Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9: Bản hùng ca bất hủ mang tên Việt Nam

16:24 01/09/2017

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tuyên ngôn độc lập mãi mãi là một bản hùng ca bất hủ, mở ra một kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới.

Hồ Chủ Tịch đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945

Những mốc son lịch sử

Cuối tháng 1-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến 19-5-1941. Hội nghị đã quyết định việc thành lập Mặt trận Việt Minh, khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, sau khi đánh đuổi Pháp-Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân theo tinh thần dân chủ mới.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐNDVN) ra đời, xác định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng. Thời gian này, tình hình thế giới và trong nước biến chuyển mau lẹ, nổi bật là việc phát xít Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương sau đó đầu hàng Đồng minh tháng 8-1945. Trung ương và Bác nhận định tình thế là vô cùng khẩn cấp, cần phải chớp thời cơ, dũng cảm và kiên quyết, kịp thời và mau lẹ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với nhãn quan cách mạng vô cùng sáng suốt, Hồ Chí Minh truyền đi quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc”. 

Cách mạng tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi vang dội, xoá bỏ ách thống trị của phong kiến, thực dân, lần đầu tiên Việt Nam có một nền độc lập trọn vẹn. Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Lịch sử thế giới đã sang trang, một kỷ nguyên mới bắt đầu, kỷ nguyên của Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Bản đồ thế giới phải sửa lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Ngày 2-9-1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của hàng triệu đồng bào, Hồ Chủ Tịch tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”.

Tinh thần bất diệt

Hải Phòng đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của daann tộc

Và hiện thực lịch sử đã chứng minh trọn vẹn lời thề ấy, khi người Pháp quay trở lại Việt Nam, hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, Người viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Ngày 19-12 đã đi vào lịch sử dân tộc, với sự khởi đầu cho một cuộc kháng chiến vĩ đại, bảo vệ nền độc lập non trẻ, nền cộng hòa dân chủ đầu tiên  của châu Á sau hàng trăm năm dân tộc rên siết dưới gót giày của thực dân. Thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước xiềng gông nô lệ, vùng lên “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhưng trước đó, từ ngày 20-11-1946, tiếng súng kháng chiến đã nổ ở Hải Phòng. Trong thời khắc chớp mắt của lịch sử, quân và dân Hải Phòng đã tiên phong thử lửa với kẻ thù.Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự của cả nước…”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về sự kiện này trong hồi ký.

Kể từ thủa bà Lê Chân dựng cờ khởi nghĩa, Hải Phòng đã nổi danh với khí phách kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là tiền đồn canh giữ cửa biển thiêng liêng của Tổ quốc. Khí phách ấy đã đặt nền móng cho độc lập, tự chủ, là bản hùng ca reo vang suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong đội ngũ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới, quân và dân Hải Phòng luôn ngẩng cao đầu, viết lên trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”. Đó là những tháng ngày đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, Hải Phòng đã cùng cả dân tộc nhất tề đứng dậy, sẵn sàng hy sinh không toan tính cho nền độc lập tự do. Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua. Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9, cũng là dịp đánh giá lại cả chặng đường cách mạng, Hải Phòng đã vững chãi vượt qua sóng gió, mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với những bứt phá ngoạn mục, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.

72 năm, vị thế Việt Nam đã được khẳng định trên toàn thế giới, đất nước ta đã lớn mạnh gấp bội lần. Chắc chắn rằng trong tâm khảm mỗi người Hải Phòng nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng niềm tin “Trung dũng – Quyết thắng” không bao giờ thay đổi.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông