1,37% dân số. Người dân xã Phù Long chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch.

Trong việc lựa chọn mô hình cho vay để bảo đảm nguồn vốn được đúng đối tượng và phát huy hiệu quả thì tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi lựa chọn là hộ gia đình đó phải thực sự có nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất. Thứ hai là hộ đó phải có khả năng, điều kiện về cơ sở vật chất để phát triển mô hình.

Sau khi thẩm định, rà soát kỹ lưỡng các dự án, chúng tôi triển khai đến từng hộ dân và các hộ này đã thực hiện nghiêm túc theo những hướng dẫn của cơ quan nhà nước để vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cát Hải.

Ngoài ra, vì Phù Long là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn, được coi là lá phổi xanh của thành phố nên chúng tôi xác định phát triển sản xuất phải trên cơ sở giữ gìn, bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên. Do đó việc phát triển kinh doanh sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc này. Hiện các hộ gia đình đều thực hiện nghiêm việc nuôi trồng kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn. Các hộ đều có ý thức không chặt phá rừng để nuôi mà theo tiến hành chăn nuôi theo kiểu quảng canh cải tiến, thuận theo tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Long Nguyễn Đức Tiềm

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ địa phương chuyển giao Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cát Hải cho các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Phù Long vay thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Tiềm: Thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về “Đề án Phát triển kinh tế nông thôn huyện Cát Hải giai đoạn 2017-2020”, đối với địa bàn xã Phù Long đã triển khai được 7 mô hình với nguồn vốn giải ngân là 800 triệu. Đây là 1 chủ trương rất là đúng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm của người dân trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận của các hộ dân.

Hiện các hộ gia đình đã nhận được nguồn vốn, đang tiến hành cải tạo đầm hồ, cơ sở vật chất và triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Bước đầu nhiều mô hình trên địa bàn xã Phù Long đã cho hiệu quả kinh tế khá. Đặc biệt mô hình nuôi dê, nuôi cua thương phẩm của người dân xã Phù Long cho thu nhập trung bình khoảng 7 triệu/người/tháng. Chính hiệu quả kinh tế đem lại đó đã góp phần từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đem lại niềm tin và tâm lý phấn khởi cho người dân địa phương...

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông