08:24 06/06/2023 Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế của Hải Phòng 5 tháng qua tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt được tiến độ theo kế hoạch và kỳ vọng. Thậm chí, đã xuất hiện một số dấu hiệu “thụt lùi” so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là những thách thức không nhỏ trước yêu cầu tăng trưởng cao, bứt phá của Hải Phòng. Tuy nhiên, toàn thành phố đang rất bình tĩnh, tự tin, vững vàng để vượt qua, chuẩn bị sẵn sàng để lấy lại đà tăng trưởng cao trong những năm tới.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng chưa đạt yêu cầu
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố lẽ ra phải đạt khoảng 41,67% kế hoạch năm thì hầu hết đều ở dưới mức này.
Cụ thể, tổng thu ngân sách mới đạt 38.600 tỷ đồng, bằng 33,18%. Trong đó, thu nội địa mới đạt 29,28% dự toán năm, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,6% dự toán năm, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa qua Cảng 5 tháng ước đạt 56,29 triệu tấn, giảm 3,19% so với cùng kỳ, bằng 30,43% kế hoạch. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 603,31 triệu USD, giảm 35,11% so với cùng kỳ, đạt 30,17% kế hoạch. Về du lịch, 5 tháng ước đạt 2.533 nghìn lượt khách, tuy tăng 14,99% so với cùng kỳ nhưng cũng mới chỉ bằng 34,7% kế hoạch năm.
Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 chỉ tăng 7,06%, giảm 10% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng, IIP ước tăng 12,16% so với cùng kỳ, tuy tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nhiều ngành công nghiệp quan trọng sụt giảm và gặp nhiều khó khăn cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ, điều đáng quan tâm trong sản xuất công nghiệp chính là sự “thấp dần” khi tháng 1 tăng trưởng cao nhưng tháng 5 lại chỉ tăng có 7%. Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ sự lo lắng khi chưa có chỉ tiêu kinh tế nào của thành phố đạt được 40% kế hoạch năm. Trong đó, đáng lo nhất là sản xuất công nghiệp; thu ngân sách…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND thành phố, lãnh đạo các ngành thành phố đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện kế hoạch. Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Văn Trường, số thu ngân sách nội địa năm nay đứng trước rất nhiều thách thức. Chỉ tính riêng công ty VinFast 5 tháng qua đã giảm tới 859 tỷ đồng thuế nhà thầu, thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 273 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp lớn khác cũng giảm nộp ngân sách; nhiều doanh nghiệp nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng chưa chấp hành trả nợ. Ngoài ra, số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng đạt tỷ lệ rất thấp trong khi năm 2023, thành phố đặt mục tiêu thu các khoản này lên tới 15.200 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bùi Quang Hải, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử… lớn như Mỹ, EU đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này. Một số ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn như sản xuất phân bón (thiếu quặng Apatit); dệt may, da giày, sản xuất máy móc thiết bị như máy văn phòng, máy nông nghiệp (thiếu đơn hàng); cạnh tranh về giá như sản xuất xi măng, sản xuất thép, sản xuất dây và cáp điện, sản xuất pin và ắc quy… Bởi thế, gần một nửa số ngành công nghiệp bị sụt giảm, tác động khá lớn tới IIP.
Về thu tiền sử dụng đất, theo lãnh đạo các ngành thành phố, nguyên nhân chính là do thị trường trầm lắng, giá đất giảm, giao dịch thành ít. Một số địa phương dù đã chuẩn bị khá kỹ càng cho các khu đất đấu giá nhưng không thành. Ước 5 tháng, số thu tiền sử dụng đất mới đạt 1277 tỷ đồng, bằng 9,8% dự toán được giao. Trong đó, số thu của khối thành phố phụ trách mới đạt 301 tỷ đồng, bằng 3,8% dự toán; khối quận, huyện đạt 976 tỷ đồng, bằng 26,6% dự toán.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn năm 2022 nhưng nhìn chung còn thấp. Tính đến ngày 20-5, vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân đạt 5.110 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch thành phố giao (22.184,828 tỷ đồng), bằng 38,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403,337 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2022, vốn đầu tư công của thành phố giải ngân được 2.591 tỷ đồng, bằng 20,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 14,32% kế hoạch thành phố giao.
Khẩn trương, quyết liệt vượt qua những khoảng lặng
Những kết quả trên cho thấy những “khoảng lặng”, những thách thức, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023, đòi hỏi toàn thành phố phải khẩn trương, quyết liệt, chạy đua với thời gian để vượt qua, bù đắp trong 7 tháng còn lại. Áp lực lớn, vướng mắc nhiều, nhưng toàn thành phố vẫn luôn bình tĩnh, tự tin bởi Hải Phòng đã có được một nền tảng khá vững chắc, bởi ý chí quyết tâm, bản lĩnh vượt qua thử thách đã được kiểm nghiệm qua thực tế và hơn hết là thành phố đang có nhiều dư địa, nhiều cơ hội phát triển mới.
Trong đó, điều phấn khởi, vui mừng nhất là cuối tháng 3- 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là cú hích quan trọng, là nền tảng để Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tới.
Bởi lẽ, Điều chỉnh Quy hoạch chung được phê duyệt đã tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn trong phát triển của Hải Phòng do phải chờ đợi từ nhiều năm nay. Ngay sau khi quy hoạch được công bố, các chủ đầu tư xây dựng các KCN lại hối hả vào cuộc để hoàn tất các công việc chuẩn bị để thành lập KCN mới.
Tiêu biểu là KCN Tràng Duệ 3 tại huyện An Lão với hơn 600 ha đất sẽ được thúc đẩy khẩn trương hơn. Cùng với đó, các bến cảng nước sâu cũng được thực hiện gấp rút hơn. 4 bến 3,4,5,6 quyết tâm hoàn thành trong năm 2024; Khu công nghiệp, khu phi thuế quan và dịch vụ Xuân Cầu tại Lạch Huyện với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng đã khởi công; 2 bến 7,8 mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Đồng thời, cũng nhờ quy hoạch được duyệt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo bắt tay ngay vào các công việc chuẩn bị thực hiện khởi động cảng nam Đồ Sơn; đề xuất với Chính phủ cho phép Hải Phòng lập thêm Khu Kinh tế thứ hai bám dọc theo tuyến đường ven biển. Các KCN, khu đô thị của Hải Phòng được xác định rõ ràng và là đòn bẩy để thu hút đầu tư và phát triển.
Tiến độ đưa huyện Thủy Nguyên lên thành phố; huyện An Dương lên quận vào năm 2025 được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Các công trình, dự án lớn như Trung tâm Chính trị - Hành chính; Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn; tuyến đường ven biển và một loạt các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng NTMKM đang được đẩy nhanh tiến độ với các cam kết sẽ hoàn thành theo kế hoạch vốn năm 2023, tạo đà thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh sẽ cùng với các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc việc thu tiền sử dụng đất, thu tiền thu đất. Các dự án lớn, các khoản thu đã được xác định rõ địa chỉ để đôn đốc thu ngay trong tháng tới. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất.
Chủ tịch UBND thành phố giao Cục Thuế tìm mọi giải pháp để hoàn thành dự toán thu do Cục đảm nhiệm, phấn đấu thu đạt 42.500 tỷ đồng số thu ngân sách nội địa trong năm nay. Về sản xuất công nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố giao các ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KCN, CCN trên địa bàn, sẵn sàng đất sạch để đón các luồng vốn đầu tư.
Tin vui đối với thành phố khi đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định, hiện đang “có trong tay” khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI sẽ được thu hút trong thời gian tới. Đồng thời, nhờ Quy hoạch chung được phê duyệt, Ban sẽ sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và chắc chắn sẽ cán mốc 3 tỷ USD thu hút vốn FDI trong năm nay.
Có thể thấy, trong bối cảnh chung của cả nước và thế giới, Hải Phòng gặp rất nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tuy chưa đạt kế hoạch nhưng vẫn có mức tăng trưởng khá cao so với nhiều địa phương khác trên cả nước. Ví như trong sản xuất công nghiệp, Hải Phòng vẫn có mức tăng trưởng cao nhất so với Hải Dương tăng 9,87%; Quảng Ninh tăng 6,19%; Cần Thơ tăng 2,98%; Hà Nội tăng 2,1%; thành phố Hồ Chí Minh 1,6%; Vĩnh Phúc âm 2,47%, Đà Nẵng âm 2,9%...
Nói như vậy để thấy rằng, Hải Phòng vẫn đang bứt phá, phát triển với nhiều cơ hội, dư địa rộng mở. Mặc dù vậy, tuyệt đối không chủ quan, cần nhất vẫn là tinh thần quyết tâm, quyết liệt, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua mọi sức ỳ, lực cản, chắc chắn Hải Phòng sẽ thành công, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023./.
Hồng Thanh
14:23 25/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế