Hoang phí đất ở quận Dương Kinh – Nhìn từ góc độ kinh tế

18:28 04/07/2022

Quận Dương Kinh được thành lập theo Nghị định số 145/2007/NĐ-CP ngày 19/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chia tách địa giới từ 6 xã thuộc huyện Kiến Thụy cũ. Sau 15 năm vào đô thị, diện mạo của quận dường như chưa có gì thay đổi lớn. Còn đó những dự án rộng mênh mông để dở dang, hiển hiện sự lãng phí đất...

Một dự án khu đô thị trên địa bàn phường Anh Dũng (Dương Kinh) đã hoàn thiện hạ tầng nhưng bỏ hoang suốt hơn 15 năm qua.

Tại thời điểm thành lập, quận Dương Kinh có tổng diện tích đất tự nhiên 4.585 ha, dân số hơn 5 vạn người, đây là phần đất và dân số nằm trên khu vực được coi là phát triển năng động nhất của huyện Kiến Thụy trước đó. Đồng thời cũng là khu vực có quỹ đất rất lớn, được hình thành từ đất nông nghiệp trồng lúa và vùng nuôi thả thủy sản trải dọc theo 15km bờ biển thuộc các phường Anh Dũng, Hải Thành và Tân Thành.

Trước khi chính thức lên quận, trên địa bàn đã diễn ra một cuộc “đại phẫu” sôi động về đất đai. Bên cạnh những tụ điểm công nghiệp, còn có 13 dự án về nhà ở với quy mô đô thị tập trung cực lớn, cùng với đó là 47 dự án khác được quy hoạch sử dụng đất dọc đường Phạm Văn Đồng. Điều này đã kích cầu thị trường bất động sản, đưa Dương Kinh thành một trong những khu vực “sốt” nhất về đất đai thời điểm đó, không chỉ đối với đất quy hoạch, đất thổ cư, mà nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được thu gom, chuyển nhượng, cho thuê...

Cũng từ ngày mới thành lập, thành phố đã ban hành chủ trương phát triển Dương Kinh thành một quận trọng điểm, có kinh tế xã hội vững mạnh, kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị loại 1 cấp quốc gia; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn được cải thiện; môi trường sinh thái tự nhiên và xã hội được duy trì bền vững...  Nhưng sau 15 năm nhìn lại, Dương Kinh gần như không có sự thay đổi nào đáng kể xét về mọi phương diện, dẫn đến hiệu quả sử dụng quỹ đất rất thấp.

Dự án bỏ dở, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư ở quận Dương Kinh.

          

       Đơn cử, trong tổng số 13 dự án nhà ở cao cấp, thì có đến 12 dự án tập trung ở phường Anh Dũng. Trong đó chỉ có 2 dự án là khu đô thị Sao Đỏ và khu đô thị Anh Dũng 8 đạt tỷ lệ lấp đầy trên 50%, còn lại hầu hết là dở dang, thậm chí có dự án chỉ đạt tỷ lệ dưới 10%. Mặc dù toàn bộ các dự án đã được chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng như hệ thống điện, nước, đường giao thông nội bộ, công viên cây xanh… nhưng nhìn bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy, hiện không ít dự án đang ngập trong sự um tùm, hoang hóa của cỏ dại, bao vây các căn biệt thự xây thô để rêu phong bao phủ theo thời gian.

      Cùng với đó, có những diện tích đất được giao cho doanh nghiệp từ trước, đến nay cũng không có gì cải thiện. Như khu đất rộng 43ha trên địa bàn phường Hải Thành, trên trục đường Phạm Văn Đồng, sau hàng chục năm với nhiều lần “thay tên đổi chủ” vẫn cơ bản để hoang. Cũng trên trục đường Phạm Văn Đồng, khu đất rộng 47ha, hiện mới có khoảng hơn 10ha được xây dựng Trung tâm hội chợ và triển lãm quốc tế Hải Phòng. Trong khi hơn 30 ha liền kề còn chưa có công trình nào đáng kể.

      Theo kết quả khảo sát, hiện trên địa bàn quận Dương Kinh còn nhiều dự án khác với hàng trăm ha đất được giao hoặc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện. Thậm chí, có những dự án được triển khai từ nguồn đầu tư công nhưng kết quả cũng không có gì sáng sủa, điển hình như dự án Trung tâm huấn luyện và tổ chức thi đấu các môn bắn súng, bắn cung được triển khai từ năm 2012, có tổng diện tích 9,3ha nhưng vẫn để hoang, buộc thành phố vừa phải ra Quyết định dừng vĩnh viễn.

      Một cán bộ phường Anh Dũng, quận Dương Kinh cho biết, để phục vụ mục tiêu phát triển, một phần lớn diện tích đất thuộc phường đã được thu hồi giao cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng. Người dân mất đất, không phải ai cũng có điều kiện kiếm việc làm ổn định, nên phải bươn trải kiếm sống bằng đủ nghề, cũng có không ít người lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Còn ông Vũ Minh X., một công dân của phường Hải Thành thì ngậm ngùi nói: “Mấy đời nhà tôi ở trên mảnh đất này, dựa vào đất mà sống, giờ nhìn đất hoang phí thế này, tiếc lắm!”.

      Dưới góc nhìn khác, ông Đoàn Đắc T. – một chủ đầu tư nhà ở trên địa bàn quận chia sẻ, không doanh nghiệp nào muốn đổ tiền vào để “chết” trong đất, nhưng hậu quả của quy luật cung cầu là thế. “Trong mấy chục năm, tính theo lãi suất ngân hàng thì thiệt hại đã là vô cùng lớn, chưa kể sự biến động về giá bất động sản trên thị trường” – ông T. nói. Cũng theo ông T., một phần không nhỏ lượng tiền đầu tư được vay từ ngân hàng và các nguồn vay khác, nhưng việc đất để hoang không những gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn cho cả chủ nợ khi tài sản bị biến thành “nợ xấu”. Chưa kể, ngay cả Nhà nước cũng thất thu vì không ít nhà đầu tư đã không còn khả năng thanh toán các khoản nghĩa vụ ngân sách.

      Nhìn chung, việc đất đai không được khai thác sử dụng hiệu quả, không tạo ra giá trị gia tăng thì thiệt hại về kinh tế là lẽ đương nhiên. Cùng với đó, sự hoang phí này đang làm chậm tiến độ phát triển, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị và những tác động tiêu cực khác về mặt xã hội, mà trong quá trình đó cũng nổi lên không ít những vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật. Được biết trong 15 năm qua, trên địa bàn quận đã phát sinh không ít vụ việc vi phạm, khiến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý khi liên quan đến những sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tìm lời giải cho bài toán này không hề đơn giản, bởi một số quy định của pháp luật còn bất cập. Trong khi đó, tiếng là hoang hóa, nhưng hầu hết các diện tích đất nêu trên hiện đã được giao cho các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất khác quản lý sử dụng. Việc đánh giá hiệu quả đầu tư đã là vấn đề, việc thu hồi hay không cũng đòi hỏi những điều kiện cụ thể theo quy định.

      Những năm gần đây, Hải Phòng nổi lên trở thành điểm sáng của cả nước về đầu tư phát triển, cần rất nhiều quỹ đất để dành cho quá trình này. Nhưng những vướng mắc trong việc thu hồi các diện tích đất hoang phí đang tạo lực cản không nhỏ cho thành phố, mà Dương Kinh chỉ là ví dụ điển hình. Đây là câu chuyện buồn cho một khu vực từng được kỳ vọng là mũi nhọn. Hy vọng rằng trong tương lai gần, lời giải cho bài toán hoang phí đất đai trên địa bàn quận sẽ được thỏa đáng, để Dương Kinh tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, hòa nhịp với tốc độ phát triển của thành phố.

      Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông