21:28 13/02/2023 Năm qua, Hải Phòng tiếp tục nằm trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn FDI thu hút đạt 2,5 tỷ USD, trong đó phần lớn là vốn rót vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT). Để tiếp bước thành công, sang năm 2023, thành phố cần tập trung phát huy hết nội lực trong việc tìm, chọn các đối tác trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả cao nhất.
Theo số liệu tại thời điểm kết thúc năm 2022, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI dẫn đầu tại Hải Phòng với 104 dự án tương ứng với 8,65 tỷ USD (chiếm 41% tổng vốn FDI toàn KCN, KKT). Tiếp theo là Nhật Bản gồm 87 dự án với 3,24 tỷ USD (chiếm 16%). Trung Quốc và Hồng Kông, Đài Loan lần lượt xếp kế tiếp khi nhóm này có tổng cộng 158 dự án với 5 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 24%). Với tỷ lệ như vậy, có thể thấy rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Trung Quốc tiếp tục được xác định là những đối tác tiềm năng của Hải Phòng với nhiều cơ hội mở rộng thu hút nguồn vốn.
Cụ thể, Hàn Quốc trong năm 2022 đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm hậu Covid gần đây, quốc gia này đã đưa ra nhiều quy định và ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trở lại sản xuất trong nước như miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, cho vay ưu đãi, hỗ trợ visa cho lao động, trợ cấp tuyển dụng… Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn FDI Hàn Quốc ra nước ngoài. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hiện đã thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư với mục tiêu rõ ràng khi nhìn nhận Tổ hợp LG với hơn 7 tỷ USD vốn là trọng tâm quan trọng để hút các doanh nghiệp vệ tinh, nhà sản xuất phụ trợ cho tập đoàn này. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mới về hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng thường xuyên được Hải Phòng đặt ra.
Với Nhật Bản, năm 2023 gắn với dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước để mở ra nhiều cơ hội mới cho thành phố Hải Phòng đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư. Nhật Bản là một trong những quốc gia có nguồn vốn FDI đầu tư sớm nhất vào Hải Phòng và hiện đang xếp thứ 2 về số vốn với nhiều doanh nghiệp tên tuổi như: Bridgestone, Kyocera, Shin-Etsu, Robotech, Nippo Pharma… tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản xuất sản phẩm kim loại, sản phẩm y tế, phụ kiện viễn thông và công nghệ… Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có nhiều chính sách mới trong việc chuyển dịch sản xuất, trong đó đáng kể là chi 2 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp đưa chuỗi sản xuất về nước, song vẫn có nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp Nhật di chuyển sản xuất ra khu vực. Tranh thủ sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên và sự kết nối kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản với đột phá về công nghệ cao, Hải Phòng hoàn toàn có nhiều cơ sở để thu hút nguồn vốn từ quốc gia này. Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản với các thương hiệu lớn như AEON Mall, Nikko Hotel, Kajima... đã đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Hải Phòng, mở ra tín hiệu cho sự hiện diện của dòng vốn FDI Nhật Bản gia tăng trong thời gian tới. Theo một số khảo sát, các nhà đầu tư Nhật Bản hướng tới những KCN chuyên biệt cho doanh nghiệp Nhật Bản với hệ thống hạ tầng và nhà xưởng sẵn sàng, thủ tục dễ dàng và nhân lực thành thạo tiếng Nhật. Như vậy, việc tập trung tạo dựng và khai thác những lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản chắc chắn sẽ được Ban Quản lý Khu kinh tế và các doanh nghiệp hạ tầng, dịch vụ, đào tạo… chú trọng hơn nữa trong thời gian tới đây.
Với Trung Quốc và các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông, các nhà đầu tư từ khu vực này cũng chiếm một phần đáng kể trong các dự án FDI tại Hải Phòng. Trong năm trước, thành phố đã tổ chức thành công hàng loạt các hội nghị xúc tiến đầu tư (tại Hải Phòng và Đài Loan) để tiếp cận, giới thiệu về môi trường đầu tư của mình, tạo dựng được ấn tượng tốt đẹp và mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác. Đài Loan hiện là địa điểm tập trung nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong đa lĩnh vực công nghệ cao như điện cơ, điện tử, linh kiện ô tô, sản xuất chip… trong đó có nhiều lĩnh vực phù hợp với môi trường kinh doanh tại Hải Phòng như ô tô, sản phẩm công nghệ cao… Cùng với đó, các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động ổn định và thành công tại Hải Phòng như các tập đoàn: Pegatron, Lite On, Chilisin… đều hướng tới kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới vệ tinh và hình thành hệ sinh thái sản xuất tại Hải Phòng, mở ra nhiều tiềm năng thu hút FDI cho thành phố. Bám sát định hướng đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư với Đài Loan; thúc đẩy mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp đã đầu tư tại Hải Phòng, kết nối việc hợp tác trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, sẵn sàng đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Đài Loan ra khỏi Trung Quốc Đại lục. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp toàn cầu nói chung là chiến lược dài hạn, chưa thể xảy ra trong thời gian ngắn khi thực tế việc dịch chuyển mới chỉ hình thành xu hướng “Trung Quốc +1” từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới tái cơ cấu sản xuất và tìm kiếm thêm các địa điểm đầu tư mới. Hải Phòng và các doanh nghiệp còn đủ thời gian để phát huy các thế mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng để mời gọi và chào đón họ.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Singapore, Mỹ và châu Âu cũng đánh giá Hải Phòng là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp lớn như: General Electronic (Mỹ), KCN Deep C (Bỉ), ZF Automotive (Hà Lan)… Thông qua các hoạt động xúc tiến, Hải Phòng mong muốn được chào đón các nhà đầu tư đến với thành phố trong các lĩnh vực như công nghệ kỹ thuật số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, logistics cảng biển thông minh; các công nghệ chuyên ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, mạng lưới vạn vật kết nối internet, công nghệ y, dược; năng lượng tái tạo; công nghệ sạch và xử lý chất thải; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm,... Cùng với đó là hợp tác với các nhà đầu tư thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển để thu hút lượng lao động chất lượng cao đến làm việc tại thành phố, tạo tác động lan tỏa, tăng sức hấp dẫn đối với các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác phát triển ngành logistics, hạ tầng công nghiệp hiện đại để phát huy tối đa lợi thế của thành phố.
Như vậy, để thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao nhất, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã có những đánh giá và nhìn nhận toàn diện để xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư có trọng tâm, hướng tới các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Có thể thấy rõ việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các thị trường tiềm năng, các quốc gia phát triển sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, cũng như tận dụng được những lợi thế của thành phố về vị trí địa lý, cảng biển, nguồn lao động...
(còn nữa)
LÊ TẤT
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết