Kinh tế biển – trụ cột phát triển Hải Phòng (Kỳ 4): Xác định lộ trình để phát triển

10:17 16/07/2019

Trở lại với Chương trình hành động 72-CTr/TU ngày 27-3-2019 của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Hải Phòng đã bám sát quan điểm phát triển và mục tiêu của Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương và Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, vị thế cũng như phát huy những kết quả đạt được thời gian qua.

Với thương hiệu ô tô Vinfast, Hải Phòng khẳng định rõ hướng phát triển công nghiệp chế tạo

Thành phố đã xác định trong giai đoạn tiếp theo, thách thức đặt ra đối với Hải Phòng trong việc quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển và hải đảo tập trung vào các vấn đề: hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế biển.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, không gian biển; phát huy toàn diện mọi tiềm năng, lợi thế từ biển gắn với việc bảo tồn biển và đa dạng sinh học; giảm nhẹ, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với khu vực ven biển và hải đảo. Bảo vệ môi trường biển và các vấn đề môi trường xuyên biên giới; toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế về dịch vụ hàng hải, cảng biển, du lịch biển. Phát triển kinh tế biển luôn gắn với giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh, quốc phòng trên biển.

Từ việc xác định rõ các vấn đề nêu trên, một trong những nhiệm vụ trước mắt được đặt ra là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển. Cần phải thấy rằng, trong một giai đoạn quá độ, việc quản lý mở rộng đầu tư các dự án phục vụ yêu cầu phát triển có phần lỏng lẻo, đã ảnh hưởng không nhỏ vào công tác quy hoạch, bảo tồn nguồn tài nguyên liên quan đến biển, đặc biệt là nguồn quỹ đất ven biển và hải đảo.

Phát triển dịch vụ Logistics là động lực thúc đẩy kinh tế hàng hải

Dù mang lại những lợi ích không thể phủ nhận về kinh tế - xã hội, nhưng xét về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, thì sự tổn hại đã làm thay đổi nghiêm trọng kết cấu tự nhiên, chưa kể những ảnh hưởng đến các dòng hạ lưu, khu vực nuôi trồng, khai thác và vùng bãi đẻ thủy sản ven bờ.

Những năm qua vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm nhiều hơn, nhưng quá trình thực hiện hiệu quả chưa thực sự cao. Điều đáng nói là, bản thân việc quy hoạch vùng bờ cũng gặp nhiều lúng túng, mâu thuẫn và manh mún giữa các dự án đan xen công nghiệp – dịch vụ - du lịch - thủy lợi – nông nghiệp – thủy sản – văn hóa xã hội... 

Nhiều công trình dự án dở dang không những xâm hại đến giá trị đa dạng sinh học, mà còn làm cho bản đồ tài nguyên biển thành phố luôn bị nham nhở. Đây là một bài toán còn nhiều ẩn số của Hải Phòng.

Để khắc phục hạn chế đó, thành phố đã quyết tâm thực hiện quản trị biển và đại dương theo Luật tài nguyên, môi trường và hải đảo, và Bộ chỉ tiêu do Chính phủ quy định. Mặt khác mang nhiều tính chủ quan, với độ mở lớn và hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế trong tiến trình toàn cầu hóa, Hải Phòng chịu tác động lớn từ những diễn biến bên ngoài.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang tái cấu trúc, từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, thành phố đang nỗ lực làm rõ hơn lý luận về quản lý tổng hợp biển, đảo và vùng bờ biển.

Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, trong đó quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải xét đến toàn bộ diện tích tự nhiên, bao gồm cả phần biển, các quy hoạch không gian biển và kinh tế biển.

Đáng chú ý là, thành phố đã định hình thứ tự ưu tiên phát triển kinh tế biển sát với thực tiễn. Trong đó kinh tế hàng hải được ưu tiên cao nhất, tiếp đó lần lượt là: dịch vụ và du lịch biển, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, kinh tế huyện đảo, năng lượng tái tạo và ngành kinh tế biển mới.

Trong đó, với việc sở hữu hai huyện đảo, Hải Phòng đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế huyện đảo thể hiện khát vọng và truyền thống sáng tạo mang đậm nét Hải Phòng.

Bên cạnh đó, ngoài các ngành kinh tế hàng hàng, dịch vụ và du lịch biển, nuôi trồng và khai thác hải sản đã và đang phát triển theo hướng đột phá, công nghiệp ven biển cũng được định hướng cụ thể hơn. Như khẳng định của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành: “Hải Phòng phải trở thành trung tâm công nghiệp chế tạo, như thực tiễn hàng trăm năm xây dựng và phát triển, vị thế của Hải Phòng trên bản đồ công nghiệp cả nước chính là như vậy”.

Rõ ràng, với những gì đã và đang hiện hữu, phát triển kinh tế Hải Phòng chính là phát triển kinh tế biển, đồng nghĩa hành trình phát triển kinh tế Hải Phòng cũng là thực hiện lộ trình vươn ra biển lớn.

Hy vọng trong tương lai gần, với những nỗ lực bứt phá, Hải Phòng sẽ xứng đáng không chỉ là trung tâm “kinh tế biển xanh” của Việt Nam, mà còn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu tăng trưởng xanh mà thành phố đang hướng tới, như tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông