09:22 31/10/2019 Phát triển kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, lần đầu tiên BCH TƯ Đảng kháo IX có Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể với mục tiêu đến năm 2010 đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế. Tuy vậy, sau 15 thực hiện thì kết quả cũng còn khá khiêm tốn và đòi hỏi các cấp ngành, địa phương phải quyết tâm hơn nữa để tạo dựng lòng tin đối với thành phần kinh tế này.
Kỳ 1: Kết quả còn khiêm tốn
Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết của 63 tỉnh, thành phố, tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 HTX, trong đó có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 8.513 HTX (khoảng 59%) so với năm 2003, trong khi số thành viên HTX giảm 358.246 người (khoảng 5,6%) so với năm 2003.
Trong giai đoạn 2003-2018, số lượng HTX thành lập mới là 20.841 HTX, giải thể 11.473 HTX. So sánh với giai đoạn 2002-2012 thì số HTX thành lập mới là 9.650 HTX, giải thể 5.500 HTX; giai đoạn 2013-2018 thành lập mới 11.191 HTX, giải thể 5.973 HTX.
Có thể thấy, trong 5 năm trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nếu như ở năm 2003 chỉ có 969 HTX thành lập mới thì đến 2018 cả nước đã có 2.521 HTX thành lập mới (tăng gấp 2,6 lần so với năm 2003). Số HTX thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này thể hiện tính ưu việt của Luật HTX năm 2012 so với Luật HTX năm 2003, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của HTX trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù khó khăn nhưng hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2018 tăng lên so với thời điểm năm 2003. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng/HTX, tăng 3.622,7 triệu đồng (gấp khoảng 4,2 lần) so với năm 2003, trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 698,6 triệu đồng/năm năm 2003 lên 3.280,7 triệu đồng/năm năm 2018, tăng 2.582,1 triệu đồng (gấp khoảng 3,7 lần) so với năm 2003; chiếm khoảng 73% trong doanh thu bình quân của 1 HTX.
Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/HTX/năm 2018 (tăng 166,5 triệu đồng/HTX/năm, khoảng 225%). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng được tăng lên từ 15,7 triệu đồng/năm 2003 lên 36,6 triệu đồng/năm 2018 (tăng 20,9 triệu đồng, khoảng 133%).
Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động trong HTX được tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên, góp phần xóa đỏi, giảm nghèo tại cộng đồng. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX.
Cũng theo Tổng Cục thống kê thì hàng năm, kinh tế tập thể đóng góp khoảng 4% vào GDP của cả nước, trong khi đó con số này ở các nước khác từ 18 đến 25% và có xu thế càng cao ở những nước phát triển. Như vậy, ở Việt Nam con số trên là chưa tương xứng?!
Qua khảo sát, Hải Phòng nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng và số lượng HTX tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng khá lớn, chiếm khoảng 26,8% tổng số HTX cả nước. Các HTX mới thành lập hoặc sau khi chuyển đổi đã phát triển khá phong phú, đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ, đặc biệt là trong dịch vụ nông nghiệp, du lịch, thương mại, giao thông vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đặc biệt là các HTX có liên kết với doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình sản xuất công nghệ cao, sạch, an toàn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập như: HTX Hoàng Long (Hà Nội), HTX nông nghiệp Tam Hưng (Hà Nội), HTX rau an toàn Vân Hội xanh (Vĩnh Phúc), HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Hải Dương), HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng, Thủy Nguyên (Hải Phòng)...
Cũng tính đến hết năm 2018, Hải Phòng có hơn 2.500 tổ hợp tác và 338 HTX đang hoạt động với doanh thu bình quân là 4.500 triệu đồng/HTX, tăng 416,67% so với năm 2003.Trong hai năm trở lại đây, tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố ngày càng tăng, trong đó năm 2018 tăng 20,2% so với năm 2017.
Thẳng thắn nhìn nhận, các HTX có vai trò quan trọng, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn trong thời kỳ CNH-HĐH của thành phố. Thành phố có 139 xã và hai huyện đang cán đích xây dựng nông thôn mới không thể không kể đến những đóng góp của HTX dịch vụ nông nghiệp với hơn 30.000 thành viên là các hộ nông dân.
Cùng với các HTX nông nghiệp thì trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện nhiều mô hình mới như vệ sinh môi trường, dịch vụ điện, nước, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tín dụng nội bộ, vận tải đường bộ… đóng góp đáng kể phát triển KTXH nhất là vùng ven đô và khu vực nông thôn. Đơn cử như HTX NTTS Mắt Rồng, Thiên Hương, Thành Vinh, Hưng Đạo, Minh Đức, Hợp Đức, Thành Đạt, Thái Sơn…
Mô hình trồng rau chất lượng cao tại HTX Liên Khê, Thủy Nguyên
Kỳ 2: Mục tiêu và thách thức lớn
Mặc dù cố gắng là vậy, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong giai đoạn 15 năm (2003-2018), vẫn còn tình trạng các HTX ngưng hoạt động, chưa giải thể do còn nợ đọng không giải quyết được. Giai đoạn 2003-2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã xóa nợ khoảng 568,4 tỷ đồng cho khu vực HTX, trong đó xóa nợ 168,4 tỷ đồng cho HTX nông nghiệp, từ đó góp phần lành mạnh hóa tài chính, tạo điều kiện giúp HTX hoạt động tốt hơn.
Tính đến cuối năm 2018, có gần 3.200 HTX ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ số tiền thuế nợ đọng và không có khả năng thu hồi gần 319 tỷ đồng.
Luật HTX năm 2003, năm 2012và các văn bản hướng dẫn quy định cácchính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng; một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm…; hạn chế về nguồn kinh phí, nhất là chưa bố trí được nguồn vốn riêng hỗ trợ cho HTX phát triển; một số cơ chế, chính sách ban hành chưa sát với tình hình thực tế nên chưa đi vào cuộc sống, nhất là, đối với các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách thì việc Trung ương ban hành chính sách nhưng giao cho địa phương cân đối nguồn lực sẽ rất khó thực hiện…do đó số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn hạn chế.
Đặc biệt tại hội nghị tổng kết 15 năm vừa qua đã chỉ rõ: Kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã chỉ ra, song đến nay vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, tỷ lệ đóng góp vào GDP không cải thiện, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Kinh tế tập thể phát triển chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được tiềm năng của HTX, chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Việcphổ biến, nhân rộng mô hình HTXhoạt động hiệu quả chưa đượctriển khai rộng rãigiúpcho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.
Nguyên nhân chủ quan phải kể đến là tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đông đảo tầng lớp nhân dân, phương thức sản xuất tự do, nhỏ lẻ, trong khi HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của HTX, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức.
Chưa hết, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu và thiếu nguồn lực từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vốn hoạt động; trình độ nhận thức, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa được đào tạo bài bản;sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao…
Được biết, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 130.000 tổ hợp tác, 30.000 HTX, 100 Liên hiệp HTX; số HTX hoạt động hiệu quả đạt 70% trong tổng số HTX cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt hơn 20% trở lên. Hỗ trợ phấn đấu có khoảng 20.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Có thể nói mục tiêu trên là thách thức không nhỏ nếu không có sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương. Vấn đề mấu chốt mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại hội nghị tổng kết 15 nă thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế tập thể, đó là: đất đai-tiếp cận vốn-áp dụng khoa học công nghệ-liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cán bộ.
Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp giao Liên minh HTX cùng với Bộ KH&ĐT rà soát, nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc và đề xuất những chính sách, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng phát triển.
Cụ thể là rà soát các nội dung của Luật HTX năm 2012 và văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Trong lĩnh vực đất đai, bên cạnh những quy định chung, cần có chính sách linh hoạt đối với trình tự, thủ tục xin thuê đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, phối hợp tư vấn, hướng dẫn và giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai của các HTX.
Về nguồn vốn, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương còn hạn chế, chỉ có 400 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn hàng năm của các HTX lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và thủ tục vay vốn theo quy định còn chặt chẽ, phức tạp thì cần thiết phải có chính sách giảm mặt bằng lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay tại các tổ chức tín dụng đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng.
Bộ NN&PTNT, Công Thươngcó nhiều hoạt động khuyến nông, khuyến công hỗ trợ các HTX Nông nghiệp, Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp về ứng dụng giống cây, con có năng suất, chất lượng cao, người tiêu dùng ưa thích; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất sản phẩm mới, đào tạo nghề, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu...
Kim Oanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết