15:34 12/06/2020 Theo thông tin mới nhất, vào ngày 8-6 vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Dịch vụ cảng là một trong những cơ hội lớn của Hải Phòng trên tiến trình hội nhập toàn diện
Theo đánh giá, đây là những văn kiện quan trọng được coi là tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Việt Nam - EU; mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.
Đánh giá về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Điều quan trọng nữa, sự kiện EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn đã bổ sung thêm một mảnh ghép đầy ý nghĩa, hoàn thiện hơn bản đồ hội nhập của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tham gia nhiều FTA nhất của khu vực.
Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, đây mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Đặc biệt trong bối cảnh bùng phát của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt đoạn nhiều chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi các mối quan hệ thương mại quốc tế. Mặc dù ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, nhưng ở bên ngoài Việt Nam, để phòng chống dịch bệnh, việc phong tỏa “ngăn sông cấm chợ” vẫn diễn ra. Đây là thách thức không nhỏ cho chúng ta trên tiến trình hội nhập.
Tuy nhiên, trong đợt phát động mở “mặt trận kinh tế” mới đây, đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như nhiều bộ, ban, ngành, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp, đều thống nhất cho rằng, thách thức cũng chính là cơ hội lớn của Việt Nam.
Trước hết, với việc khống chế thành công dịch bệnh, chúng ta đã chủ động bước sang “trạng thái mới”, xốc lại toàn bộ lực lượng, chuẩn bị tinh thần cao trên mặt trận kinh tế. Điều này đã tạo ra sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế, khi nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến an toàn cho nguồn đầu tư tương lai. Trên thực tế, thời gian gần đây dòng vốn và công nghệ thế giới đã khởi động dịch chuyển, một phần lớn đang hướng về Việt Nam.
Theo nhiều ý kiến phân tích, việc thu hút nguồn lực đầu tư không chỉ giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mà còn là cơ hội hoàn hảo cho các sản phẩm “Made in Việt Nam” tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nói cách khác, là tăng tính cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần quốc tế, để Việt Nam hội nhập sâu hơn, rộng hơn.
Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt và lập đề án thu hút FDI. “Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn từ Hải Phòng, địa phương đang trong nhóm đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nguồn vốn FDI. Thời gian qua, với những nỗ lực to lớn, Hải Phòng cũng trở thành điểm sáng khi thu hút thành công các dự án lớn trong nước, trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, với hàng loạt dự án đầu tư trọng điểm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng đô thị…
Hải Phòng đang đứng trước vận hội lớn cho việc đẩy mạnh nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Nên chăng, Hải Phòng cũng cần phải lập một “Tổ công tác đặc biệt”, để chủ động đón nhận dòng đầu tư mới?
Nhận diện rõ hơn, trên lĩnh vực sản xuất, bên cạnh giá trị truyền thống được tạo lập bởi các doanh nghiệp FDI, việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các khu cụm công nghiệp sẽ mang lại lợi thế cho Hải Phòng trước dòng dịch chuyển đầu tư sắp tới. Cùng với đó, những sản phẩm công nghệ cao của Hải Phòng mà điểm nhấn là nhóm sản phẩm của Tổ hợp Vinfast, cũng đang tràn đầy khát vọng hướng ngoại.
Trên lĩnh vực du lịch, các sản phẩm nổi bật có thể kể như Vin Group, Sun Group, FLC, Him Lam cùng các điểm đến hấp dẫn… đã nâng tầm vị thế của Hải Phòng, tiếp tục hứa hẹn việc “xuất khẩu sản phẩm du lịch tại chỗ” thông qua khách nước ngoài, khi đại dịch Covid-19 đi qua.
Về dịch vụ, hướng mở từ lâu cho các phân ngành kinh tế biển, trong đó lớn nhất là dịch vụ qua cảng đang có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ và hiệu quả. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, với năng lực thực tại của các doanh nghiệp trong nước, nhất là dạng hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì mảng dịch vụ cảng là hướng dễ tiếp cận hội nhập hơn cả.
Hiện tại, trong chuỗi dịch vụ Logistics, có nhiều phân khúc đang do doanh nghiệp Hải Phòng hoàn toàn kiểm soát. Trước mắt, do giao thương quốc tế đang gặp khó khăn, thậm chí bị gián đoạn bởi dịch bệnh, nhưng khi tất cả các cánh cửa được mở trở lại, vấn đề chắc chắn sẽ khác.
Tóm lại, dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ngoài Việt Nam, cánh cửa ra ngoài đang được kiểm soát đa dạng, nghĩa là quá trình hội nhập không thể do chúng ta tự thân mà thành công. Nhưng nếu chủ động nhận diện và chuẩn bị tốt, thách thức sẽ được chuyển hóa thành cơ hội, mà Hải Phòng đang là một trong những địa phương được kỳ vọng nhiều nhất.
Đây là lúc để chúng ta đánh giá toàn diện, nhìn rõ các khoảng trống, các khu vực đứt gẫy, và rất có thể chúng ta sẽ thành công nhiều hơn, nhờ lấp khoảng trống, hàn gắn những vết đứt gẫy ấy. Tất nhiên, quá trình thực hiện cần nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, lựa chọn, nhưng nếu chiếm lĩnh được trận địa, nhất định quá trình hội nhập sẽ hoàn thiện hơn.
Hoàng Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết