Khi mùa Trung thu đi qua

15:43 04/10/2020

Từ xa xưa, tết Trung thu luôn được coi trọng, có lẽ chỉ đứng sau tết Nguyên đán cổ truyền, đã đi vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam, trở thành một trong những nét văn hóa đậm đà. Hơn thế, Trung thu thực sự là món quà đặc biệt, của người lớn tặng cho trẻ em, tiếp nối một tập quán yêu thương, đùm bọc mang tính nhân văn sâu sắc.

     

Cần trả lại sân chơi lành mạnh cho trẻ em

 Khi tết đã qua...

 Theo truyền thống, tết Trung thu nhằm đúng ngày Rằm tháng Tám âm lịch, là tết dành riêng cho trẻ em. Những năm gần đây, nền kinh tế có nhiều đổi mới, Trung thu dù hòa theo không khí đô thị hóa, nhưng dường như chưa bao giờ bị đứt quãng. Chỉ có điều, cùng với sự xô bồ của cuộc sống mới, ý nghĩa tết Trung thu đã không còn thuần khiết, mà biến thái sang nhiều dạng hình khác.

 Mùa Trung thu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covd-19, không khí vui chơi có phần co hẹp hơn, nhưng vẫn không kém phần tưng bừng, nhất là ở khu vực nông thôn. Đi về các vùng ngoại thành như Kiến Thụy, An Lão… nhiều khu dân cư tổ chức dựng rạp trại, trang hoàng đón Trung thu như làm đám cưới. “Mô-típ” chung là trại nào cũng có sân khấu, có mâm lễ lớn, treo trang trọng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ, lắp dàn âm thanh cực đại hát hò thâu đêm đến sáng.

Ông Linh – một người dân ở huyện Kiến Thụy cho biết, các nhà dịch vụ cả xã không đủ khung rạp cho thuê, nên nhiều khu phải tự dựng khung rạp bằng tre, gỗ cốp - pha. Cỗ bàn thì ăn ít nhất 3 bữa, bữa đầu là lòng lợn tiết canh, bữa chính là đại cỗ “đụng lợn” và bữa cuối hoặc thịt chó, hoặc ngan vịt “giải ngán”.

Xét cho cùng thì thời buổi hiện nay, ăn uống, nhậu nhẹt, hát Karaoke vốn dĩ là thú vui của người lớn, chứ mấy trẻ em nào được tận hưởng. Ngay cả những trò dân gian cũng vậy, cũng bị biến tướng theo thời gian, đi theo hướng thực dụng chưa không thuần túy là văn hóa nữa.

Múa lân – sư là một ví dụ, từ trò vui truyền thống, giờ múa lân xin tiền dịp Trung thu đã là vấn nạn cho cả nội và ngoại thành. Nhớ một chuyện cách đây vài năm, số là hôm ấy tôi về quê thăm một người bạn cũ, cũng đúng vào dịp Trung thu. Mới gần 6 giờ tối, trời còn hoe hoắt nắng mà anh bạn đã giục vợ: “Dọn mâm nhanh lên không tí nữa nhiễu không uống nổi rượu…”.

Rồi anh phân trần: “Khổ lắm, chúng nó đi từ mấy hôm nay rồi..”. Thoạt đầu nghe bạn nói lấp lửng chưa rõ, nhưng cũng chẳng phải đợi lâu, chén rượu chưa kịp chạm đã nghe tiếng “bụp… bụp, xèng…xèng” rầm rầm ngoài cổng. Chị vợ nói: “Kệ chúng nó, tôi khoá cổng rồi!..”. Anh bạn đặt chén rượu xuống gắt : “Mở cho chúng nó vào không mai cả làng người ta chửi nhà này keo kiệt”.

Rất may là mấy năm gần đây nạn múa lân xin tiền rong trên phố xóm đã giảm hẳn. Một phần do số đông các hộ dân, kể cả hộ kinh doanh cũng không chịu nổi nhũng nhiễu, nên nên đóng cửa “tẩy chay” khiến các “phường múa” thất thủ. Một phần cũng nhờ sự vào cuộc chủ động của chính quyền địa phương, nhất là công tác tuyên truyền và phòng ngừa.

Bù lại, cũng ngày càng nhiều trường học, đoàn hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… nhân dịp tết Trung thu tổ chức vui chơi cho các cháu, bài bản từ liên hoan, phá cỗ cho đến văn nghệ, múa lân sư, tạo ra một sân chơi nền nếp hơn.

Cảnh múa lân xin tiền gây ách tắc giao thông

Chung quy cũng tại... người lớn

Nhìn lại những năm gần đây, ngoại trừ những yếu tố tích cực, thì ngày hội thiếu nhi có không ít những vấn đề tiêu cực, thiếu một quy mô thống nhất. Thực tế trẻ em luôn vẫn là trẻ em, các cháu nhỏ hiếu động không phải là người có lỗi, nhưng bị định hướng tự nhiên theo tư duy thiếu lành mạnh, thiếu kỷ luật, thậm chí là xảo trá… từ những trò của người lớn.

 Tôi có một anh bạn học cùng thời phổ thông, thời gian trôi qua đường sự nghiệp mỗi đứa một nẻo. Giờ đây bạn đã trở thành một cán bộ cao cấp, quan lộ thành đạt nên cũng quan tâm nhiều hơn đến bạn bè cũ. Nhớ lại Trung thu năm ngoái, bạn đem đến cho tôi một hộp bánh rất sang trọng, trước khi “phá cỗ”, tôi lên mạng tìm kiếm thử, mới biết hộp bánh trị giá hơn 2 triệu đồng.

Thú thực ăn chẳng hợp vị, nhưng bù lại được hộp chè đặc biệt và chai rượu đi kèm. Chỉ có điều, lời bạn khoe làm tôi cứ lăn tăn, rằng dịp Trung thu nào bánh dạng này cũng ngập nhà ban, người ta cứ mang đến biếu, dù nhà bạn chẳng có đứa trẻ nào để hưởng “Trung thu” cho đúng nghĩa, vì hai đứa con đã lớn và đang du học ở nước ngoài.

Còn mới hôm rồi, khi ngồi ở một quán cà-phê trên đường Lê Đại Hành, thấy một khách hàng quen đổi tiền của chủ quán rôi đóng vào mấy phong bì. Tôi hỏi đùa: “Lại đi hối lộ à”?, Chẳng dè anh này trả lời thật: “Vâng, đi các thày cô anh ạ!”, tôi lại giả bộ hỏi: “Sao không mua bánh cho con các thầy cô mà lại…”, anh này không do dự: “Có chứ anh, nhưng mỗi bánh thôi thì dù đắt cũng thấy thế nào ấy, phải có chút tiền cho thiết thực, tâm lý ai chả vậy anh ơi…”.

Anh này cũng tâm sự, tính ra trong năm ít nhất có 4 dịp lễ vợ chồng anh “chăm sóc” kiểu như vậy, cụ thể là ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Trung thu, Ngày nhà giáo 20-11 và tết Âm lịch, bình quân mỗi dịp lễ hết 1 triệu đồng cho 2 con trẻ đang tuổi đi học.

Thế mới biết, thời buổi thực dụng, các dịp lễ tết đã trở thành duyên cớ cho người ta biếu xén nhau, bất biết ý nghĩa truyền thống thế nào. Trung thu năm nay cũng vẫy, có thể không nhộn nhịp như mọi năm, nhưng trên bảng báo giá của các nhà sản xuất, giá bánh vẫn có loại lên tới vài triệu đồng/hộp.

Rất có thể những người bỏ tiền ra mua bánh đắt tiền như thế, con cái họ chẳng bao giờ biết mùi vị của nó thế nào. Chẳng nhẽ một cái tết Trung thu vốn dành cho trẻ nhỏ, cũng bị người lớn “ôm” cả về mình vì những mưu cầu riêng tư như thế hay sao?

Trung thu ngày càng mất đi bản chất là tết của thiếu nhi, có khi là cơ hội mưu cầu cho những mục đích riêng của người lớn, từ vị thế là chủ nhân, trẻ em bị đẩy về vị trí “khán giả”,  ý nghĩa của tết Trung thu gần như chỉ mang tính mơ hồ.

Chị Hiền, một người dân ở quận Lê Chân tâm sự, quê chị ở Kiến Thụy, năm nay bố mẹ chị đăng cai suất mở trại, yêu cầu con cháu về dự Trung thu cho đông đủ. Vì trùng lịch, nên cả nhà về ăn vội bữa cỗ, không kịp cho trẻ vui chơi gì, lại lao về tham dự lễ của tổ dân phố.

Chị Hiền than: “Không dự thì đến cuối năm xin mấy chữ xác nhận, họ lại bảo mình không tích cực với phong trào địa phương…”?. Mùa năm nay nhà chị Hiền phải chạy “sô” 5 lễ Trung thu trong 3 ngày, tính thêm cả cơ quan vợ, cơ quan chồng và trường học.

Chưa hết, hai vợ chồng chị Hiền đều là viên chức, nhưng chỉ một tết Trung thu đã phải chi hơn 3 triệu đồng ủng hộ tổ dân phố, mua quà biếu sếp, biếu các thày cô giáo, mua lễ về hai bên nội ngoại… trong khi hai “diễn viên chính” lại chỉ được mua đồ chơi chưa đến 50 nghìn đồng/cháu.

“Người lớn cũng khổ mà trẻ em cũng khổ, các con em giờ nhắc đến Trung thu là lắc đầu quày quạy” - Chị Hiền bùi ngùi nói. Chị cho rằng, có lẽ đã đến lúc các ngành liên quan cần phải định hướng, tránh để tết Trung thu được tổ chức tùy hứng như hiện này, chấm dứt cảnh quá tải cả về thời gian, công sức và tiền của cho các gia đình có trẻ nhỏ.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông