Kì 2: Đi chợ đồ cũ Hải Phòng

17:45 06/05/2009

Gọi là “thượng vàng” vì những loại đồ cũ này người dùng muốn “sờ” đến phải bỏ ra tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ mới sở hữu được. Đơn cử như chợ xe máy cũ ở đường Mê Linh, một chiếc xe Trung Quốc tàng tàng cũng phải hai đến ba triệu đồng, chưa tính đến những chiếc @ hay SH có giá vài chục triệu đồng.
Gọi là “thượng vàng” vì những loại đồ cũ này người dùng muốn “sờ” đến phải bỏ ra tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ mới sở hữu được. Đơn cử như chợ xe máy cũ ở đường Mê Linh, một chiếc xe Trung Quốc tàng tàng cũng phải hai đến ba triệu đồng, chưa tính đến những chiếc @ hay SH có giá vài chục triệu đồng.

Phục chế quạt điện cũ trên phố Trạng Trình
Phục chế quạt điện cũ trên phố Trạng Trình

THAM QUAN CHỐN “THƯỢNG VÀNG”

Không kể gì xe máy, mà hầu như những người buôn bán hàng cũ cao cấp đều có nghề giỏi và vốn lớn. Chẳng hạn như cửa hàng bán phụ tùng thay thế cho động cơ của ông Huy nằm ở đường Trần Hưng Đạo (đoạn gần cảng Đoạn Xá), tính sơ sơ có vài chục cái bơm thuỷ lực, bót lái… mà đã tới cả trăm triệu đồng.

Ông Huy cho biết: “Đồ thuỷ lực chủ yếu là phục hồi thay thế cho xe tải container, máy xúc, gạt… buôn nhưng nhiều khi cũng tù mù, không sành là mua phải đồ chết, lỗ sặc gạch”. Tôi gặp một tay thợ lái máy gạt ở Quảng Ninh về, mua được chiếc bơm thuỷ lực cũ ưng ý với giá 13,5 triệu đồng, anh này hăm hở khoe: “Tìm cả tỉnh Quảng Ninh không có, mà hàng mới Nhật nó báo giá đặt phải tới hơn hai trăm triệu đồng, cũ người mới ta, thử vẫn thấy chạy phe phé…”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, các nhà chế tạo ôtô nổi tiếng với thương hiệu Hoa Mai, Chiến Thắng… từng đi lên từ những loại hàng cũ cao cấp này. Hẳn nhiều người còn nhớ những chiếc công nông đầu ngang được mệnh danh “hung thần xa lộ” đã tung hoành một thời từ miền Bắc đến miền Trung. Để có được sản phẩm này, đất Kiến An được nhiều nơi biết đến là lò “mổ” những chiếc xe ôtô “gát”, “zin”, Giải Phóng, Đông Phong, I-fa… được sản xuất tại Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu hư hỏng không thể phục hồi. Và dường như toàn bộ phụ tùng dã chiến được “xuống cấp” thành công nông đầu ngang, với bộ gầm và cặp lốp kềnh càng nhưng có biệt tài chinh phục mọi địa hình.

Nền kinh tế mở đã làm lễ “khai tử” cho thế hệ công nông đầu ngang, dẫn đường cho thiết bị qua sử dụng theo nhau tràn ngập thị trường, phục vụ tất tật mọi nhu cầu của các ngành kinh tế. Mấy năm gần đây kinh doanh máy công trình cũ đem lại một nguồn lợi béo bở, bởi vậy người ta đua nhau rót tiền vào nghề này.

Hải Phòng với ưu thế có cảng biển, nhưng lại ít người bạo vốn nên đi hơi muộn so với Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tuy thế dọc theo QL5 đoạn chạy qua quận Hồng Bàng và huyện An Dương rất dễ nhận thấy có hàng trăm bãi chứa ôtô, cần cẩu, máy xúc, xe lu, máy gạt… đủ loại. Mới một thời gian ngắn nhưng Hải Phòng đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm giao dịch lớn, diễn ra tương đối sôi động các hoạt động mua bán máy móc thiết bị công trình.

Việc bùng phát các hoạt động buôn bán dạng này vì nhu cầu xây dựng tăng cao và ngày càng hiện đại. Chẳng hạn nhỏ như việc đào móng, đóng cọc tre cho căn nhà vài chục mét vuông người ta cũng dùng máy xúc và đầm rung thuỷ lực, công trình lớn thì việc đóng cọc bê tông đã có máy chuyên dùng, nhà nhiều tầng phải thực hiện vận chuyển toàn bộ nguyên vật liệu lên cao bằng hệ thống cẩu vận thăng, làm đường phải có xe đầm lu, máy san gạt, máy trộn át-phan, trong vận tải có các loại xe trộn bê tông, cần cẩu tự hành…

Gần như 100% máy công trình đều là hàng nhập khẩu, trong đó già một nửa đã qua sử dụng, hầu hết của các hãng nổi tiếng như Komatsu, KATO, Sumitomo, Hitachi, Hyundai, Kobelco, Sakai, Daewoo, Samsung… từ các nước công nghiệp tiên tiến. Theo ông Bình, một nhà cung cấp ở QL5 thì muốn buôn máy công trình ngoài tầm hiểu biết, giao dịch rộng phải có lưng vốn kha khá cỡ chục tỷ đồng, mà gần như là mua đứt bán đoạn nguyên bản, máy công trình ít khi bị “mông má”.

Dọc theo tuyến đường 5 cũ, đoạn chạy qua phường Sở Dầu, Hùng Vương cũng của quận Hồng Bàng, cảnh khá phổ biến là những chiếc tàu biển to ngất ngưởng có khi tới hàng vạn tấn được kéo về “xẻ thịt”. Một giám đốc công ty phá dỡ thống kê sơ bộ mỗi năm ở đây người ta phá dỡ khoảng 20 con tàu cũ với tổng tải trọng trăm ngàn tấn. Trong đó phế liệu tận thu tái sử dụng chiếm tới 80%, còn lại mới phải chuyển thành sắt vụn bán cho lò nấu luyện. Các vật dụng trên tàu, kể cả phần vỏ tôn được cắt gọt cẩn thận dùng để đóng tàu mới, một phần thiết bị được xuất khẩu cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... còn lại bán cho các xưởng đóng tàu trong nước, nhiều nhất là Hải Phòng, Nam Định…

Xưởng phá dỡ và bán “cất” là đường 5 cũ, nhưng chợ “phân phối đồ cổ” thiết bị tàu thuỷ lại nằm ở đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ chân cầu An Đồng về phía Hà Nội. Người ta trưng bày ở đây những thứ siêu trường siêu trọng như cả hệ thống buồng lái, cần cẩu, máy tàu… hoặc những thiết bị độc lập về điện, cấp cứu hàng hải… đến mỏ neo, dây cáp… Nhìn chung nếu cần, chỉ một khu này cũng đủ để có thể hạ thuỷ vài chiếc tàu vận tải biển cỡ vừa. Ông T. có thâm niên trong nghề buôn thiết bị tàu cũ tâm sự: “Mấy năm trước hàng này bán chạy, phục vụ nhu cầu đóng mới các tàu pha sông biển chủ yếu của các hãng vận tải tư nhân hoặc tàu đánh cá xa bờ”.

Trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết, nhưng chỉ dạo một vòng quanh cũng thấy rằng, đồ cũ đang góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của thành phố, dù đằng sau nó còn chứa đựng nhiều điều đáng bàn.

LÊ MINH THẮNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông