Kinh tế Hải Phòng trên trên lộ trình ra biển lớn (Kỳ 1)- Xác định vị thế chiến lược

15:45 07/10/2020

Tại Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố Hải Phòng, trong các mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 hầu hết đều đề cập đến vị thế của biển, bao gồm cả phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch… Mấu chốt là “Phấn đấu Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, một trọng điểm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Như vậy có thể khẳng định, trụ cột của nền kinh tế Hải Phòng chính là kinh tế biển.

Hệ thống cảng biển luôn giữ vững vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế biển ủa thành phố Hải Phòng

Nhìn sâu về giai đoạn trước, những nội dung liên quan đến biển đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt chú trọng. Ngày 9-2-2007 tại Hội nghị TW4 (khóa X), Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Tại nghị quyết 09-NQ/TW, Trung ương Đảng khẳng định: “Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260 km. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta”. 

Trên tinh thần đó, Hải Phòng đã không ngừng tận dụng mọi thời cơ, cùng cả nước hướng tới mục tiêu mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, kết quả này càng rõ nét trong những năm gần đây.

Hải Phòng là một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, nằm ở vị trí trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ. Nhìn về tổng quan, Hải Phòng có khoảng 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, nơi có gần chục con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn.

Diện tích mặt nước nội hải trên 4.000 km2, quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn hec-ta. Chưa kể 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo, mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành.

Một điểm nhấn hết sức quan trọng là ngày 5-8-2003, Bộ Chính trị khóa đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết 32 nêu rõ: Với vị trí, vai trò của mình, từ nay đến năm 2020, thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển…”.

Tiếp đó, ngày 22-10-2018 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; ngày 24-1-2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện kết nối Khu Kinh tế biển Đình Vũ – Cát Hải

Tại cả hai Nghị quyết quan trọng này, Hải Phòng đều được xác định là một trọng điểm phát triển của cả nước trên nền tảng kinh tế biển. Điều rất quan trọng là tất cả các Nghị quyết nêu trên đều định hướng một lộ trình phát triển cụ thể, tạo liên kết hữu cơ hết sức thuận lợi cho Hải Phòng. Theo đó, quan điểm định hướng là “phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước…”.

Mỗi giai đoạn khác nhau, các định hướng chiến lược  trong các Nghị quyết của Trung ương đều được thành phổ Hải Phòng thể chế hóa thành các Chương trình hành động cụ thể.

Nổi bật là trong giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 15, Hải Phòng đã xác định rõ ngành, lĩnh vực biển trọng tâm. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

Về kinh tế thủy sản, thành phố đề ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng là trung tâm giống, khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ.

Về khoa học – công nghệ và đào tạo, đảm bảo đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực biển Hải Phòng và cả nước. Bên cạnh đó phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực trong các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và dịch vụ cao cấp.

Đồng thời, thành phố cũng phân định rõ các quy hoạch phát triển các huyện đảo, xây dựng mô hình kinh tế biển của thành phố cũng như các chính sách và khung thực hiện chiến lược biển, mở ra lộ trình vươn ra biển lớn. Thành phố chủ trương điều chỉnh cơ cấu ngành sản phẩm kinh tế theo hướng phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội, nhất là cảng cửa ngõ quốc tế.

Đồng thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu.

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường quản lý kết hợp đổi mới công nghệ để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái. Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực Cát Bà, Bạch Long Vỹ, vùng ven biển, các sông, giữ gìn các tài nguyên không tái tạo như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước… hình thành một chủ trương lớn cho phát triển kinh tế biển bền vững.

          Lê Minh Thắng (còn nữa)   

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông