Kinh tế Hải Phòng: niềm tin vươn ra biển lớn

12:39 15/05/2021

Nằm trên bờ Vịnh Bắc Bộ, ở vị trí trung tâm vùng duyên hải phía Bắc, đồng thời cũng là vùng đệm giữa vòng cung Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, nơi hội tụ của gần chục dòng sông, Hải Phòng được thiên nhiên ban tặng vị thế đặc biệt, với khát vọng “sống với biển, làm giàu từ biển”.

Dịch vụ cảng biển là trụ cột kinh tế quan trọng bậc nhất của Hải Phòng.

Vị thế vùng cửa biển

Ngược dòng lịch sử, chỉ sau thời gian ngắn khi người Pháp thành lập thành phố Hải Phòng ngày 19-7-1888, Hải Phòng đã có hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc, là trung tâm tài chính, công nghiệp của cả Đông Dương. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ dạng hình tư bản tư nhân của người Pháp, thành quả kinh tế của những người Việt tại Hải Phòng thời kỳ thuộc Pháp cũng rất đáng nể.

Có thể kể một số điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi gắn công ty Giang Hải Luân, tiên phong và nổi danh cả nước về công nghiệp đóng tàu và vận tải hàng hải; Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà với hãng sơn Sơn Hà không chỉ đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn lớn ở thế giới, mà sự nghiệp của ông cũng gắn liền với công cuộc cách mạng, xứng đáng nằm trong danh sách những nhà tư sản cách mạng tiêu biểu của Việt Nam; Doanh nhân Đoàn Đức Ban thành công vang dội nhờ phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống với thương hiệu Vạn Vân, tiền thân của các sản phẩm nước mắm Cát Hải hiện nay…

Trở lại với sự kiện người Pháp xây dựng Cảng Hải Phòng, trên thực tế cảng được hình thành từ năm 1876, tức là trước thời điểm địa danh “thành phố Hải Phòng” được công nhận. Có thể nói đây là yếu tố quan trọn nhất cho việc thành lập thành phố, đồng thời là bước ngoặt lớn nhất trong việc khai thác tiềm năng, vị thế vùng đất cửa biển.

Để từ đó đến nay, trải qua 133 năm tên tuổi Hải Phòng luôn gắn liền với cảng, từ một khu vực “bến 6 kho” đến nay toàn thành phố đã có khoảng 12km cầu cảng, thuộc hơn 40 doanh nghiệp khai thác. Điều quan trọng, hệ thống cảng đã trở thành trụ cột kinh tế, dù có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng dường như thời điểm nào cũng vẫn khẳng định vai trò chiến lược, với điểm tựa là biển.

Tiềm năng lớn, cơ hội lớn

Từ vị trí chiến lược nêu trên, tại Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vũng kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng đã khẳng định vị thế khi được nhắc đến nhiều lần trong các định hướng chiến lược của Trung ương. Cũng tại Nghị quyết này, trong 6 phân ngành kinh tế biển được lựa chọn phát triển bền vững, thì toàn bộ cơ bản là thế mạnh mà Hải Phòng đang sở hữu.

Trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW, Hải Phòng vẫn luôn được xác định trọng điểm phát triển kinh tế biển của miền Bắc và cả nước. Trên nền tảng đó, nhiều dự án công trình hạ tầng cấp thành phố cũng như cấp quốc gia chủ yếu tập trung phục vụ cho nhu cầu khai thác biển. Đánh giá của trung ương cũng cho thấy, Hải Phòng đã thực sự chuyển mình, chủ động khai thác cả tiềm năng và tiềm lực, hình thành điểm sáng, tiên phong trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Với những gì đang hiển hiện, có thể hình dung các mũi nhọn kinh tế của Hải Phòng đều hướng ra biển. Trước hết về phát triển dịch vụ cảng biển, Hải Phòng đã thực sự trở thành một trung tâm hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước.

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp Hải Phòng chiếm ưu thế vượt trội so với cả khu vực phía Bắc về dạng hình vận tải hàng hóa từ cảng, với đội tàu biển 680 chiếc đang đăng ký vận hành, tổng trọng tải 3.669.128 DWT. Hải Phòng cũng có đội ngũ doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container, với gần 16 nghìn chiếc, cùng với hệ thống dịch vụ kho bãi với 4 triệu m2, có 133 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics.

Những năm gần đây, thành phố chủ trương cơ cấu ngành sản phẩm kinh tế theo hướng phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải.

Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn các tài nguyên không tái tạo như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước… hình thành một chủ trương lớn cho phát triển kinh tế biển bền vững.

Mở lộ trình bứt phá

Những thành tựu vượt bậc đạt được trong những năm gần đây, nhất là 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội 12 của Đảng và Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, càng thấy tầm quan trọng của cơ chế, khi mà Hải Phòng đã chủ động phát huy nội lực từ sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Với vị thế đặc biệt quan trọng như vậy, Hải Phòng đã thu hút nguồn lực đầu tư lớn trên mọi hướng. Đáng kể nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ 5 dạng hình đã hình thành sự kết nối rõ nét với cả trong và ngoài nước, những công trình trọng điểm cấp quốc gia đã và đang được đưa vào khai thác.

Một điểm nhấn quan trọng nữa, đó là từ ý tưởng khởi xướng của Hải Phòng, lãnh đạo các địa phương đã ngồi lại, thống nhất đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ven biển, cùng xây dựng các công trình giao thông mới, mở ra hướng kết nối thiết thực cho cả vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng nghĩa với việc mở rộng kết nối các vùng kinh tế khu vực Bắc Bộ với cảng biển Hải Phòng, mở hướng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI vừa qua, vai trò hội nhập trên nền tảng kinh tế biển đã một lần nữa được đưa ra thảo luận, định hướng rõ nét. Hải Phòng đã và đang hình thành rõ hơn vị trí trung tâm trong kết nối kinh tế - xã hội, là đầu mối giao dịch giữa các địa phương khu vực phía Bắc với ngoài nước và ngược lại.

Tuy nhiên nhìn vào tổng thể, sự kết nối đó vẫn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là tính điều phối của vị trí trung tâm với các vệ tinh. Mặt khác, nhiều phân ngành kinh tế Hải Phòng dù bứt phá ngoạn mục, nhưng chưa thể hiện rõ sự kết nối như công nghiệp, thương mại, du lịch. Đây là vấn đề cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn mới.

Như vậy, cùng với sự phát triển chung của cả nước và thế giới, một số quan điểm và mục tiêu phấn đấu cũ sẽ không còn phù hợp, đòi hỏi Hải Phòng cần được hưởng những chính sách chiến lược, để cụ thể hóa nghị quyết 45-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố vào cuộc sống.

Rõ ràng, cùng với tốc độ phát triển chung của cả nước, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và rộng, kinh tế Hải Phòng thực sự cần một “cú huých” để hoàn thiện mục tiêu trở thành “trung tâm” một cách toàn diện như tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.

Nhưng dù thế nào, kết quả hiện hữu đang chứng tỏ tính hiệu quả của Hải Phòng, trong định hướng là trọng điểm phát triển kinh tế biển. Đây lộ trình có tính bứt phá, không chỉ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế, mà còn đảm bảo tính chiến lược dài hạn, lấy phát triển kinh tế biển làm nền tảng vững chắc để phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông