Hoạt động hưởng ứng Ngày “quyền của người tiêu dùng Việt Nam” – Hướng tới những giá trị đích thực

13:36 16/03/2021

Nhân Ngày “quyền của người tiêu dùng Việt Nam” 15-3, UBND TP vừa ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND, về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày “quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2021 trên địa bàn thành phố. Đây là đọng thái hết sức thiết thực đối với cả người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp, có ý nghĩa định hướng tích cực cho thị trường thành phố, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Số đông người tiêu dùng Hải Phòng yên tâm với hàng hóa bán tại các siêu thị

Quyền lợi chính đáng

          Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, NTD là “nhóm người đông đảo nhất thế giới, có tác động và chịu tác động của hầu hết các quyết định kinh tế…”. Trên quan điểm đó, vào năm 1960 một tổ chức quốc tế về quyền lợi NTD được thành lập, lấy ngày 15-3 hàng năm là Ngày “quyền NTD Thế giới”.

Tại Việt Nam, sau nhiều năm các hoạt động vì quyền NTD được hưởng ứng, ngày 17-11-2010 Luật bảo vệ quyền lợi NTD đã được ban hành. Tiếp đó  đến ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1035/QĐ-TTg, cũng chọn ngày 15-3 hàng năm là Ngày “quyền của NTD Việt Nam”.

Đáng chú ý, Hải Phòng là một trong những địa phương sớm thành lập tổ chức hội bảo vệ quyền lợi NTD từ năm 1999 (này là Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi NTD Hải Phòng). Hội hiện có có sự tham gia của nhiều tổ chức thành viên, cơ cấu thành các chi hội với hàng nghìn hội viên.

Có thể nói, hoạt động của Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi NTD rất có ý nghĩa đối với một thành phố có vị thế thương mại quan trọng như Hải Phòng, là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại đến quyền lợi của NTD.

Tuy nhiên, ở Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trên thực tế quyền lợi của NTD vẫn chưa thực sự được coi trọng. Bằng chứng là trên thị trường hiện nay, có thể gặp rất nhiều sản phẩm bị làm giả, làm nhái, phi tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng.

Dễ nhận thấy nhất là khu vực thị trường truyền thống, với các phương thức giao dịch kiểu cũ, mua bán trên cơ sở thỏa thuận miệng cả giá lẫn chất lượng hàng hóa.Khi xảy ra tranh chấp rất khó giải quyết, dễ gây ra bất ổn về an ninh trật tự, vì các giao dịch không những thiếu căn cứ xác định nguồn gốc, xác định chất lượng mà thiếu luôn cả sự ràng buộc trách nhiệm về thời gian, địa điểm trao đổi.

Mặc dù đó cũng là sự vận động tất yếu phụ thuộc vào nền văn minh của mỗi khu vực, nhưng hậu quả của nó là gây tổn hại cho NTD là không thể phủ nhận. Hơn nữa, điều quan trọng là do bản thân NTD cũng chưa nhận thức được đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.

Hàng giả bị các lực lượng chức năng Hải Phòng phát hiện, xử lý

Hành động thường xuyên, liên tục

Theo hướng dẫn và phê chuẩn của Đại hội đồng Liên hợp quốc, được cụ thể hóa trong Luật bảo vệ quyền lợi NTD, thì NTD có các quyền cơ bản là: được an toàn; được thông tin; được lựa chọn; được lắng nghe; được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; được bồi thường; được giáo dục và có một môi trường lành mạnh…

Để thực hiện những nội dung trên, thông qua các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm tra, kiểm soát và giám sát nhằm bình ổn thị trường, quyền lợi NTD đã được bảo vệ đáng kể.

Tại Hải Phòng, có nhiều cơ quan chức năng quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ chuyên trách như Cục quản lý thị trường, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng… cùng các đơn vị phòng, chống tội phạm về kinh tế thuộc lực lượng CATP.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Hải Phòng đã hoạt động tích cực, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, phát hiện xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm liên quan đến thị trường, hàng hóa, góp phần đáng kể vì quyền lợi NTD.

Điều đáng lưu ý là, Hải Phòng là thị trường có độ mở lớn, với tính chất giao thương cửa ngõ quan trọng bậc nhất của khu vực phía Bắc, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên hàng hóa vi phạm cũng xuất hiện rất nhiều chủng loại.

Đồng thời hàng hóa vi phạm cũng ngày càng được sản xuất với công nghệ cao, không chỉ đánh lừa NTD, mà còn qua mặt cả các cơ quan chức năng với thủ đoạn tinh vi.

Nên dù các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực, nhưng thực trạng của tình hình sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại vẫn bộc lộ không ít bất cập, tiềm ẩn những nguy cơ tổn hại đến quyền lợi NTD.

          Trở lại với Kế hoạch 51/KH-UBND của UBND TP, bên cạnh việc khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự ổn định, bền vững xã hội, UBND TP cũng chủ trương nâng cao nhận thức pháp luật tiêu dùng trong cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, bằng những hành động cụ thể.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các hoạt động hưởng ứng Ngày “quyền của NTD Việt Nam” phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, có tính động viên toàn xã hội tham gia.

          Cũng theo Kế hoạch 51/KH-UBND, chủ đề cho các hoạt động hưởng úng Ngày “quyền của NTD Việt Nam” năm 2021 tại Hải Phòng là: Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”.

Điểm mới là, ngoài thời gian cao điểm vì quyền lợi NTD được chọn là tháng 3, thành phố khuyến khích các hoạt động vì quyền lợi NTD được tổ chức thường xuyên, liên tục từ nay đến hết năm 2021.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, các hoạt động hưởng ứng Ngày “quyền của NTD” sẽ mang lại hiệu quả đích thực, đồng thời góp phần kích cầu thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động chính đáng vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Lê Minh Thắng

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông