08:20 09/03/2020 Không lâu sau khi thỏa thuận ngừng bắn một phần được ký giữa Mỹ và Taliban hết hiệu lực, phiến quân Taliban đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các doanh trại quân đội của Chính phủ Afghanistan, phủ bóng đen lên triển vọng đàm phán hòa bình giữa chính quyền Kabul và phiến quân.
Hy vọng lớn…
Ngày 4/3, giới chức Afghanistan cho biết phiến quân Taliban đã sát hại hơn 20 binh sĩ và cảnh sát nước này trong hàng chục vụ tấn công đêm hôm trước tại 16/34 tỉnh, thành, vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo ông đã có cuộc điện đàm tốt đẹp, kéo dài hơn 30 phút với thủ lĩnh chính trị Mullah Baradar của Taliban.
Việc nối lại các hoạt động tấn công quân sự của Taliban diễn ra trong bối cảnh đang có những bất đồng giữa Taliban và chính phủ Afghanistan trong quá trình trao đổi tù nhân. Theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, lực lượng phiến quân này phải trả tự do cho tối đa 1.000 tù nhân và Chính phủ Afghanistan sẽ trả tự do cho khoảng 5.000 phiến quân. Hiện Taliban coi như đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán với phía Chính phủ, trong khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lại từ chối trao đổi tù binh trước khi các vòng đàm phán bắt đầu.
Để trả đũa hành động quân sự của Taliban, ngay trong ngày 4/3, quân đội Mỹ đã tiến hành không kích dữ dội nhằm vào các tay súng phiến quân. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 22/2, nhằm tạo tiền đề để Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình ngày 29/2, quân đội Mỹ sử dụng vũ lực đáp trả. Trên mạng xã hội Twitter, Người phát ngôn của lực lượng Mỹ tại Afghanistan - Đại tá Sonny Leggett nhấn mạnh, cuộc không kích này là hành động tự vệ chính đáng.
Để có được thỏa thuận hòa bình đã được ký ngày 29/2/2020, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bắt đầu diễn ra từ năm 2018 và đã ít nhất hai lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sĩ Mỹ hồi tháng 9 và 12/2019. Lần này Mỹ đưa ra một yêu cầu không quá khó: giảm bạo lực trong 7 ngày (từ 22 đến 29/2) trước cuộc gặp ở Doha để chứng tỏ thiện chí và Taliban đã làm được điều đó.
Bộ Nội vụ Afghanistan lẫn tướng Mỹ Scott Miller, chỉ huy lực lượng quốc tế Mỹ - NATO tại Afghanistan, đều ghi nhận tình trạng giảm bạo lực trong thời gian qua. Thậm chí ngay trước buổi ký kết, lãnh đạo Taliban đã kêu gọi các tay súng "dừng tấn công để đạt được thỏa thuận với người Mỹ, đem lại hòa bình cho Afghanistan".
Như vậy ông Trump đã thực hiện được lời hứa khi tranh cử, rút người Mỹ khỏi cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, làm hơn 2.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và gây tốn kém gần 1.000 tỉ USD.
Ngày 29/2/2020, tại thủ đô Doha của Qatar, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad và phó thủ lĩnh Taliban, người đứng đầu văn phòng chính trị của phong trào Taliban tại Qatar, Mullah Abdullah Ghani Baradar đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử về việc rút quân đội Mỹ và khởi động tiến trình hòa bình ở Afghanistan.
Cung theo thoả thuận, chính phủ Afghanistan sẽ thả đợt đầu tiên trong số 5.000 tù nhân của Taliban để đổi lấy 1.000 nhân viên an ninh do Taliban giam giữ, đồng thời Taliban và chính quyền Kabul sẽ khởi động các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp vào ngày 10/3/2020, sau khi hoàn tất việc trao trả những người bị giam giữ của hai bên.
Hơn 30 nước được mời tham dự lễ ký kết, nhưng do dịch Covid-19 lây lan, chỉ có 18 quốc gia cử đoàn tham dự. Các quan khách chính trong buổi lễ ký kết gồm Ngoại trưởng các nước Mỹ Mike Pompeo, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, Zamir Kabulov. Đặc biệt, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã có mặt trong buổi lễ ký kết.
Hòa bình còn xa vời với người dân Afghanistan
… Thất vọng nhiều
Cuộc chiến tại Afganistan khiến người Mỹ chán ngán bởi đó là một thất bại nặng nề. Đến nay đã gần 20 năm trôi qua với tổn thất vô cùng lớn về sinh mạng và tiền của, kéo theo sự dính líu của đồng minh trong lực lượng NATO, Mỹ đã không những không tiêu diệt được Taliban mà phong trào này đang trở thành một lực lượng chính trị, quân sự quan trọng, kiểm soát hơn 60% lãnh thổ Afghanistan.Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông D. Trump đã hứa sẽ giảm bớt sự có mặt về quân sự ở Trung Đông, trong đó có việc rút các lực lượng của Mỹ khỏi Afghanistan.
Với thỏa thuận đạt được ở Doha ngày 29/2, Tổng thống D.Trump xem như ghi điểm với cử tri Mỹ và Taliban cũng thấy hả dạ bởi "đuổi được người Mỹ" (dù không bằng thắng lợi quân sự đúng nghĩa) - vậy là cả hai bên cùng thắng. Người dân Afghanistan ít nhất cũng sẽ hưởng được những tháng ngày im tiếng súng nếu các điều khoản của thỏa thuận được thực thi tốt đẹp. Tuy nhiên, việc ký kết thoả thuận giữa Mỹ và Taliban mới chỉ là sự khởi đầu của tiến trình hoà bình ở Afghanistan. Việc thực hiện thoả thuận này không hề dễ dàng.
Ngay sau khi ký kết thoả thuận, Tổng thống Afganistan A.Ghani đã tuyên bố, chính phủ của ông không được tham gia đàm phán, ký kết và không hề đưa ra bất cứ cam kết nào về việc thả 5.000 tù nhân của Taliban. Ông nói, đã nhiều lần làm rõ vấn đề này với Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad là Mỹ hoàn toàn không có thẩm quyền quyết định việc thả tù nhân của Taliban.
Trong khi đó, việc chính phủ Afghanistan không được tham gia đàm phán và ký kết có nghĩa là chính quyền Kabul bị đặt vào tình thế buộc phải hoà giải với "những kẻ khủng bố."
Sau khi Mỹ và NATO rút quân, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, không loại trừ việc Taliban sẽ tổ chức lại lực lượng, củng cố và tăng cường sức mạnh của họ và nối lại các hoạt động quân sự chống chính phủ trung ương. Có lẽ đó là lý do tại sao Kabul đã tuyên bố rằng người Mỹ đang từ bỏ họ như đã từng từ bỏ người Kurd ở miền Bắc Syria.
Thêm vào đó, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan sẽ chấm dứt viện trợ của Washington dành cho Kabul. Thiếu vắng nguồn lực tài chính, Chính phủ Afghanistan sẽ khó trụ vững, chưa nói đến đóng góp tích cực cho tiến trình hòa bình và tái xây dựng đất nước.
Cũng không ai có thể dự đoán được tương lai của Afghanistan sẽ ra sao sau khi quân Mỹ rút quân. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã diễn ra hết sức khó khăn thì các cuộc đàm phán sắp tới giữa chính phủ của Tổng thống A.Ghani với các bên liên quan chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều. Đây là chưa tính đến một số nước vì lợi ích riêng đang tìm cách phá hoại thoả thuận Mỹ - Taliban. Vì vậy, Chính quyền Afganistan quyết định dùng số tù nhân của Taliban làm quân bài chiến lược, trong thế cờ nhiều rủi ro.
Việc thực hiện thoả thuận Doha không đơn giản và cuộc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanstan trong tình hình hiện nay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Con đường dẫn tới hòa bình cho đất nước Afghanistan còn xa vời và gập ghềnh chông gai.
Trần Hoàng tổng hợp
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết