16:35 01/10/2021 Nhận rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngày 27-9-1961 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với việc PCCC. Ngày 4-10-1961, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh ban hành Pháp lệnh trên.
Hình ảnh Mỹ ném bom kho xăng dầu ở miền Bắc năm 1966 (ảnh tư liệu)
Ngày 1-1-1963, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An hợp nhất, phong trào thi đua được phát động sôi nổi khắp nơi, công cuộc kiến thiết thành phố được tiến hành mạnh mẽ, đòi hỏi công tác PCCC phải vươn lên mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Trong tình hình đó, sau cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ” ngày 5-8-964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đội PCCC đã tham mưu, đề xuất ban hành nhiều văn bản về nhiệm vụ PCCC, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng tài sản Nhân dân, vừa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và khắc phục hậu quả phát sinh.
Cùng với việc được tăng cường lực lượng, phương tiện, Đội PCCC đã phối hợp với Công an cơ sở, xây dựng, huấn luyện các tổ PCCC với nòng cốt là lực lượng đội viên dân phòng ở các khu dân cư, với nhiệm vụ kết hợp tuyên truyền vận động và xử lý những vụ việc ngay từ cơ sở.
Thời gian này, do được chuẩn bị tốt về đội ngũ, phương tiện, ý thức sẵn sàng chiến đấu cao nên các lực lượng PCCC đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Đáng kể như vụ ngày lớn tại kho 3 Lạc Viên ngày 23-8-1964.
Đây là kho chứa hàng thủ công mỹ nghệ, được sấy lưu huỳnh để chống mối mọt trước khi xuất khẩu, khi phát cháy đã tạo không khí độc hại. Không quản ngại nguy hiểm, sau 3 giờ chiến đấu dũng cảm, lực lượng chữa cháy đã chiến thắng giặc lửa, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước ở khu vực xung quanh.
Đặc biệt, trong thời gian Mỹ ném bom bắn phá và phong tỏa miền Bắc, lực lượng PCCC đã xuất sắc lập chiến công, trong cả phòng ngừa và chiến đấu. Điển hình như chiến công cứu bãi thủy lôi tại Kha Lâm (Kiến An). Đây là nơi tập trung nhiều thủy lôi thu được từ các nơi chuyển về chờ phân loại, cạnh bãi thủy lôi là kho đạn pháo cao xạ.
Khi lực lượng PCCC đến hiện trường thì lửa đã bén gần bãi thủy lôi, lúc này, tình thế thật nguy hiểm, song với trí thông minh và lòng dũng cảm, được tập luyện thành thục nên lực lượng PCCC đã chiến thắng giặc lửa hung bạo, cứu được bãi thuỷ lôi và phần lớn kho đạn.
Trước sự leo thang của đế quốc Mỹ, cả Hải Phòng khẩn trương sôi động, vừa sẵn sàng chiến đấu vừa phát triển sản xuất. Đội PCCC đã xây dựng các phương án và tiến hành thực tập chữa cháy ở một số cơ sở trọng điểm như: Cảng, Tổng kho xăng dầu Thượng Lý, Nhà máy Xi măng và tổ chức đào hầm trú ẩn, ngụy trang, duy trì đảm bảo đủ quân số và phương tiện, luôn ở tư thế sẵn sàng có lệnh lên đường làm nhiệm vụ.
Thời gian này, Đội PCCC đã kịp thời dập tắt nhiều đám cháy lớn, cứu được tài sản của Nhà nước và của Nhân dân, nhiều vụ rất nguy hiểm, như vụ cháy trận địa tên lửa ở xã An Hồng (An Dương), vụ cháy kho đạn Tân Viên (An Lão), Cam Lộ (An Dương)...
Ngày 29-6-1966, máy bay Mỹ bắn phá Hải Phòng, Tổng kho xăng dầu Thượng Lý bị trúng bom, bốc cháy. Thực hiện phương án đã diễn tập, các bể xăng dầu chưa bị cháy đã được lực lượng PCCC phun nước bảo vệ, đồng thời phun nước chia cắt lửa tại các bể đang cháy. Để bịt các lỗ thủng đang cháy, lực lượng PCCC đã sáng tạo dùng bơm áp lực phun cắt ngọn lửa khỏi vỏ bể rồi dùng các cọc gỗ và vải được chuẩn bị trước lao vào bịt các lỗ thủng.
Mặc cho máy bay địch bắn phá, bom đạn nổ xung quanh, cùng với sự phối hợp giữa các lực lượng khác như Đại đội 2 CAND vũ trang và đội viên dân phòng, tự vệ… lực lượng PCCC đã dập tắt đám cháy, di chuyển các phuy xăng, dầu ra nơi an toàn. Đây là trận thử lửa đầu tiên với giặc Mỹ của lực lượng PCCC cũng như Nhân dân Hải Phòng. Chiến công ngày 29-6-1966 được Bộ Công an đánh giá cao và Nhân dân khen ngợi.
Nhắc đến chiến công của lực lượng PCCC-CATP thời kỳ giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, không thể không nhắc đến chiến tích đã đi vào lịch sử, đó là vụ chữa cháy tàu Alexandr Grin (Liên Xô). Tàu Alexandr Grin có lượng giãn nước 20,5 nghìn tấn, chở hơn 6,5 nghìn tấn hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam, cập cảng Hải Phòng.
Một phần lớn hàng hóa trên tàu là phân đạm (ammonium nitrate), nếu gặp nhiệt độ cao sẽ phân hủy tạo thành một khối thuốc nổ cực lớn, không lường hết hậu quả. Khi Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tới, ngọn lửa đã bốc cao, nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC đã dũng cảm leo lên tàu, hướng vòi rồng phun nước xối xả vào khoang chứa phân đạm đang bị bốc cháy.
Các chiến sĩ Công an Cảng, thủy thủ tàu nước ngoài, thủy thủ Việt Nam và công nhân Cảng cũng kịp thời hỗ trợ, trong điều kiện khói lửa vô cùng độc hại. Đồng chí Nguyễn Đình Thành - tiểu đội trưởng, Đỗ Duyên Thịnh - chiến sĩ Cảnh sát PCCC và 5 sĩ quan thuyền viên Liên Xô cứu tàu bị hơi độc đã anh dũng hy sinh.
Nhiều đồng chí bị nhiễm độc, ngất đi nhưng khi được cấp cứu tỉnh lại đã xông ngay lên tàu chữa cháy, 37 đồng chí khác bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu, trong đó 4 người nhiễm độc rất nặng phải chuyển đi điều trị ở Hà Nội. Nhưng tổn thất đó cũng không ngăn được tinh thần của cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC, với quyết tâm cứu bằng được con tàu của bạn và tài sản Nhà nước.
Công tác chữa cháy thời kỳ giặc Mỹ bắn phá rất nặng nề, nhưng vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với ý chí “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhiều cán bộ, chiến sĩ PCCC- CATP đã tình nguyện lên đường chi viện miền Nam.
Có thể nói những chiến công xuất sắc, tinh thần chiến đấu quả cảm của lực lượng Cảnh sát PCCC đã góp phần tô thắm lịch sử vẻ vang của lực lượng CAND nói chung và CATP Hải Phòng nói riêng. Xứng đáng với danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” được Nhà nước phong tặng cho Cảnh sát PCCC – CATP Hải Phòng ngày 2-9-2973.
Với niềm kiêu hãnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC – CATP Hải Phòng đã reo vang bài ca khải hoàn, cùng cả nước đi tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giành lại toàn vẹn non sông. Cũng từ đây, lực lượng PCCC đã xốc lại đội ngũ, bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tái thiết, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất, Xã hội chủ nghĩa.
Hoàng Minh (còn nữa)
10:47 25/11/2024