11:23 05/06/2019 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018, về “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong 6 nhóm ngành được Trung ương định hướng phát triển, “nuôi trồng và khai thác hải sản” xếp ở vị trí thứ tư trong thứ tự ưu tiên.
Thuyền về âu tàu Bạch Long Vỹ
Với việc có tới 8 quận, huyện sở hữu vùng nước, vùng bờ ngập mặn, cùng với diện tích ngập lợ của hạ lưu 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, Hải Phòng là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhất, trong việc phát triển nghề thủy sản.
Chính vì vậy, từ lâu nghề này đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của thành phố, chiếm vị thế chiến lược trong phát triển kinh tế biển của khu vực duyên hải Bắc Bộ cũng như cả nước...
Theo các kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu hải sản, Nguồn lợi hải sản ở vùng biển Hải Phòng mang đặc điểm chung của nguồn lợi vịnh Bắc Bộ, đây là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Thống kê cho thấy đã đã xác định được 515 loài thuộc 10 nhóm sinh thái lớn nhỏ khác nhau.
Về cá, nhóm cá đáy có số lượng cao nhất với 234 loài, tiếp theo là nhóm cá rạn san hô 117 loài, cá nổi 86 loài. Ngoài ra còn nhóm giáp xác với 47 loài, nhóm chân đầu 27 loài, nhóm ốc và hai mảnh vỏ có 6 loài và 2 loài sam biển.
Trữ lượng tức thời nguồn lợi hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ gắn với ngư trường Hải Phòng ước tính trung bình khoảng 750 ngàn tấn, trong đó trữ lượng của cá nổi nhỏ chiếm tới 83,5%.
Kết quả khảo sát chỉ riêng vùng biển quanh Cát Bà Riêng, số liệu thống kê cũng cho thấy có 124 loài cá biển thuộc 89 giống nằm trong 56 họ. Bao gồm các nhóm cá khế với 9 loài, cá liệt với 8 loài, cá đù đã bắt gặp 7 loài, cá bàng chài bắt gặp 6 loài và nhóm cá bống bắt gặp 5 loài...
Còn cá rạn san hô chiếm ưu thế với 79 loài thuộc 58 giống nằm trong 37 họ cá, cùng một số loài có giá trị kinh tế cao như tôm he, mực nang, mực ống và cua bơi...
Tính chung cho các loại hải sản, cũng vùng biển quanh đảo Cát Bà đã xác định được 215 loài và nhóm loài hải sản thuộc 72 họ khác nhau, ngoài cá như đã kể trên, Cát Bà còn 26 loài giáp xác, 14 loài động vật thân mềm và 2 loài sam biển.
Thu hoạch rươi - một loại đặc sản nước lợ nổi tiếng của Hải Phòng
Những kết quả nghiên cứu cũng đánh giá khá rõ nguồn lợi các ngư trường của vùng biển Hải Phòng. Chẳng hạn như Bạch Long Vỹ, ngư trường truyền thống của nghề lưới kéo đáy, năng suất khai thác cao tập trung chủ yếu ở vùng biển phía đông và đông bắc đảo Bạch Long Vỹ, độ sâu ngư trường từ 30-50m, chiếm sản lượng cao là các loại cá: miễn sành hai gai, nục sồ, mối, lượng, phèn khoai, hồng...
Trong khi ngư trường Cát Bà – bắc Long Châu lại là nơi khai thác chính các loài tôm, nhiều nhất là tôm he, tôm sắt cùng với các loại cá hồng, cá song và một số loài khác. Còn nguồn lợi chính của ngư trường nam Long Châu là các loại cá trích, hồng, mối, phèn... kéo dài suốt từ phía đảo Long Châu đến cửa Ba Lạt.
Vùng biển Hải Phòng cũng là nơi có hệ sinh thái đặc hữu phong phú như rạn san hô, rừng ngập mặn, rong biển.. đây là môi trường sinh sản và phát triển của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như hải sâm, tu hài, bào ngư, cầu gai, cá ngựa, trai ngọc nữ v.v.
Bờ biển Hải Phòng có chiều dài trên 125 km, nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng lợ gắn liền với các nguồn thủy sản mà nhiều vùng bờ khác trong cả nước không có. Nhưng điều quan trọng nhất, chính yếu tố địa hải chất này đã tạo cho Hải Phòng một vùng bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên các loài hải sản, có mật độ phân bố thuộc diện cao nhất của cả vùng duyên hải Bắc Bộ.
Mấy chục năm qua, kể từ khi nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao, thì việc khai thác lợi thế vùng bờ và vùng nước ven đất liền được chú trọng nhiều hơn, với các dạng hình nuôi trồng thích ứng. Chẳng hạn việc nuôi cá lồng bè đã phát triển rất nhanh trên hải vực huyện Cát Hải, còn tại khu vực quần đảo Cát Bà, các bè nuôi mọc lên dày đặc, tập trung nhiều nhất ở vịnh Lan Hạ.
Tại các vùng đất ngập mặn, hầu hết đã được khoanh vùng cải tạo từ lâu để nuôi trồng thủy sản. Đơn cử như quận Dương Kinh và Đồ Sơn, dọc tuyến đê biển thuộc các phường Anh Dũng, Hải Thành, Tân Thành (Dương Kinh) đến Ngọc Xuyên (Đồ Sơn), thời điểm lớn nhất diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới trên 700 hec-ta.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay diện tích bị thu hẹp lại còn khoảng một nửa, nhưng vẫn là một nguồn lợi khá lớn trong việc tạo việc làm cho người dân cũng như cung cấp sản phẩm trong khu vực.
Tương tự, quận Hải An dù đã dành phần lớn diện tích cho khu công nghiệp Đình Vũ và nhiều dự án kinh tế khác, nhưng hiện diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn quận còn khoảng trên dưới 1 nghìn hec-ta.
Tuy nhiên những số liệu này chưa thấm vào đâu so với diện tích các vùng bồi ven sông biển của các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo... cộng lại.
Do đặc thù địa lý, nếu như các vùng ven biển như Cát Hải, Hải An, Dương Kinh chủ yếu được khoanh vùng nuôi trồng các loại tôm, cá, tu hài, rau câu... thì vùng bồi phía cửa sông Thái Bình và Văn Úc phần lớn được chia thầu, khai thác nguồn lợi tự nhiên, đáng kể nhất là các loại cá nước lợ, tôm trà, tôm rảo và rươi...
Được thiên nhiên ưu đãi như vậy, nhưng dường như Hải Phòng chưa thực sự trở thành một thương hiệu lớn, với vai trò là một trung tâm khai thác, chế biến thủy sản của khu vực.
(Còn nữa)
Hoàng Minh
18:47 27/10/2024
20:55 24/10/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt