Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển KTXH, triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia

17:17 05/04/2022

Sáng 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

 ng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Tại đầu cầu Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố.

 Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũngtình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 3 và 3 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo đà cho quá trình phục hồi KTXH trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo.

Kết quả đó tiếp tục củng cố niềm tin, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Về tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đến ngày 30-3-2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết là 466.123.313 tỷ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

 Đến nay, còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 với số vốn là 51.982.582 tỷ đồng (bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, cơ quan và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (Quyết định đầu tư) cho các dự án vừa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Tại cuộc họp, các đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương phát biểu phân tích, làm rõ kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu KTXH năm 2022, nhanh chóng đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương, đạt kết quả rất đáng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: phát triển KTXH và phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Đáng chú ý có nhiều địa phương vẫn đạt mức tăng trưởng GRDP hơn 10%, trong đó có thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023.

Từ đó, các cấp, các ngành cần chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo các biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn về năng lượng, lao động - việc làm, đầu tư…; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu phát triển KTXH cả năm được Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố thông qua.  

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Các bộ, ngành, địa phương  chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với những ảnh hưởng, tác động bởi xung đột tại Ukraine, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết. Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để có biện pháp sửa đổi.

Quý 1- 2022, GDP cả nước tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%). Trong bối cảnh sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định; chính sách tài khóa, tiền tệ được phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng; phí và lệ phí giảm nhưng thu ngân sách tăng. 

Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất siêu 809 triệu USD; thị trường lao động phục hồi rất nhanh và đã cơ bản phục hồi. Công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh, làm ngày càng tốt hơn, độ bao phủ an sinh ngày càng lớn, bảo đảm không có ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là trong dịp giáp hạt, dịp Tết.

Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông