08:43 02/12/2023 Sáng 1/12, tại chùa Long Hoa (thôn Chi Lai, xã Trường Thành, huyện An Lão), Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức hội thảo “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”. Hội thảo đã thu hút trên 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu Phật giáo, các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương tham dự.
Tại hội thảo đã nhận được 52 tham luận của chư tôn đức giáo phẩm, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, các tổ chức từ trung ương đến các tỉnh thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang… trước khi hội thảo diễn ra.
Các báo cáo tham luận đã tập trung phân tích rất sâu sắc và nêu bật được những giá trị cốt lõi của văn hóa Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Trong các báo cáo tham luận của Hòa thượng - Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu, Hòa thượng- Tiến sĩ Thích Thọ Lạc, Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thanh Đạt, Hòa thượng - Tiến sĩ Thích Gia Quang, Hòa thượng – Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Giác, Thượngtọa-Tiến sĩ Thích Nguyên Toàn, Nhà sử học Tăng Bá Hoành, GS-TS Đinh Khắc Thuân, TS Lã Trọng Long, cùng nhiều tác giả khác có những phát hiện và tiếp cận rất mới về văn hóa Phật giáo xứ Đông nói chung, văn hóa Phật giáo Hải Phòng nói riêng như: Đặc thù của kiến trúc Phật giáo xứ Đông và Chùa Tháp ở Hải Phòng, với di tích chùa cảnh Nê Lê (Đồ Sơn), chùa Đót ở Tiên Lãng.
Nhiều tác giả khẳng định Đồ Sơn là đầu mối du nhập Phật giáo đầu tiên vào Việt Nam, rồi Phật giáo thời Mạc và sự phục hưng của tôn giáo này trên các phương diện như: Kiến trúc, mỹ thuât, cơ sở thờ tự, bi ký, đến việc điều chỉnh ruộng đất (ruộng tam bảo), hình thành mẫu hình thờ hậu Phật, tôn kính những người có công với dân làng, tính dung hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo như lễ hội Minh Thệ tại chùa Hoa Liễu (Kiến Thụy Hải Phòng) và những đóng góp phát triển văn hóa làng xã rất độc đáo vẫn giữ nguyên giá trị đến tận ngày nay.
Nhiều di sản văn hóa Phật giáo của xứ Đông và Hải Phòng (kể cả vật thể và phi vật thể) như : Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn- Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Đền Trần (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), lễ hội Chử Đồng Tử (Hưng Yên)… không chỉ là bảo vật quốc gia mà còn là di sản quốc tế…
Đặc biệt trong nhiều tham luận của các tác giả như: TS Ngô Quốc Đông ,TS Nguyễn Văn Quí,TS Nguyễn Văn Sơn, TS Nguyễn Bình-Ths Lê Tuấn Dũng có những nghiên cứu rất sâu về vùng đất – văn hóa- con người xứ Đông xưa và khẳng định đây là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Trong nhiều thập kỷ, xứ Đông là một trong những trung tâm lớn bậc nhất với các hoạt động kinh tế- văn hóa sôi động của quốc gia Đại Việt, nhất là từ thời Trần đến thời Mạc.
Cũng tại vùng đất này đã sinh ra rất nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước như: Nữ tướng Lê Chân,các danh sĩ như Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ, Phạm Ngũ Lão, Phạm Thị Duệ, đặc biệt là 3 vị trạng nguyên nổi tiếng đều quê ở Hải Phòng đó là: Trạng nguyên Lê Ích Mộc quê Thủy Nguyên, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm quê Vĩnh Bảo và Trạng nguyên Trần Tất Văn, quê An Lão, ngoài ra còn có Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách, Hải Dương). Xứ Đông còn là quê hương của thiền sư Pháp Loa, là đệ nhị của tổ thiền phái Trúc Lâm, của Thánh tổ quốc sư Quán Viên (tổ Non Đông)…
Thông qua hội thảo, các đại biểu thống nhất cao và khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam; tập chung làm sâu sắc thêm vai trò của các giá trị văn hóa Phật giáo gồm văn hóa vật thể và phi vật thể xứ Đông có nhiều nét rất đặc biệt, riêng có mà không đâu có được; khẳng định xứ Đông là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” đã sinh ra rất nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước; khẳng định văn hóa Phật giáo xứ Đông trong đó có Hải Phòng có bề dầy trầm tích các di sản rất lớn, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau.
Trước đó, năm 2013, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố và hội khoa học Lịch sử Hải Phòng tổ chức hội thảo “ Khai thác di sản văn hóa Phật giáo xứ Đông thúc đẩy phát triển bền vững du lịch vùng đồng bằng sông Hồng”.
TRUNG KIÊN
15:05 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh