15:24 16/04/2020 Đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu, tạo ra một đợt khủng hoảng mới với nền kinh tế thế giới, gây áp lực lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Hải Phòng đã trở thành điểm sáng của cả nước, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép”, vừa phòng ngừa thành công dịch bệnh, vừa duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế với thành tựu ấn tượng.
Các doanh nghiệp FDI giữ vững vai trò chủ đạo trong xuất khẩu.
Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành đã nêu rõ, trước diễn biến tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Hải Phòng vẫn triển khai hiệu quả nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội.
Điều đó được thể hiện rất rõ trong quý 1, cũng là giai đoạn diễn ra đại dịch, Hải Phòng không những giữ vững phòng tuyến chống dịch, mà còn bảo toàn kết quả sản xuất kinh doanh, giữ được nhịp độ tăng trưởng.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, trong quý 1 tăng trưởng kinh tế thành phố được duy trì ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước tăng 14,9%, gấp 3,9 lần tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Có 3 chỉ tiêu tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2019, gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 23%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD, tăng trên 15%; thu hút FDI quý 200 triệu USD, tăng 120%.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu tăng ở mức trên 10% bao gồm: thu ngân sách nội địa đạt 6. 926 tỷ đồng, tăng 12%; tổng nguồn vốn huy động ước đạt trên 216 nghìn tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ cho vay ước đạt hơn 130 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7%...
Mặc dù cũng trong thời gian này, thành phố có 8 chỉ tiêu giảm như: thu ngân sách trên địa bàn; sản lượng hàng hóa qua cảng; khách du lịch quốc tế… Nhưng như đã nói ở trên, kết quả này thực sự ấn tượng, khi những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường lớn nhất của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, đang chìm trong khủng hoảng.
Cho đến giờ phút này, có thể tự hào mà khẳng định, Hải Phòng đã đạt được những thành công bước đầu hết sức tích cực. Như nhận định của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Hải Phòng là vùng cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cao về nguy cơ dịch bệnh, mà còn chịu tác động vô cùng to lớn về kinh tế, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
Phân tích từng chỉ tiêu phát triển, mới thấy rõ được những nỗ lực vượt bậc mà Hải Phòng đã đạt được trong thời gian qua. Trước hết nói về phát triển công nghiêp, khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ Trung Quốc, ngay lập tức ảnh hưởng tới các ngành sản xuất chủ đạo của Việt Nam, bởi nước bạn là nơi cung ứng tới 80% nguồn nguyên vật liệu và linh kiện phục vụ cho sản xuất của nước ta.
Nhưng với tính chủ động trong dự báo trước đó, cũng như sự vào cuộc kịp thời của thành phố trong hoạt động tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dù có một số phân ngành bị giảm sút, nhưng nhìn chung công nghiệp Hải Phòng vẫn duy trì sản xuất tốt. Kết thúc quý 1, chỉ số tăng trưởng của công nghiệp thành phố đạt 23%, là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của toàn ngành, với vai trò là nền tảng trụ cột, mũi nhọn của nền kinh tế thành phố.
Một chỉ số ấn tượng nữa đến từ hoạt động xuất khẩu, vốn dĩ được đánh giá phải chịu áp lực lớn nhất trong đợt dịch này. Tại Hải Phòng, hiện có khoảng hơn 700 dự án vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn là sản xuất, gia công hàng hóa, chiếm tỷ lệ áp đảo trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Sản xuất ô tô tại Tổ hợp công nghiệp Vinfast (Cát Hải)
Trong những tháng đầu năm, Hải Phòng là địa phương duy nhất giữ được nhịp độ tăng trưởng trong 7 địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Cụ thể trong tháng 3-2020 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,346 tỷ USD, tăng 15,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực vốn FDI vẫn là chủ lực với 1,197 triệu USD.
Tính chung cả quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt trên 4.000 tỷ USD, tăng 15,62%, với sự góp mặt của khu vực FDI tới 3,48 tỷ USD. Trong khi đó, dù thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu cua thành phố vẫn đạt mức 4,263 tỷ USD, chỉ giảm 0,66% só với cùng kỳ năm trước.
Theo một góc nhìn kinh tế khác, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cũng như các biện pháp phòng dịch trên diện rộng để bảo vệ sức khỏe con người, cũng chính là yếu tố hạn chế khả năng hoạt động của nguồn nhân lực. Nghĩa là trong dòng chảy thương mại, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa.
Hiện hầu hết các tuyến vận chuyển đều bị hạn chế, bao gồm cả đường biển, đường hàng không và đường sắt, khi nhiều quốc gia đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ thời gian qua, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, không chỉ yếu tố hàng hóa, mà trong hoạt động giao thương, quá trình đi lại của các thương nhân, chuyên gia, người lao động để giao dịch giữa các nước để hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết và thực hiện các hợp đồng cũng gặp khó.
Điều đó càng làm rõ hơn ý chí quyết tâm cũng như thành quả Hải Phòng đạt được trong thời gian qua, khi kiên trì trụ vững trước ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh Covid-29. Chỉ tính trong số những thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương duy nhất cho đến lúc này không những chưa xuất hiện ca bệnh, mà còn duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức cao.
Đây là yếu tố hết sức quan trọng, để thành phố tự tin hơn với những mục tiêu đã đề ra, dù dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới.
(Còn nữa)
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết