Khởi công xây dựng nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

08:52 03/02/2018

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, người sáng lập Tổng Công hội Đỏ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng là một trong những lãnh tụ tiền bối xuất sắc của Đảng. Suốt cuộc đời mình, người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, người con ưu tú ấy của dân tộc đã nêu cao tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, trọn đời hy sinh vì độc lập - tự do của Tổ quốc, lý tưởng cộng sản, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân…

Ngời sáng tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2-2-1908 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Thân sinh đồng chí là cụ Nguyễn Đức Tiết, thân mẫu đồng chí là cụ Trần Thị Thuỳ, người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Từ thuở thiếu thời, Nguyễn Đức Cảnh đã tỏ ra là người có chí khí, tư chất thông minh, được thừa hưởng truyền thống giáo dục của gia đình. Học hết tiểu học ở thị xã Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh sang học trường Thành Chung, Nam Định.

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân.

Ở đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời và luôn có tấm lòng đồng cảm, gần gũi với những người dân bị áp bức, bất công. Kết bạn với những thanh niên yêu nước như: Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều…, Nguyễn Đức Cảnh và các bạn rất say sưa tìm hiểu và kính trọng lòng yêu nước và hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…

Năm 1927, một bước ngoặt lớn đã đến với cuộc đời Nguyễn Đức Cảnh khi đồng chí gia nhập nhóm “Nam Đồng thư xã”, tổ chức này sau phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ “Thanh niên” để thực thi nhiệm vụ. Đến Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do Hồ Tùng Mậu huấn luyện.

Qua học tập, cả hai đều giác ngộ dứt khoát ly khai tổ chức Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, chuyển sang lập trường Cộng sản.

Tháng 2 năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, sau đó được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng gồm Hải Phòng - Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh. Ngày 28-7-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân, thành lập Tổ chức Công hội đỏ Bắc kỳ (nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam).

Tiếp đó, 8 - 1929, Đông Dương Cộng sản đảng Hải Phòng được thành lập và đồng chí được chỉ định làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Ngày 3-2-1930, tại Cửu Long (Trung Quốc), đã diễn ra Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Ngay sau sự kiện trọng đại này, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu... đã triệu tập Hội nghị tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hà Nội) bàn triển khai Nghị quyết Hội nghị Cửu Long và Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 5-1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Cuối tháng 10-1930, đồng chí được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ và phân công phụ trách công tác tuyên huấn.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sau đó bị địch bắt tại Vinh, bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn tích cực hoạt động cách mạng. Những ngày tháng cuối cùng của đời mình trong xà lim án chém, Nguyễn Đức Cảnh đã viết cuốn sách “Nói chuyện nước Tàu”, tập “Công nhân vận động”…và dồn hết tâm lực để làm tất cả những gì có thể làm được cho sự nghiệp cách mạng. Ngày 31-7-1932, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bị kẻ địch xử chém tại Đề lao Hải Phòng cùng đồng chí Hồ Ngọc Lân, khi mới 24 tuổi.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước

Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7, Thành uỷ Hải Phòng đã chỉ đạo LĐLĐ TP Hải Phòng, LĐLĐ tỉnh Thái Bình và phối hợp cùng gia đình tìm kiếm hài cốt đồng chí NguyễnĐức Cảnh. Ngày 21-8-2007, hài cốt 2 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân đã được tìm thấy trong khuôn viên Nhà máy Giầy Thống Nhất (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng).

Sau đó, hài cốt đồng chí được đưa về an táng quê nhà ở Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đức Cảnh, TP Hải Phòng phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân tại nơi tìm thấy hài cốt. Đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của các thế hệ hôm nay và mai sau...

Đến cuối năm 2017, xuất phát từ nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đội ngũ công nhân lao động thành phố, theo đề nghị của Thành ủy Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương về dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất. Ngày 28-11-2017, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án.

Tiếp đó ngày 8-1-2018, Thường trực Thành ủy đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về triển khai xã hội hóa nguồn vốn để xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ hơn 81,2 tỷ đồng. Dự án xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thực hiện trên diện tích đất khoảng hơn 3ha, với các hạng mục công trình gồm: cổng chính, cổng phụ, hồ sen, đền thờ, tả vu, hữu vu, nhà bia, tứ trụ, bình phong, cột cờ, chòi cảnh quan, lầu hoá sớ, khu ki-ốt dịch vụ, khu kỹ thuật, khu nhà làm việc của Ban quản lý. Công trình này có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta đối với những người có công với đất nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Dự kiến công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được khởi công vào ngày 3-2-2018, đúng vào dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2-2-1908 * 2-2-2018)...

Thế Khoa

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông