13:46 05/12/2020 Năm 2020 được coi là một năm đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà cả toàn thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Điều này khiến lượng kiều hối bị sụt giảm thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội, kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, nhiều chuyên gia hy vọng những tháng cuối năm tình hình khởi sắc hơn đối với dòng chảy kiều hối...
Kiều hối sụt giảm
So với mọi năm, “thu nhập” của vợ chồng anh Bùi Văn Chiến, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, sụt giảm rất mạnh. Cách đây 3 năm, từ nguồn tiền 2 cô con gái định cư tại Hà Lan gửi về, anh chị đã xây được căn nhà 3 tầng khang trang đẹp đẽ. Số tiền dư ra anh chị gửi tiết kiệm để tiêu dần bởi hai người vốn là lao động tự do, không có nguồn thu ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Chiến cho biết: “Trước đây cứ khoảng 3 tháng các cháu lại gửi cho bố mẹ 1, 2 nghìn Euro chi tiêu do các cháu chung vốn mở được 2 tiệm làm móng làm ăn phát đạt. Sau đó là gửi tiền cho bố mẹ xây nhà, thậm chí cuối năm ngoái còn dồn tiền để bố mẹ mua mảnh đất ở mạn Thủy Nguyên. Tuy nhiên năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc sống của các cháu ở bên đấy khó khăn rất nhiều nên hầu như không có để gửi về...
Cũng có mặt tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Hải Phòng để nhận tiền từ người thân ở nước ngoài gửi về, bác Trần Thu Hà, ở ngõ Lý Nam Đế, Hồng Bàng, cho biết: “Cô có con gái sống ở Đức, nhận thấy những năm gần đây nhu cầu tiêu dùng hàng nội địa nước ngoài tăng mạnh nên gia đình quyết định đầu tư cửa hàng chuyên bán đồ gia dụng Đức. Kế hoạch là định mở từ hồi tháng 5 vừa qua nhưng do dịch bệnh Covid – 19 nên cứ lần lữa vì phải đợi em dồn tiền gửi về để đầu tư mặt bằng...
Theo thống kê, đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh đó Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, làm tăng niềm tin vào thị trường. Ngoài ra chính sách tỷ giá, ngoại hối cũng có tác động tích cực trong việc thu hút được nhiều kiều bào chuyển tiền về nước không chỉ mục đích tích trữ, tiêu dùng mà còn tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh…
Nguồn kiều hối dồi dào có vai trò khá quan trọng đối với nền kinh tế. Nguồn tiền đó không chỉ giúp phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế thành phố và đất nước phát triển.
Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020 Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2017.
Mức dự báo giảm kiều hối của Việt Nam nằm trong xu hướng chung của thế giới, báo cáo của WB nhận định lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm 14% so với năm 2019 do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế. Tại Báo cáo triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.
Tại Hải Phòng, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố, doanh số chi trả kiều hối qua các ngân hàng trên địa bàn ước thực hiện tháng 10 đạt 18,9 triệu USD, bằng 58,5% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 11 đạt 16,93 triệu USD, chỉ bằng 63,5% so với cùng kỳ năm trước...
Hy vọng khởi sắc cuối năm
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến lượng kiều hối giảm trong năm 2020 do tình hình đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động. Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng nằm trong xu hướng khó khăn đó. Dịch bệnh đã khiến nhiều kiều bào và lao động mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ nên không có thu nhập do đó đã hạn chế chuyển kiều hối về cho thân nhân ở quê nhà.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân tăng trưởng kinh tế suy yếu và việc làm giảm tại những quốc gia di cư có thu nhập cao như Mỹ và các nước châu Âu. Ngoài ra, việc giá dầu lao dốc ảnh hưởng tới các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Nga - nguồn kiều hối chính của khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á, từ đó thu nhập của lao động nhập cư tại các quốc gia này sụt giảm.
Tuy nhiên, kiều hối đã tăng trở lại sau khi dịch bệnh ở một số quốc gia tạm thời lắng xuống. Đơn cử, trong tháng 10/2020 riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 500 triệu USD kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Đông Hải Phòng
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo trong các tháng cuối năm, tình hình kiều hối sẽ dần hồi phục trở lại sau khi các nước trên thế giới đã có những biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt là nhiều quốc gia đã nới lỏng các lệnh đóng cửa xã hội, khôi phục kinh tế sẽ là cơ hội cho việc làm và thu nhập đối với người lao động, lượng kiều hối sẽ trở lại bình thường.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong ít các quốc gia trên thế giới kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khá thành công sẽ tạo cơ hội đầu tư vào Việt Nam và thu hút kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây tỷ giá đồng Việt Nam so với USD rất ổn định nên xu hướng người dân nhận những món kiều hối nhỏ lẻ đều bán lại ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng chi trả. Một số ngân hàng còn sử dụng công nghệ chi trả kiều hối và chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng kiệm có lãi suất cao. Điều này đã khuyến khích cả người chuyển kiều hối và người nhận kiều hối giao dịch qua các tổ chức tín dụng vừa đảm bảo an toàn và có cơ hội sinh lãi từ nguồn ngoại tệ kiều hối cho người nhận.
Đặc biệt, trong thời gian qua kiều hối chuyển về không còn dừng lại ở việc gửi tiết kiệm mà đã dần chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán, bất động sản, mua cổ phần, cổ phiếu, thành lập doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường công nghệ và đẩy mạnh chính sách khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Do vậy khả năng những tháng cuối năm, dòng kiều hối sẽ trở lên “nóng ấm và dồi dào” hơn nhiều so với thời điểm trước.
Bùi Hạnh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết