Hội Nông dân huyện An Dương: Đa dạng hóa các nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

16:46 22/11/2023

Thời gian qua, song song với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức đa dạng các phong trào thi đua trong nông dân, Hội Nông dân huyện An Dương đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ hội viên nông dân tận dụng, phát huy hiệu quả thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Một trong số đó phải kể đến thành quả của tổ chức Hội trong việc đẩy mạnh công tác phối hợp, đa dạng hóa các nguồn vốn cho hội viên nông dân vay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

                             Nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh được ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn phát triển (Ảnh minh hoạ)

Trước hết cần phải kể đến hiệu quả của việc sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thời gian qua, nguồn quỹ này đã được các cấp Hội Nông dân huyện An Dương tích cực triển khai với mục tiêu là ưu tiên cho việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện có các làng nghề truyền thống như: trồng hoa, cây cảnh; sản xuất, kinh doanh bánh đa…, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tính đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong huyện đang quản lý đạt gần 5,7 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác là 1,6 tỷ đồng; nguồn cấp thành phố gần 2,8 tỷ đồng; cấp huyện đạt gần 420 triệu đồng, nguồn của xã đạt gần 910 triệu đồng. Các cấp Hội đã cho trên 160 lượt hộ vay, xây dựng 50 mô hình trồng trọt, chăn nuôi thuộc 30 Tổ hợp tác. Nhờ có nguồn vốn vay này mà nhiều gia đình hội viên nông dân của huyện An Dương đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước phất lên thuộc diện khá, giàu của địa phương.

Các mặt hàng nông sản của huyện cũng dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài thành phố với 26 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao đã được công nhận.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp Hội Nông dân huyện An Dương đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các cấp chính quyền cơ sở triển khai tốt các chương trình cho vay. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện đã có 3.300 hội viên nông dân được vay vốn thông qua 86 tổ Tiết kiệm & vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 128 tỷ đồng, chiếm 34% tổng số vốn ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội trong huyện (tăng 27,36 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ 2018-2023).

Thông qua nguồn vốn vay, nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư, lựa chọn đưa các giống cây, con mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Thu nhập tăng cao, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình hội viên nông dân cũng không ngừng được cải thiện, diện mạo nông nghiệp, nông thôn huyện ngày càng khởi sắc, trở lên khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.

Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân huyện An Dương đã ký kết, triển khai chương trình phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc việc thành lập các tổ vay vốn, tạo cầu nối giúp hội viên dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ (2018-2023), nhờ tranh thủ sự quan tâm của Trung ương Hội và Hội Nông dân thành phố hỗ trợ các nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án, mô hình điển hình trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho giá trị cao, Hội Nông dân huyện An Dương đã triển khai thành công nhiều mô hình như:

Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật, hữu cơ trong thâm canh ổi thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại thôn Hà Nhuận, xã An Hòa; Ứng dụng công nghệ vòm che thấp trồng rau an toàn; công nghệ về sử dụng phân bón hữu cơ cho 320 hội viên nông dân tại các xã An Hưng, Tân Tiến, An Hồng.

Mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi giống gia cầm theo VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân xã Quốc Tuấn, An Dương, cho năng suất cao

Thêm vào đó, Hội còn làm tốt công tác phối hợp trong việc tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng bệnh dịch gia súc, gia cầm, kỹ thuật quản lý tổng hợp dịch hại, an toàn thực phẩm cho đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Hội Nông dân các xã, thị trấn thì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tổ chức hàng loạt các lớp đào tạo nghề, tập huấn KHKT, dạy nghề cho hàng trăm hội viên nông dân; phối hợp tổ chức gần 120 buổi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cúm gia cầm, an toàn thực phẩm, kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng các loại phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học có lợi cho cây trồng, đảm bảo vệ sinh môi trường tạo ra sản phẩm sạch có giá trị kinh tế cao, thu hút sự tham gia của gần 15.000 lượt hội viên, nông dân.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, giúp hội viên, nông dân huyện áp dụng một cách hiệu quả những tiến bộ KHKT vào nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Việc đẩy mạnh công tác phối hợp, đa dạng hóa các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các tổ chức tín dụng thông qua tổ chức Hội Nông dân trên địa bàn huyện An Dương thời gian qua đã phát huy hiệu quả thiết thực, được đánh giá là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn địa phương phát triển, từng bước thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác, từ cá thể sang tập thể, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Nhiều hội viên xuất phát điểm từ hộ nghèo, sản xuất manh mún đã tham gia vào hoạt động các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất nông sản hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Điển hình có thể kể đến một số tấm gương tiêu biểu như hội viên Phạm Văn Lượng ở xã Hồng Phong; Phạm Văn Huê, Nguyễn Văn Hùng ở xã Hồng Thái; Trần Văn Luân ở xã An Đồng; Phạm Văn Phương, Lê Đức Thái ở Thị trấn An Dương; Nguyễn Văn Chinh ở xã Lê Lợi và Đỗ Văn Sanh, Tiêu Văn Lâm ở xã Tân Tiến…

Thông qua hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế cũng góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân huyện An Dương ngày càng vững mạnh; tăng cường sự gắn bó, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên, nông dân. Đồng thời, tạo động lực thôi thúc hội viên, nông dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua do tổ chức Hội phát động, chung tay xây dựng, kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông