14:56 09/08/2022
Là quốc gia có nhiều lợi thế về biển, Việt Nam đã và đang sử dụng hiệu quả các nền tảng và nguồn lực của mình cho phát triển kinh tế biển. Hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và phát triển bền vững kinh tế biển xanh, các cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng rộng mở và nhiều tiềm năng.
Kinh tế biển ở Việt Nam: Nền tảng và nguồn lực phát triển
Việt Nam là quốc gia biển tới hơn 3200 km đường bờ biển và hơn 3000 đảo lớn nhỏ cùng với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Kinh tế biển là một tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế.
Với đường bờ biển dài, Việt Nam mang lợi thế vị trí địa lý khi nằm gần các tuyến vận tải biển quốc tế. Biển Đông nằm ở vị trí mang tính chiến lược về kinh tế - chính trị của thế giới. Hầu hết các khu vực ven biển của Việt Nam đều duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và là điểm giao thương kết nối các đối tác thương mại khu vực cũng như các tuyến hàng hải quốc tế. Với hơn 110 cửa sông và hơn 50 vũng nước sâu ven biển miền Trung, các doanh nghiệp tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh về lĩnh vực hàng hải, đóng tàu và các dịch vụ hậu cần.
Việt Nam cũng được biết đến với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với hơn 60 loại khoáng sản. Riêng biển Việt Nam có hơn 35 loại được chia thành các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi Việt Nam có thể chiếm đến 25% trữ lượng dầu khí của Biển Đông hay những mỏ cát có trữ lượng hơn 100 tỷ tấn tại khu vực Quảng Ninh hay Hải Phòng là những con số minh chứng tiềm năng dồi dào của khoáng sản biển Việt Nam.
Bên cạnh khoáng sản biển, tài nguyên sinh vật biển của Việt Nam cũng được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Riêng cá biển, Việt Nam có hơn 2000 loài với trên 100 loài mang giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng khoảng 5 triệu tấn /năm và sản lượng đánh bắt khoảng hơn 2,2 triệu tấn. Ngoài cá biển, biển Việt Nam còn chứa đựng nhiều loại đặc sản có giá trị lớn như tôm, cua, mực, hải sâm, rong… Vùng ven biển nước ta với các hệ sinh thái đặc trưng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển… với hơn 800 nghìn ha bãi triều, vũng vịnh… rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Các khu vực giàu tiềm năng có thể kể đến như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phá Tam Giang, Vịnh Văn Phong… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đạt hơn 850 nghìn tấn mỗi năm.
Một trong những tài nguyên biển dường như ít được nhắc đến là nước biển cũng mang lại nhiều tiềm năng đáng kể với các dạng năng lượng biển đa dạng điển hình như hydrat tự nhiên, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng…
Ngoài ra, Việt Nam với diện tích bờ biển và số lượng đảo lớn cũng là yếu tố thuận lợi cho phát triển nguồn lực về du lịch biển. Theo thống kê, trải dài từ Bắc vào Nam, nước ta có hơn 125 bãi biển đẹp trong đó có những bãi biển được đánh giá hàng đầu thế giới như Mỹ Khê – Đà Nẵng, Phú Quốc – Kiên Giang, Eo Gió – Bình Định… Thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiều vùng nắng dài quanh năm là điều kiện thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là du khách từ các nước có khí hậu lạnh giá.
Về tổ chức hành chính, trong tổng số 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Việt Nam có 28 tỉnh thành giáp biển với khoảng 125 huyện ven biển, 12 huyện đảo và chiếm hơn 50% tổng dân số cả nước. Các khu vực này đã đóng góp vào GDP cả nước vượt mức 60%.
Với đặc thù phát triển kinh tế xã hội gắn liền với biển, Việt Nam cũng chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực biển, coi đây là chìa khóa của sự thành công trong phát triển kinh tế biển mạnh và bền vững. Trên cả nước hiện đã có hơn 20 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học trở lên có liên quan đến biển tại hơn 90 cơ sở đào tạo. Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cũng đưa 15 nghề thuộc lĩnh vực kinh tế biển vào Danh mục trọng tâm đào tạo nhân lực. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực liên quan đến kinh tế biển không chỉ tập trung vào các lĩnh vực hàng hải, dầu khí, hải sản… mà còn mở rộng hơn như du lịch, y tế, nghiên cứu khoa học biển…
Các cơ sở đào tạo lớn liên tục thu hút người học đối với các ngành liên quan đến kinh tế biển hầu như trải rộng tại khắp các khu vực trên cả nước có thể kể đến như Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội…
Cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp đầu tư
Đi liền với những lợi thế và nguồn lực của biển là hàng loạt cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển.
Ngành hàng hải và cảng biển
Biển Đông nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, kết nối châu Âu và châu Á, Trung Đông và châu Á. Theo thống kê của Hội nghị liên hiệp quốc tế về thương mại và phát triển (UNCTAD), hơn 80% khối lượng hàng hóa và 70% giá trị thương mại luân chuyển toàn cầu được thực hiện bằng hình thức vận tải biển. Trong đó 60% đi qua khu vực châu Á còn Biển Đông chiếm hơn 30% khối lượng vận tải biển thế giới. Việt Nam hiện có 32 tuyến vận tải biển trong đó có 25 tuyến quốc tế.
Tính bình quân, cứ khoảng 100 km2 đất liền, Việt Nam lại có 1 km bờ biển, chỉ số này cao gấp 6 lần trung bình của thế giới. Đồng thời biển Việt Nam mở rộng theo 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, vô cùng thuận lợi cho việc đi ra mọi nẻo đường biển. Tại Việt Nam có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng cảng biển bao gồm cả các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế như Cái Lân, Nghi Sơn, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong…
Ngày 22/09/2021, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào các dự án hàng hải và cảng biển. Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 là 313 nghìn tỷ đồng và chủ yếu huy động từ các nguồn ngoài ngân sách. Quy hoạch đã xác định rõ việc ưu tiên quỹ đất, quỹ mặt nước cho phát triển cảng biển và hạ tầng, đồng thời hoàn thiện các chính sách về giá, phí để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển góp phần thu hút các nhà đầu tư.
Riêng bản thân lĩnh vực vận tải biển cũng là một ngành tiềm năng để đầu tư với nhiều ưu đãi và chính sách hấp dẫn. Để thúc đẩy phát triển đội tàu Việt, Cục Hàng hải Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất thuận lợi như giảm thuế VAT nhập khẩu tàu biển, giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên đội tàu Việt Nam…
Ngành thủy sản
Theo tổng hợp của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt 2 tỷ USD tăng 26% so với cùng kỳ. Con số này thể hiện sự tăng trưởng trở lại mạnh mẽ của ngành thủy sản Việt Nam sau cơn bão Covid-19. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những quốc gia đứng đầu về nhập khẩu hải sản Việt Nam. Việc kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hải sản của nhiều nước trên thế giới. Theo các chuyên gia, nhu cầu này sẽ ổn định và là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thủy sản. Theo Ngân hàng thế giới, sản lượng tiêu thụ sản phẩm cá bình quân đầu người hàng năm giai đoạn 2010-2030 sẽ đạt hơn 18 kg.
Năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp thủy sản trong 10 năm tới với nhiều chú trọng đặc biệt. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do hiện có và việc Chính phủ tăng cường mở rộng các FTA mới sẽ tạo ra nhiều thị trường tiêu thụ mới nhưng nhu cầu rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời tạo nên một sức hút lớn cho các nhà đầu tư.
Du lịch biển
Du lịch và dịch vụ được xác định là ưu tiên hàng đầu, mũi nhọn của chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam và là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Mở cửa trở lại sau đại dịch, Việt Nam nhanh chóng triển khai các kế hoạch tạo điều kiện cho phát triển du lịch như nối lại các đường bay quốc tế và nới lỏng quy định kiểm tra Covid-19 khi nhập cảnh quốc tế.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 2 quý đầu của năm 2022, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 600 nghìn người, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch bùng nổ. Điều đó chứng tỏ sự tăng trưởng của ngành du lịch sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.
Song hành cùng với các dịch vụ lữ hành, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội đầu tư phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển, tận dụng tối đa các lợi thế vị trí địa lý lý tưởng. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển nằm dọc theo các bãi biển từ Bắc vào Nam như Đồ Sơn – Hải Phòng, Sầm Sơn – Thanh Hóa, Phú Quốc, Hội An, Quảng Bình… liên tục được triển khai mở bán với quy mô lớn phục vụ ngành du lịch.
Mô hình du lịch đa tiện tích “all in one” với đa dạng dịch vụ từ lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, nghỉ dưỡng… nằm trong cùng một khu du lịch đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Ngành công nghiệp
Với những thế mạnh của tài nguyên và vị trí địa lý, các ngành công nghiệp biển và ven biển của Việt Nam tương đối đa dạng, điển hình như đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao…
Các tỉnh thành ven biển sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống khu công nghiệp ven biển được đầu tư quy mô từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khu công nghiệp tiến sát ra biển là tận dụng lợi thế để phát triển hạ tầng giao thông đường biển, hệ thống cảng biển nhộn nhịp, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí logistics, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đáng kể.
Một ngành công nghiệp mới có tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư là công nghiệp điện gió ngoài khơi. Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam có thể tạo ra hơn 510 MW điện gió, lớn gấp 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La. Theo Bộ Công thương, có khoảng 157 dự án điện gió trên biển đang được khảo sát phát triển.
Kinh tế biển xanh và Quy định thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh
Kinh tế biển xanh là một thuật ngữ tương đối mới nhưng đang dần được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Ngày 12/05/2022, Tổng Cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên Môi trường công bố báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” trong đó đưa ra các kịch bản bám sát với khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh.
Kinh tế biển xanh có thể hiểu là các hoạt động kinh tế liên quan đến biển và đại dương gắn liền với bảo tồn sức khỏe của hệ sinh thái biển và cải thiện sinh kế biển nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, khí thải và khai thác tài nguyên biển.
Kinh tế biển xanh (trong tiếng Anh: Blue Economy) là sự tương hỗ cho cho Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn. Đây là những viên gạch nền móng vững chắc để từ đó xây dựng và phát triển Kinh tế xanh trong bối cảnh tài nguyên dần cạn, rác thải tăng lên nhưng các cơ hội và tiềm năng vẫn tiếp tục mở rộng.
Là quốc gia biển, nền kinh tế biển xanh là trọng tâm giúp Việt Nam đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với môi trường là một trong những trụ cột quan trọng. Để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh, Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược và chính sách giúp chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” như:
- Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26;
- Các Luật Biển Việt Nam, Luật Tài Nguyên Môi trường biển và hải đảo.
Cụ thể trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Việt Nam nêu rõ thứ tự ưu tiên các ngành kinh tế biển trong đó du lịch biển và dịch vụ được ưu tiên thứ nhất. Đây là ngành kinh tế sử dụng tương đối tiết kiệm tài nguyên biển. Các ngành sử dụng nhiều tài nguyên hơn như hàng hải, dầu khí, khai khoáng, thủy sản, công nghiệp… được xếp ưu tiên thấp hơn. Bên cạnh đó việc nuôi trồng và tái tạo tài nguyên biển song song với khai thác được chú trọng.
Để tiến hành phát triển bền vững kinh tế biển, các cơ quan trung ương và các địa phương ven biển đã từng bước đưa ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhưng có tầm nhìn dài hạn để phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo tồn nguồn vốn biển tự nhiên. Nuôi biển, sử dụng năng lượng vô tận như gió, đẩy mạnh du lịch sinh thái… được xem là những giải pháp căn cơ và lâu dài.
Có nhà khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng “Đôi khi chúng ta nhầm khi nói nhìn ra biển hay hướng ra biển vì thực chất người Việt sống trên biển, nhìn từ biển”. Biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành quốc gia và văn hóa người Việt và cũng rất quan trọng trong phát triển kinh tế hiện đại.
Với những tiềm năng vô cùng lớn của biển và sự đồng hành hỗ trợ trong hoạch định chính sách của chính phủ, nền kinh tế biển xanh là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào hoạt động kinh tế mang lại hiệu quả cao nhưng đảm bảo bền vững và hội nhập.
Lê Tất
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết