19:25 07/03/2024 Năm 2023, song song với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố luôn chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình, hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tập hợp và phát huy sức mạnh nội lực, vai trò chủ thể của hội viên nông dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao trên địa bàn thành phố.
Ngay từ đầu năm, Thường vụ Hội Nông dân thành phố đã ban hành Kế hoạch về việc xây dựng các mô hình Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các cấp Hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2023.
Đơn vị đã thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cũng như hướng dẫn hội viên nông dân tham gia Hợp tác xã, vay vốn từ các ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong năm, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức thành công 4 buổi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quy trình thành lập Hợp tác xã và các cơ chế, chính sách phát triển Hợp tác xã, kinh tế tập thể cho gần 480 cán bộ quản lý, thành viên các Hợp tác xã, cán bộ Hội chủ chốt các cấp.
Đồng thời, vận động, hướng dẫn thành lập mới 4 Hợp tác xã với 52 thành viên tham gia, 59 Tổ hợp tác kinh tế với 802 hội viên tham gia (đạt 109% kế hoạch) và 35 Chi tổ Hội nghề nghiệp với 420 thành viên (đạt 100% kế hoạch).
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn được tổ chức Hội Nông dân các cấp trên địa bàn thành phố chú trọng đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa phương.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, đô thị văn minh gắn với thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân.
Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân nắm vững, hiểu sâu và phát huy tối đa vai trò chủ thể của các hộ dân trong tiến trình xây dựng NTM. Chỉ tính riêng năm 2023, nông dân thành phố đã tiếp tục đóng góp tổng cộng 17,85 tỷ đồng, hiến 179.193m2 đất để mở đường, 15.047 ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình công cộng ở nông thôn, sửa chữa và làm mới 2.335 km đường giao thông nông thôn, 45 km kênh mương nội đồng; sửa chữa, xây mới 51 cầu cống và công trình thuỷ lợi nhỏ.
Phong trào “Nông dân, ngư dân Hải Phòng tham gia bảo vệ môi trường biển” được phát động mạnh mẽ, tạo sức lan toả sâu rộng trong toàn xã hội. Năm 2023, Hội Nông dân thành phố đã hỗ trợ vật tư, cho ra mắt hàng loạt các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Tiêu biểu phải kể đến một số mô hình như:
“Phân loại rác thải biển tại nguồn” xã Vinh Quang (Tiên Lãng), “Hàng cây nông dân chắn sóng” tại huyện Kiến Thụy và quận Đồ Sơn; “Bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng” tại các xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Bảo), Vinh Quang (Tiên Lãng) và mô hình điểm “Xây dựng mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” tại xã Lưu Kiếm (Thủy Nguyên).
Cùng với đó, toàn thành phố đã thành lập được 179 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 175 buổi tuyên truyền về rác thải, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống tai nạn thương tích trẻ em cũng như các loại dịch bệnh theo mùa; phối hợp Ban An toàn giao thông thành phố xây dựng, tổ chức tập huấn kỹ năng đối với 7 mô hình “Nông dân với an toàn giao thông”, trao tặng 140 chiếc mũ bảo hiểm cho các thành viên tham gia mô hình.
Phối hợp với các công ty bảo hiểm tuyên truyền, vận động 183.284 hội viên nông dân tham gia BHYT, 7.901 hội viên tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2023, toàn thành phố có 128.058 hộ là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt khác, Hội đã chủ động làm tốt công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian quy định đối với các dự án, chương trình do Trung ương Hội hỗ trợ trong năm 2023.
Tiêu biểu có thể kể đến một số dự án như: “Hỗ trợ hệ thống dây truyền sản xuất phân bón vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường cho Hợp tác xã Đầu tư và phát triển Sông Giá” tại xã Kênh Giang (Thuỷ nguyên), “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh na theo hướng an toàn sinh học tại xã An Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng” với 6 hộ tham gia, “Xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững năm 2023” để thực hiện mô hình ứng dụng KHKT và chế phẩm sinh học trong trồng cây táo Bàng La tại phường Bàng La (Đồ Sơn) với 15 hộ tham gia, “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế” tại 9 cơ sở Hội với 648 mô hình…
Hầu hết các mô hình, dự án kể trên khi được triển khai đều nhanh chóng phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản gắn với bảo vệ môi trường, được các hộ dân đón nhận, tích cực tham gia hưởng ứng...
Từ đó, có đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao của thành phố, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân…
Bình Huệ
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão