08:39 23/07/2020 Sau tuyên bố về Biển Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, dư luận các nước một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò của việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), coi đây là nỗ lực thể hiện trách nhiệm tập thể để xây dựng niềm tin và giải quyết các mối quan hệ tranh chấp đang diễn ra phức tạp.
Indonesia: Tôn trọng luật pháp là vấn đề mấu chốt
Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno L.P. Marsudi (Ảnh: Tribunnews.com). |
Trong cuộc họp báo trực tuyến, ngày 16/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông. Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là “hy vọng của mọi quốc gia”; nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là vấn đề mấu chốt và cần được tất cả các bên duy trì”. Bà Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các nước kiềm chế mọi hành động có thể gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Tổng Vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia - ông Jose Tavares cho rằng, việc thảo luận về COC cần được diễn ra một cách trực tiếp giữa các đại diện ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Tavares cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng mạnh mẽ của COC và trách nhiệm tập thể để xây dựng niềm tin trong tiến trình đàm phán, trong bối cảnh quan hệ tranh chấp tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp.
Đại diện ngoại giao này của Indonesia cho rằng, dù bị trì hoãn do tác động của đại dịch COVID-19, song các nước ASEAN vẫn lạc quan rằng tiến trình đàm phán sẽ được hoàn tất, dựa trên thực tế rằng cả Trung Quốc và ASEAN đều tỏ thiện chí chính trị thúc đẩy mọi vấn đề về phía trước.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng, những gì được đề cập tới trên bàn đàm phán có thể được phản ánh trên thực địa” - ông Jose Tavares nói.
Indonesia không phải là bên có tuyên bố chủ quyền trong quan hệ tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, nước này đã khẳng định lập trường duy trì hòa bình, ổn định qua cơ chế ASEAN và điều này đã lần đầu tiên được Indonesia đề cập bằng văn bản từ năm 2010.
Mỹ kêu gọi tăng cường minh bạch trong tiến trình thông qua COC
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell . (Ảnh: Yonhap) |
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David R. Stilwell cũng vừa ra thông cáo khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Đây là một tuyên bố xa hơn, đã làm rõ một thực tế rằng: Trung Quốc không có quyền "bắt nạt" các quốc gia Đông Nam Á liên quan tới các nguồn tài nguyên ngoài khơi của các nước này.
Theo đánh giá của ông David R. Stilwell thì dưới vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, khối này đã tái khẳng định quan điểm rằng, luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS, chính là nền tảng cơ bản quyết định các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp trong lĩnh vực hàng hải. Đại diện ngoại giao này cho rằng, bất kỳ hành vi nào của Trung Quốc nhằm hợp pháp việc quân sự hóa, đưa ra các tuyên bố hàng hải phi pháp…đều là “không thể chấp nhận được”.
“Chúng tôi kêu gọi tăng cường minh bạch trong tiến trình thông qua COC nhằm bảo đảm một kết quả tích cực, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc trong UNCLOS” – ông David R. Stilwell nói./.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết