10:08 08/10/2020 Như đã nói ở kỳ trước, những năm qua Hải Phòng đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như đúc rút kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trong quá khứ, thành phố đang thể hiện quyết tâm cho mục tiêu bền vững hơn.
Dịch vụ sau cảng cần tiếp tục mở rộng đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ.
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Chú ý giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo, để Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển”.
Nghĩa là mục tiêu đầu tư dịch vụ sẽ được ưu tiên phát triển, thay thế cho một giai đoạn chọn hướng phát triển dàn trải, chụp giật, giá trị gia tăng thấp và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều quan điểm cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất đối với Hải Phòng vẫn là dịch vụ cảng, được coi như trung tâm phát triển mà các phân ngành khác là cơ sở vệ tinh.
Mặc dù có những bứt phá mạnh mẽ, nhưng trong thời gian khai thác hết tầm công suất, do kết cấu hạ tầng cũ nên hệ thống cảng truyền thống của Hải Phòng đã bộc lộ nhiều bất cập. Điều này cũng đã được chỉ rõ trong quá trình lấy ý kiến tham gia Dự thảo văn kiện Đại hội 16 Đảng bộ thành phố vừa qua: Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tại các cảng biển chưa có tính chuyên nghiệp cao, thiếu hợp tác đồng bộ, chưa có doanh nghiệp đủ năng lực điều hành toàn bộ quy trình logistics.
Một mũi nhọn đột phá khác được thành phố khai thông rõ nét kể từ khi thực hiện Nghị quyết đại hội 15, đó là phát triển hạ tầng du lịch biển. Có thể thấy, trong một giai đoạn khá dài chúng ta mới chỉ dừng ở mức khai thác tiềm năng sẵn có, nhưng bên cạnh những lợi ích ngắn hạn, sức ép khai thác của du lịch đã làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị tự nhiên.
Gần đây, những vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học biển được thành phố quan tâm nhiều hơn. Với việc xác định rõ tính cơ yếu hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thay cho việc tận dụng khai thác, Hải Phòng đã làm mới bằng việc bổ sung làm giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.
Tuy nhiên, đánh giá trong một báo cáo của thành phố mới đây cho thấy, một số dự án phát triển du lịch sinh thái còn chậm triển khai, cơ sở lưu trú thứ hạng cao còn thiếu, dịch vụ phụ trợ chưa phòng phú… đặc biệt du lịch biển vẫn bị hạn chế khi khai thác theo tính mùa vụ.
Cũng liên quan đến phát triển dịch vụ biển, Hải Phòng tự hào là địa phương có huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật biển phong phú. Giá trị càng được khẳng định khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2630/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 về thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ.
Cùng với đó, thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư khá lớn cho huyện đảo, nhằm cụ thể hóa mục tiêu để Bạch Long Vỹ trở thành một tụ điểm du lịch, đồng thời là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ. Mặc dù vậy, những mục tiêu đặt ra cho Bạch Long Vỹ vẫn nằm trong giai đoạn lộ trình, chưa thực sự được đưa vào khai thác.
Huyện đảo Bạch Long Vỹ được định hướng phát triển thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá
Điều quan trọng nữa là, phát triển kinh tế biển của Hải Phòng ảnh hưởng rất nhiều từ sự tác động của việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong những năm vừa qua, có thể khẳng định tốc độ phát triển hạ tầng giao thông Hải Phòng đứng đầu cả nước.
Bên cạnh việc khánh thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hệ thống cầu – đường Tân Vũ, thành phố đã triển khai dự án đường bộ ven biển, Hải Phòng trở thành đầu mối của đường bộ ven biển hiện đại, kết nối từ tuyến địa đầu Móng Cái tới tận các tỉnh phía Nam, đồng thời ngược lên hành lang kinh tế phía Bắc tới tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Chưa kể hệ thống 30 cây cầu cầu vượt sông, vượt cạn được đầu tư mới trong 5 năm trở lại đây, đã góp phần hình thành tuyến lưu thông hoàn hảo cho thành phố. Vấn đề đặt ra là Hải Phòng sẽ khai thác hạ tầng này như thế nào, nếu hiệu quả cao thì không phải bàn cãi, nhưng ngược lại sẽ bất cập, bởi nguồn đầu tư cho giao thông không phải là chuyên nhỏ.
Thành phố cũng đã xác định, thách thức đặt ra đối với Hải Phòng trong việc quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển và hải đảo. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển; phát huy toàn diện mọi tiềm năng, lợi thế từ biển gắn với việc bảo tồn biển và đa dạng sinh học.
Vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm nhiều hơn, nhưng bản thân việc quy hoạch hiện vẫn còn lúng túng, mâu thuẫn và manh mún giữa các dự án đan xen công nghiệp – dịch vụ - du lịch - thủy lợi – nông nghiệp – thủy sản – văn hóa xã hội...
Mặt khác mang nhiều tính chủ quan, với độ mở lớn và hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế trong tiến trình toàn cầu hóa, Hải Phòng chịu tác động lớn từ những diễn biến bên ngoài.
Cho thấy, từ thực tiễn quá trình thực hiện về chiến lược biển, Hải Phòng cần tiếp tục làm rõ hơn lý luận về quản lý tổng hợp biển, đảo, trong công tác quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, trong đó quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải xét đến toàn bộ diện tích tự nhiên, bao gồm cả phần biển, các quy hoạch không gian biển và kinh tế biển.
Rõ ràng, với những gì đã và đang hiện hữu, phát triển kinh tế Hải Phòng chính là phát triển kinh tế biển, đồng nghĩa hành trình phát triển kinh tế Hải Phòng cũng là thực hiện lộ trình vươn ra biển lớn.
Hy vọng tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, những định hướng lớn sẽ tiếp tục đưa Hải Phòng bứt phá, xứng đáng không chỉ là trung tâm kinh tế biển của Việt Nam, mà còn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu phát triển đã được đề ra tại Nghị quyết 45-NQ/TW.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết