08:39 24/11/2021 Theo cách hiểu truyền thống, văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng, tác động đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người, bởi vậy có thể nói, văn hóa là một trong những nền tảng quyết định chất lượng phát triển toàn diện liên quan đến con người. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới với 3 nguyên tắc cơ bản: chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); văn hóa thuộc về đại chúng; văn hóa phải khoa học và tiến bộ.
Hoạt động văn hóa góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hải Phòng
Kỳ 2- Dấu ấn Hải Phòng trong phát triển văn hóa cách mạng
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính quyền thuộc về Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mặc dù gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn chú trọng xây dựng văn hóa, đặt nền móng quan trọng cho xây dựng nền văn hóa mới ở các giai đoạn sau.
Giai đoạn 1954 - 1975, trong điều kiện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nước ta chủ trương đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất; Cách mạng khoa học - kỹ thuật; Cách mạng tư tưởng - văn hóa. Cho thấy, ở hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước cũng luôn xác định vai trò trụ cột của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, trong đó “tính chất dân tộc” của văn hóa được coi trọng, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc.
Đối với Hải Phòng, từ thủa bà Lê Chân dựng cờ khởi nghĩa hai nghìn năm về trước, Hải Phòng đã nổi danh với khí phách kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là tiền đồn canh giữ cửa biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Khí phách ấy càng được khẳng định bằng ba chiến thắng vang dội trên Bạch Đằng Giang, đã đặt nền móng cho độc lập, tự chủ, là những bản hùng ca bất hủ, reo vang suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, góp phần quan trọng tạo dựng lên dấu ấn văn hóa Hải Phòng.
Đặc biệt từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Hải Phòng đã thể chế hóa bản sắc đất và người vùng cửa biển, chuyển hóa thành các phong trào thi đua yêu nước, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương.
9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp là những trang sử vàng truyền thống, quân và dân Hải Phòng giữ vai trò khởi đầu, với chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “đường 5 quật khởi”… được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung dũng – Quyết thắng”. Kê từ đó, tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng” trở thành một phương châm văn hóa, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển Hải Phòng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, các phong trào thi đua với “sóng Duyên Hải”, “Tổ đá nhỏ ca A nhà máy xi măng”… đã tiếp sức cho những người con Hải Phòng lên đường vào tuyến lửa.
Người hậu phương kiên cường bám trụ, đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa chi viện “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”, cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất toàn vẹn non sông.
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua.
Nhiều mô hình phát nguồn từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào “dân vận khéo”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… và điển hình là phong trào khoán mới, đã trở thành tiêu biểu của cả nước.
Tinh thần ấy được phát triển thành các mô hình văn hóa, góp phần thúc đẩy toàn diện mọi lĩnh vực của thành phố. Đặc biệt trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, trong hành trình hơn 76 năm của nước Việt Nam mới, Hải Phòng luôn xứng đáng là một trong những cái nôi, nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và trưởng thành của những tên tuổi văn nghệ sỹ, những đoàn nghệ thuật lớn.
Điều quan trọng là, Hải Phòng với vị thế cửa ngõ hội nhập thuộc diện lớn nhất miền Bắc, trong hơn 35 năm thực hiện đổi mới, bên cạnh những cơn gió lành cũng có không ít những cơn gió độc, nhưng dù ở thời điểm nào người Hải Phòng cũng kiên định gìn giữ những giá trị văn hóa bản sắc.
Phong trào xây dựng các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu văn cư văn hóa, dòng họ văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, công sở văn hóa… là những sản phẩm tiêu biểu của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nổi bật trong đó, phải kể đến sự phát triển rộng khắp của Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, đã khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng của mỗi người, mỗi gia đình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh.
Riêng năm 2020 vừa qua, toàn thành phố có 530.654 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế xã hội ở các địa phương ngày càng ổn định và phát triển.
Những thành tựu của Hải Phòng có thể khẳng định là hết sức ấn tượng, khẳng định sự quan tâm chú trọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố trong xây dựng phát triển văn hóa.
Đó cũng chính là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị định hướng Hải Phòng trở thành “Trung tâm văn hóa” của khu vực duyên hải Bắc Bộ, với những nội dung cụ thể trong Nghị quyết 32-NQ/TW, Kết luận 72-KL/TW và mới đây nhất là Nghị quyết 45-NQ/TW.
Đây thực sự là nguồn động lực tiền đề, để Hải Phòng tiếp tục tiên phong trên lộ trình mới, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, mà văn hóa được xác định là một trụ cột.
Hoàng Minh (Còn nữa)
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh