09:18 31/08/2019 Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là một bản hùng ca bất hủ, mở ra một kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới.
Hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (ảnh tư liệu)
Cuối tháng 1-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến 19-5-1941. Hội nghị đã quyết định việc thành lập Mặt trận Việt Minh, khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, thành lập Chính phủ nhân dân theo tinh thần dân chủ mới.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐNDVN) ra đời, xác định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng. Thời gian này, tình hình thế giới và trong nước biến chuyển mau lẹ, nổi bật là việc Nhật đầu hàng Đồng minh tháng 8-1945.
Trung ương và Bác nhận định tình thế là vô cùng khẩn cấp, cần phải chớp thời cơ, dũng cảm và kiên quyết, kịp thời tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với nhãn quan cách mạng vô cùng sáng suốt, Hồ Chí Minh truyền đi quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc”.
Cách mạng tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi vang dội, xoá bỏ ách thống trị của phong kiến, thực dân, lần đầu tiên Việt Nam có một nền độc lập trọn vẹn. Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Lịch sử thế giới đã sang trang, một kỷ nguyên mới bắt đầu, kỷ nguyên của Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Bản đồ thế giới phải sửa lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Ngày 2-9-1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của hàng triệu đồng bào, Hồ Chủ Tịch tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”.
Khát vọng Hải Phòng trên lộ trình vươn ra biển lớn (ảnh Vũ Dũng)
Tinh thần bất diệt
Hiện thực lịch sử đã chứng minh trọn vẹn lời thề ấy, khi người Pháp trở lại Việt Nam, hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, Người viết: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.
Ngày 19-12 đã đi vào lịch sử dân tộc, với sự khởi đầu cho một cuộc kháng chiến vĩ đại, bảo vệ nền độc lập non trẻ, nền cộng hòa dân chủ đầu tiên của Châu Á sau hàng trăm năm dân tộc rên siết dưới gót giày của ngoại bang. Thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước xiềng gông nô lệ, vùng lên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Nhưng trước đó, từ ngày 20-11-1946, tiếng súng kháng chiến đã nổ ở Hải Phòng. Trong thời khắc chớp mắt của lịch sử, quân và dân Hải Phòng đã tiên phong thử lửa với kẻ thù,“Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự của cả nước…”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về sự kiện này trong hồi ký.
Giữa tiếng vang của non sông, khí phách Hải Phòng đã góp phần xứng đáng, là bản hùng ca reo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong đội ngũ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới, quân và dân Hải Phòng luôn ngẩng cao đầu, viết lên trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”.
Đó là những tháng ngày đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, Hải Phòng đã cùng cả dân tộc nhất tề đứng dậy, sẵn sàng hy sinh không toan tính cho nền độc lập tự do. Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Khẳng định vị thế mới
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua.
Nhiều mô hình phát nguồn từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào “dân vận khéo”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “khoán mới”… Thực tiễn Hải Phòng đã góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta.
Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm cả nước thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên lộ trình ấy, Hải Phòng đã vững chãi vượt qua sóng gió, mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng với những bứt phá ngoạn mục. Các công trình hạ tầng trọng điểm đã tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế thành phố.
Các khu công nghiệp đã trở thành tiêu biểu, khẳng định hướng đi đúng của chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, lấy kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, thắt chặt thiết chế văn hóa, ổn định quốc phòng an ninh, minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trên cơ sở Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 12 và nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, kinh tế - xã hội Hải Phòng có bước phát triển vượt bậc. 19 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đại hội đề ra. Ngoạn mục có thể kể: tăng trưởng GRDP bình quân tăng 15,2% so với mục tiêu 10,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 21,95% so với mục tiêu 14%...
Nổi bật nhất là kết quả thu ngân sách, ngay từ năm 2017 thành phố đã đạt mức thu nội địa gần 22.000 tỷ đồng, về đích trước 3 năm so với mục tiêu 20.000 tỷ đồng đại hội 15 đề ra.
Đây là kết quả quan trọng trong 4 năm liền của nhiệm kỳ thành phố thực hiện chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, đặt kỳ vọng cho sự thay đổi to lớn của thành phố sang một giai đoạn mới. Và đây cũng là những tiền đề đặc biệt quan trọng, làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW, về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Một chặng đường đã qua, Hải Phòng đã thể chế hóa tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện với những bước tiến vượt bậc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được người Hải Phòng cùng cả nước kết tụ thành sức mạnh, ghi dấu trên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp cách mạng.
Những lời dạy của Người, ước nguyện của Người, với ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thấm sâu vào mỗi con tim khối óc, để mỗi người con thành phố Cảng dù đi đâu về đâu vẫn quyết tâm để hai tiếng Hải Phòng vang lên trong niềm tự hào.
Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9 cũng như 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp đánh giá lại cả chặng đường cách mạng. Hải Phòng đã vững chãi vượt qua sóng gió, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.
74 năm, vị thế Việt Nam đã được khẳng định trên toàn thế giới, đất nước ta đã lớn mạnh gấp bội lần, chắc chắn rằng trong tâm khảm mỗi người Hải Phòng nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng niềm tin “Trung dũng – Quyết thắng” không bao giờ thay đổi.
Hoàng Minh
20:26 28/12/2024
18:37 28/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Các hành vi bị nghiêm cấm
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Điều khoản thi hành
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế