10:14 22/05/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày 22-5-2023, được chia thành 2 đợt theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6; đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 23-6). Như vậy, thời gian họp chỉ có 22 ngày nhưng Quốc hội sẽ xem xét, thông qua, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước với một khối lượng công việc rất lớn. Theo dõi các công việc chuẩn bị kỳ họp và qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng: kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, hứa hẹn rất sôi động, hấp dẫn, hiệu quả, được cử tri, nhân dân Hải Phòng và cả nước đặc biệt quan tâm.
Đặt lên bàn nghị sự những vấn đề cấp thiết từ cuộc sống
Theo dự kiến nội dung kỳ họp, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật khác. Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ thường kỳ của Quốc hội tại tất cả các kỳ họp, nhưng tại kỳ họp thứ 5, dư luận cử tri và nhân dân cả nước lại đặc biệt quan tâm và hồi hộp đón đợi. Bởi lẽ, tại kỳ họp này, nhiều dự án luật được coi là rất cấp thiết, rất quan trọng, được mong chờ từ rất lâu sẽ được đưa ra xem xét, thông qua, cho ý kiến.
Anh Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc doanh nghiệp tại quận Lê Chân cho biết: thực tế cuộc sống đang đòi hỏi rất nhiều về một thể chế chính sách pháp luật đầy đủ, đồng bộ, chính xác, phù hợp mới có thể giải quyết được vô vàn những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà doanh nghiệp, người dân, thậm chí cả các cấp chính quyền đang phải đối mặt. Việc xem xét, thông qua các dự án luật thường được cho là khô khan nhưng theo anh Nguyễn Đại Thắng, chương trình xây dựng pháp luật tại kỳ họp này sẽ đặc biệt sôi động, hấp dẫn.
Cá nhân anh Thắng, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng anh sẽ dành thời gian theo dõi quá trình thảo luận, quyết định, cho ý kiến của Quốc hội, nhất là đối với những dự án luật mà anh đặc biệt quan tâm như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thấu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)… Anh Nguyễn Đại Thắng cho rằng, Quốc hội khóa 15 đã thực sự đổi mới, lắng nghe những đòi hỏi từ thực tế cuộc sống và đưa vào nghị trường một cách rất linh hoạt, vấn đề nào cấp bách làm trước. Đây là điều mà người dân và cử tri luôn đón đợi, mong chờ và Quốc hội khóa 15 đã làm được điều đó.
Điểm đáng chú ý nữa là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua, cho ý kiến đối với một số dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Đó là các dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn Cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong số các dự án luật này, có một số dự án đã được đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp từ trước, nhưng có dự án như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mới được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và xem xét tại kỳ họp thứ 5 cho thấy tính cấp bách, cần thiết của các dự án luật, đồng thời cũng phản ánh rõ chất lượng xây dựng, soạn thảo các dự án Luật của Bộ Công an, đủ điều kiện để trình Quốc hội.
Cũng xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống nên tại kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung quan trọng khác cũng được bổ sung vào chương trình như Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về giảm thuế giá trị gia tăng; việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như tình hình phát triển KTXH năm 2023 trong bối cảnh có muôn vàn khó khăn, thách thức; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án.
Theo dự kiến kỳ họp, Quốc hội sẽ dành thời gian ngay đầu kỳ họp để làm công tác nhân sự. Các hoạt động giám sát được triển khai bảo đảm quy định, thời gian, trong đó nội dung chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong thời gian 2,5 ngày. Nhiều phiên họp của Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, tương tác. Công tác thông tin, tuyên truyền cho kỳ họp được đặc biệt quan tâm. Văn phòng Quốc hội ban hành Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền đậm nét về kỳ họp.
Thể hiện rõ tinh thần Quốc hội đổi mới, hiệu lực, hiệu quả
Tiếp xúc đại biểu cử tri thành phố Hải Phòng trước kỳ họp thứ 5, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng dân chủ, tăng tính pháp quyền, linh hoạt, sẵn sàng tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách từ thực tiễn. Theo tinh thần đó, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 cũng rất đổi mới, hiệu quả nhờ công tác chuẩn bị bài bản, kỹ càng; thời gian họp rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm tất cả các yêu cầu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoàn thiện thể chế là mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ này. Theo đó, Quốc hội có kế hoạch xây dựng pháp luật cho cả khóa, có thứ tự ưu tiên, có sự linh hoạt để luật nào cấp bách được xem xét sớm. Công tác xây dựng pháp luật cũng rất kỹ lưỡng, theo hướng lắng nghe nhiều hơn. Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi được coi là trọng tâm xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này, đang được xem xét toàn diện, tổng thể trong mối tương quan với các luật khác và đã được đưa ra xin ý kiến nhân dân. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật này và tới kỳ họp thứ 6 nếu đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng sẽ thông qua.
Về phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cả nước đang thực hiện các mục tiêu phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, nhất là những tác động từ đại dịch COVID-19; tình trạng đình đốn và lạm phát; thắt chặt tiền tệ; sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng; khủng hoảng lương thực; khủng hoảng năng lượng…
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, khó khăn thách thức còn rất nhiều. Sự tăng trưởng của cả nước đang chậm lại, quý 1- 2023 chỉ tăng 3,3%. Trong khi Hải Phòng quý 1 có tăng trưởng GRDP gần 10% thì một số đầu tàu như thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%; một số trọng điểm kinh tế tăng trưởng âm hoặc mức giảm khá lớn. 4 tháng đầu năm, xuất khẩu, công nghiệp, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đều giảm; đáng chú ý là số doanh nghiệp rời khỏi thị trường có thời điểm ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn doanh nghiệp mới thành lập…
Tình hình đó đặt cả nước trước những thách thức, áp lực tăng trưởng rất lớn và Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 5 sẽ xem xét, phân tích rất kỹ thuận lợi, khó khăn, đề ra các giải pháp tích cực, hiệu quả và mong muốn Hải Phòng tiếp tục nỗ lực vươn lên, đạt mức tăng trưởng cao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 như Quốc hội đã quyết định.
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết, Đoàn đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng tất cả các nội dung liên quan tới kỳ họp và sẵn sàng cho kỳ họp thứ 5 với tinh thần phấn khởi, nghiêm túc, chất lượng, mang tới kỳ họp những kỳ vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân Hải Phòng.
Công tác chuẩn bị cho kỳ họp của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng có nhiều đổi mới, hiệu quả. Trong công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn tổ chức tiếp xúc tại nhiều địa phương để ghi nhận nhiều ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp; đồng thời tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên ngành như với ngành Ngân hàng, ngành Công an để bảo đảm các nội dung liên quan tới các luật chuyên ngành được sâu sắc, cụ thể, thiết thực.
Về góp ý xây dựng các dự án Luật, Đoàn phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng lấy ý kiến của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng; các doanh nghiệp trong các KCN, KKT; Đoàn Luật sư Hải Phòng và tổ chức nhiều cuộc họp khác về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… Các cuộc họp lấy ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm với nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, xuất phát từ chính thực tiễn và mong muốn Quốc hội xem xét để giải quyết các vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi.
Đồng chí Lã Thanh Tân khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng và các vị đại biểu Quốc hội Hải Phòng rất tâm huyết, phát huy năng lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đại biểu nhân dân, cố gắng cao nhất để đáp ứng được sự kỳ vọng, tin tưởng, gửi gắm của cử tri và nhân dân thành phố. Từ đó, đóng góp tích cực, hiệu quả, chất lượng cao vào tất cả các nội dung tại kỳ họp, góp phần để kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 thành công rực rỡ./.
Hồng Thanh
21:44 24/12/2024
21:20 24/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế