19:32 27/11/2014
Từ hiệu quả của tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, đầu tháng 10-2014, Bộ GTVT đã quyết định mở thêm 2 tuyến vận tải ven biển: Quảng Bình - Bình Thuận và Bình Thuận - Kiên Giang, cho phép các tàu pha sông biển vận chuyển qua lại giữa các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển thuộc các địa phương, tạo thành tuyến vận tải ven biển thông suốt chiều dài đất nước từ Quảng Ninh - Hải Phòng - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh đến Kiên Giang. Phát triển kinh tế biển Đặc thù của các tuyến mới này đều có phạm vi hoạt động cách bờ dưới 12 hải lý, dành cho phương tiện thủy nội địa mang cấp SB (sông pha biển), tải trọng từ 1.000 - 5.000 tấn, tàu có mớn nước thấp, có thể lấy hàng ở các cảng nằm sâu trong nội địa, vận chuyển cả 2 chiều. Cụ thể, tuyến từ Quảng Bình - Bình Thuận có chiều dài bờ biển 858km thuộc 10 tỉnh, thành phố (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), đi qua 37 cửa sông lớn nhỏ rất thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động lưu thông sâu vào đất liền vận chuyển hàng hóa hai chiều với khối lượng lớn đến các tỉnh ven biển để phục vụ cho các nhà máy và khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Trên tuyến vận tải ven biển Quảng Bình - Bình Thuận, nhu cầu vận chuyển hàng hóa như xăng dầu, clinker, phân bón, gỗ, sắt thép… trên địa bàn TP Đà Nẵng “nóng” hơn, tổng khối lượng dự tính lên tới trên 400.000 tấn/năm. Đáng nói, các mặt hàng này chủ yếu được vận chuyển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và ngược lại. Theo nhận định, khi mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình - Bình Thuận, sản lượng vận chuyển từ khu vực cảng Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh đến Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam sẽ được nhân đôi. Tuyến từ Bình Thuận - Kiên Giang có chiều dài bờ biển 700km đi qua 10 tỉnh, thành phố phía cực Nam của tổ quốc (Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Tuyến này có vị thế trọng yếu hơn vì nó chiếm 23% chiều dài bờ biển của cả nước, đi qua 25 cửa sông lớn nhỏ, thông thương với 28.600km sông kênh rạch (trong đó có khoảng 13.000km có khả năng khai thác vận tải) rất thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông sâu vào đất liền, vận chuyển hàng hóa hai chiều với khối lượng lớn đến các tỉnh ven biển để phục vụ cho các nhà máy và khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, chỉ tính riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt khoảng 51,5 triệu tấn. Trong đó, yêu cầu cấp thiết nhất là việc vận chuyển hơn 2,1 triệu tấn vật tư, cấu kiện bê-tông, cung ứng cho dự án thi công luồng tàu biển vào sông Hậu và các công trình phụ trợ tại các bãi ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Bình Thuận, nhu cầu vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ xây dựng Nhà máy Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và các công trình bến cảng chuyên dùng Vĩnh Tân cũng rất lớn. Việc mở tuyến vận tải ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang để giảm tải cho đường bộ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Phát triển mạng lưới giao thông Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công: Việc mở các tuyến vận tải sông pha biển phù hợp với quy hoạch mạng lưới phát triển giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế mạnh của tuyến vận tải này có khả năng đảm nhiệm vận chuyển khối lượng hàng hoá lớn với giá cước thấp và thời gian vận chuyển ngắn, chủ hàng chấp nhận. Vì theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (từ báo cáo của các DN vận tải), cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một công-ten -nơ 20 feet vào khoảng 10 - 12 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18 - 20 triệu đồng.
Trong khi vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng - Thanh Hóa chỉ mất 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh thì cao hơn khoảng từ 3 triệu - 3,2 triệu đồng. Về thời gian vận chuyển Hải Phòng - Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ; còn nếu đi bằng đường thủy mất khoảng 10 giờ. Vấn đề đặt ra trước mắt đó là nghiên cứu, áp dụng biện pháp nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến vận tải ven biển trên toàn quốc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực, hiệu quả và kết hợp hài hoà các phương tiện vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành vận tải và qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tổ quốc. Đoàn Lanh |
23:14 20/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết