20:18 05/12/2024 Sáng 5-12, kỳ họp thứ 21, HĐND thành phố khoá 16 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì. Cùng dự có Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Gia Khánh trả lời chất vấn.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức cao
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Lan Anh (tổ đại biểu huyện Vĩnh Bảo) về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GRDP, hướng tới sự tăng trưởng bền vững của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, giai đoạn 2020-2025, tính bình quân, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt khoảng 11,56%. Như vậy, chưa đạt mức kỳ vọng của NQ45 và nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố.
Giai đoạn tới, Hải Phòng đang quyết tâm thực hiện kịch bản tăng trưởng cao, với mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 16%. Đây là mục tiêu rất cao, rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, Hải Phòng sẽ tiếp tục phấn đấu. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, Hải Phòng sẽ tập trung vào các giải pháp như tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn ngoài ngân sách; tập trung phát triển sản xuất công nghiệp; đôn đốc thực hiện các dự án lớn; hạn chế chi thường xuyên, tăng chi đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông để mở rộng không gian kinh tế và không gian đô thị; mời gọi các dự án đầu tư theo phương thức BOT, BT…
Về tỷ lệ chi đầu tư công chưa đạt mức 60% chi ngân sách theo nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là cân đối giữa chi thường xuyên và chi đầu tư; tỷ lệ chi cho an sinh xã hội tăng cao qua các năm; do nguồn thu chưa đạt kỳ vọng…
Vì thế, thành phố tiếp tục có các giải pháp quyết liệt hơn để đạt mục tiêu chi đầu tư công như nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đề ra.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoàng Phương (tổ đại biểu huyện An Lão) về sự chậm trễ trong thực hiện các dự án như cầu Nguyễn Trãi, đường vành đai 2, đường nối quốc lộ 5 với quôc lộ 10…, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh do nhiều yếu tố. Trong đó có việc thủ tục thực hiện các dự án khá lâu, như dự án cầu Nguyễn Trãi mất gần 2 năm làm thủ tục. Ngoài ra còn do nguồn lực.
Tuy nhiên, hiện nay, các dự án đang được đẩy nhanh, dự kiến cầu Nguyễn Trãi và đường vành đai 2 được khởi công trong năm 2025. Dự án đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10 sẽ đưa vào giai đoạn 2026-2030.
Bảo đảm giao thông kết nối với Cảng Lạch Huyện
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hồng Minh (tổ đại biểu quận Hải An) về nguy cơ ách tắc giao thông ra cảng Lạch Huyện, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết: thành phố đang thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ- Lạch Huyện 2, đồng thời mở rộng đường dẫn hai bên cầu. Dự án đang được đề xuất vay vốn ODA Hàn Quốc thực hiện, phấn đấu khởi công cuối năm 2025, đầu năm 2026.
Ngoài ra, Trung ương và thành phố đang ráo riết thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai nối với cảng Lạch Huyện; phát triển hệ thống giao thông thủy; đường bộ… Từ đó sẽ góp phần giải quyết tình trạng ách tắc nêu trên.
Cuối năm 2025 khởi công nhà máy đốt rác phát điện
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hồng Minh (tổ đại biểu quận Hải An) về tiến độ Nhà máy đốt rác phát điện Đình Vũ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết chủ yếu là do vướng các quy hoạch và Bộ Tài nguyên Môi trường chưa phê duyệt khung giá xử lý rác. Tuy nhiên, thành phố đang rất nỗ lực, dự kiến khởi công cuối năm 2025 và đưa vào hoạt động năm 2027.
Bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Tịnh (tổ đại biểu quận Dương Kinh) về bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rất rõ. Theo đó, các giấy tờ của doanh nghiệp, người dân sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng.
Nhà nước sẽ có trách nhiệm điều chỉnh, cấp đổi, cấp lại và không thu phí. UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện NQ 35, có sự phân công phân nhiệm cụ thể để bảo đảm sự thống suốt trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Đối với CBCC cấp xã nghỉ hưu trước tuổi do dôi dư sau khi sắp xếp, thành phố sẽ bảo đảm đầy đủ quyền lợi, chế độ theo quy định.
Tiếp tục quan tâm phát triển du lịch
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Quang Hiển (tổ đại biểu huyện Cát Hải) về du lịch phát triển chưa tương xứng tiềm năng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố rất nỗ lực kêu gọi đầu tư, tự đầu tư và có nhiều giải pháp quyết liệt nên đến nay, vị thế du lịch của Hải Phòng nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế chưa tương xứng.
Trong giai đoạn tới, thành phố tiếp tục quan tâm để phát triển nhanh ngành công nghiệp không khói này, góp phần đắc lực tăng trưởng GRDP và thực hiện các mục tiêu phát triển.
Khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết tuyến đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông
Đại biểu Nguyễn Anh Tuân (tổ đại biểu quận Hải An) chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuyến đường 100m Lạch Tray- Hồ Đông quá chậm, đến nay chưa xong trong khi yêu cầu hoàn thành trong tháng 11-2024. Việc này có ảnh hưởng lớn tới đầu tư dự án mới thay thế dự án đường 100m đã kéo dài hàng chục năm không triển khai, gây hệ lụy lớn tới phát triển đô thị và cuộc sống người dân.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho biết, quy hoạch tuyến đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông có liên quan đến 3 Đồ án Quy hoạch phân khu cần điều chỉnh, gồm: Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quận Ngô Quyền đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quận Hải An đến năm 2040.
Theo đó, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi đã được Sở Xây dựng thẩm định, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì cùng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan nghe Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch báo cáo. Hiện nay, Đồ án đang được hoàn thiện để trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, dự kiến phê duyệt trong tháng 12/2024.
Hiện đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quận Ngô Quyền đến năm 2040 đang được Hội đồng thẩm định quy hoạch nghiên cứu, cho ý kiến, trình phê duyệt trong tháng 12/2024 (dự kiến phê duyệt tháng 01/2025); Đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quận Hải An đến năm 2040 đang được UBND quận Hải An tổ chức nghiên cứu, dự kiến trình Sở Xây dựng thẩm định trong quý 1/2025.
Theo các Đồ án điều chỉnh trên thì tuyến đường Lạch Tray - Hồ Đông được quy hoạch lộ giới 35m. Các quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để UBND quận Ngô Quyền và Hải An thực hiện các thủ tục về cấp phép xây dựng, đất đai đảm bảo quyền lợi cho nhân dân tại khu vực trên theo quy định.
Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập nêu rõ, nội dung này đã được chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp HĐND thành phố và đã có giải pháp. Tuy nhiên, việc giải quyết các vướng mắc của dự án còn chậm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Do đó cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chi tiết để bảo đảm quyền lợi cho người dân, phấn đấu hoàn thành trong quý 1- 2025.
Hoàn thành sửa chữa chung cư trong tháng 12/2024
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Kính (tổ đại biểu quận Ngô Quyền) về chậm sửa chữa các khu chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng và Công ty quản lý kinh doanh nhà.
Tuy nhiên cũng có lý do chính là kinh phí dành cho duy tu bảo dưỡng hàng năm quá thấp; các khu chung cư mới: Kênh Dương, Khúc Thừa Dụ, Cát Bi (cử tri có ý kiến) được xây dựng giai đoạn 2011 - 2017, qua nhiều năm sử dụng, không được sửa chữa bảo trì thường xuyên nên xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng .
Hiện Sở Xây dựng đang thực hiện sửa chữa cho 9 khu chung cư mới trên địa bàn thành phố từ ngày 19/11/2024, trong đó có 3 chung cư nêu trên. Các hạng mục gồm: sửa chữa hư hỏng nền, thiết bị vệ sinh, hệ thống cấp, thoát nước, ga rãnh ngoài nhà, máy bơm nước, điều hoà, trạm điện cho 9 chung cư; sửa chữa thang máy cho 5 khu chung cư có thang máy; đang lắp đặt thay thế 2 thang máy cho chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm. Dự kiến cuối tháng 12/2024 hoàn thành các công việc nêu trên.
Ngoài ra Sở Xây dựng còn thực hiện sửa chữa hệ thống PCCC, xây tường ngăn cháy tại tầng 1 cho khu để xe, khu sạc xe đạp điện cho 9 chung cư. Dự kiến trong quý 1 năm 2025 sẽ hoàn thành.
Đối với các căn trống phục vụ tạm cư: năm 2024, Sở Xây dựng đã khảo sát xác định chất lượng và lập phương án sửa chữa cho 544 căn trống tại các chung cư mới (sửa chữa điện, nước, cửa, nền…). Hiện đang thực hiện các thủ tục thiết kế, thi công. Dự kiến thi công hoàn thành trong tháng 12/2024.
Chấm dứt việc chằng chống cây xanh bằng ống thép, gỗ đóng lên vỉa hè
Đại biểu Nguyễn Hoàng Minh (tổ đại biểu quận Đồ Sơn) phản ánh, hiện nay trên địa bàn thành phố có tình trạng chằng chống cây xanh đô thị sử dụng các ống thép, gỗ đóng lên vỉa hè, chìa xuống lòng đường vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, không còn lối đi cho người đi bộ.
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Giao thông Vận tải được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư cải tạo vỉa hè các tuyến đường trung tâm thành phố. Trong quá trình cải tạo hè sẽ gây ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển ổn định của cây và có nguy cơ làm cây bị gãy đổ gây mất an toàn. Vì vậy giải pháp chằng chống cây xanh để đảm bảo khả năng sinh trưởng và an toàn là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải đã cùng Công ty Cổ phần Công viên cây xanh Hải Phòng và các đơn vị liên quan rà soát lại hệ thống cây xanh được chằng chống và nhận thấy cơ bản các cây đã được chằng chống chắc chắn, tuy nhiên một số cây có hiện tượng chống xuống vỉa hè, lòng đường quá sâu, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Vì vậy Sở đã yêu cầu Ban quản lý dự án, đơn vị thi công điều chỉnh lại hệ thống chằng chống cho phù hợp hơn (vừa chắc chắn nhưng phải đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông).
Trả lời bổ sung, Giám đốc Sở GTVT Vũ Duy Tùng cho biết, hiện đang cải tạo sửa chữa 18 vỉa hè, liên quan tới hơn 1600 cây xanh. Trong đó có khoảng 100 cây phải chằng chống để bảo đảm an toàn. Ngay sau khi thi công xong các vỉa hè, sẽ hoàn trả lại và không phải chằng chống nữa.
Khẩn trương nâng cấp hệ thống đê điều, cống dưới đê xuống cấp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Xuân Cải (tổ đại biểu huyện An Dương) về hệ thống đê điều, cống dưới đê xuống cấp nghiêm trọng, nhiều năm nay không được cải tạo, đặc biệt sau cơn bão số 3, khả năng phòng chống bão lũ đê điều rất hạn chế, Giám đốc Sở NN và PTNT Đỗ Gia Khánh khẳng định đúng với thực trạng hiện nay.
Theo ông Đỗ Gia Khánh, để khắc phục, giai đoạn từ năm 2021 đến nay đã bố trí khoảng 1.472 tỷ đồng để đầu tư, tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện khoảng 40km đê và xây dựng mới 28 cống dưới đê (trong đó ngân sách Trung ương bố trí 506 tỷ đồng và ngân sách thành phố bố trí 966 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn kinh phí trên còn hạn chế dẫn đến nhiều đoạn đê, cống dưới đê chưa được đầu tư, nâng cấp.
Giai đoạn 2025-2030, toàn hệ thống đê điều thành phố sẽ được đầu tư, tu bổ, nâng cấp hoàn thiện khoảng 154km đê và xây dựng mới 67 cống dưới đê với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.540 tỷ đồng. Giám đốc Sở NN và PTNT hy vọng với sự quan tâm đầu tư như trên, sẽ cải thiện được tình hình.
Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện thi công xây dựng, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng việc cải tạo nâng cấp các tuyến đê và cống dưới đê xung yếu, kịp thời phục vụ phòng chống thiên tai.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Tường (tổ đại biểu Hồng Bàng- Cát Hải) về công trình thủy lợi xuống cấp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Gia Khánh cho rằng, các công trình thuỷ lợi được xây dựng đã lâu, sau thời gian dài đưa vào vận hành khai thác đã bị xuống cấp, đồng thời số lượng công trình tương đối lớn. Trong khi đó, nguồn kinh phí được bố trí cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình còn hạn chế, một số công trình không thường xuyên được duy tu bảo dưỡng, dẫn đến ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, công trình thủy lợi còn được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương với tổng kinh phí 472,66 tỷ đồng. Để giải quyết tình trạng xuống cấp công trình thủy lợi, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu chủ trương đề xuất dự án đầu tư từ nguồn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 với nhiều dự án, sẽ cơ bản giải quyết tình trạng xuống cấp của hệ thống công trình thủy lợi; khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, phòng chống xâm nhập mặn tại các hệ thống thủy lợi để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập yêu cầu ngành Nông nghiệp và PTNT rà soát, đánh giá đúng thực trạng, sự cần thiết và giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp của các công trình thủy lợi nội đồng, các kênh mương, hệ thống trạm bơm bảo đảm mục tiêu cấp nước an toàn, chất lượng phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp bảo đảm bền vững, an toàn, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn ché tình trạng bỏ ruộng, lãng phí tài nguyên đất hiện nay. Theo đó, năm 2025, hòa thành các hồ sơ, đề án trình thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện giai đoạn 2026- 2030.
Sớm khắc phục tình trạng lở đất đồi núi tại quận Đồ Sơn
Trả lời đại biểu Bùi Hùng Thiện (tổ đại biểu quận Đồ Sơn) về tình trạng sạt lở đất đồi núi trên địa bàn các phường Ngọc Xuyên, Vạn Hương, Hải Sơn thuộc quận Đồ Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Gia Khánh cho biết, ngay sau bão số 3, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, thống kê số hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, không còn nơi cư trú và xác định biện pháp tái định cư đối với các hộ dân theo các hình thức khu, điểm tái định cư tập trung hoặc tái định cư xen ghép trong các khu dân cư có sẵn. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan kiểm kê, rà soát đề xuất thành phố bố trí kinh phí khắc phục thiệt hại sau bão.
Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 04/10/2024, dự kiến nguồn lực ưu tiên dành khắc phục thiệt hại sau bão số 3 là: 1.267,491 tỷ đồng.
UBND thành phố đã phân bổ 140,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó phân bổ cho quận Đồ Sơn là 21,5 tỷ đồng.
Về lâu dài, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá cụ thể tình trạng, nguy cơ các điểm sạt lở, số hộ dân bị ảnh hưởng. Từ đó đề xuất phương án xử lý, khắc phục, bố trí ổn định dân cư đối với các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng. UBND quận Đồ Sơn báo cáo UBND thành phố để lập dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai. Trình tự, thủ tục, nội dung lập dự án theo hướng dẫn tại Thông tư 24/2023/TT-BNN ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Phiên chất vấn thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập ghi nhận, biểu dương kết quả của UBND thành phố và các ngành phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm trong năm 2024. Đồng thời ghi nhận cố gắng, nỗ lực của UBND thành phố, các sở ngành trong việc thực hiện cam kết chất vấn tại các kỳ họp trước. Qua báo cáo, về cơ bản, những vấn đề đã cam kết đã được triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực. Đồng chí đề nghị UBND thành phố, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện những cam kết chưa hoàn thành; khắc phục hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo hoàn thành toàn bộ những nội dung đã cam kết trước HĐND.
Theo đồng chí Phạm Văn Lập, tại phiên chất vấn, các vị đại biểu HĐND thành phố đã thể hiện rất sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri thành phố, truyền tải đến nghị trường HĐND thành phố nhiều nội dung quan trọng được nhiều cử tri quan tâm. Khi chất vấn các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và các đồng chí Giám đốc Sở nắm chắc vấn đề, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, trả lời tập trung, không né tránh, thẳng thắn nhìn nhận về những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng nội dung được chất vấn. Phần trả lời chất vấn đã thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao, cũng như quyết tâm của các thành viên UBND thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành giải quyết những khó khăn, hạn chế hiện nay.
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, kết luận của từng vấn đề cụ thể, HĐND sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn, làm cơ sở cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy định. HĐND thành phố đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc các sở ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu; khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm; tiến độ khắc phục các bất cập, hạn chế; thực hiện nghiêm túc các cam kết tại kỳ họp./.
Hồng Thanh
13:56 26/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế