10:09 13/11/2024 Luôn nuôi chí làm giàu từ chính đồng đất quê hương, nhờ ham học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, hộ gia đình ông Đào Văn Giang-hội viên nông dân thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, được đông đảo bà con trong xã, ngoài huyện biết đến là một trong những hộ tiên phong vươn lên làm giàu từ nghề sản xuất nấm.
Những năm trước khi địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa, vượt qua quan niệm xa xưa cha ông để lại là: “Cấy ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng”, vợ chồng ông Giang đã mạnh dạn nhận phần diện tích ruộng chân tre, bờ dứa gần cạnh nhà mình để thuận tiện cho việc canh tác.
Mặc dù chăm chỉ cày cấy, chăn nuôi nhưng hiệu quả từ việc trồng lúa không cao, chăn nuôi thêm lợn, gà, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng… mà thu nhập, kinh tế gia đình cũng không cải thiện được là bao.
Luôn ấp ủ ý tưởng vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, năm 2008, khi Trung tâm Khuyến nông huyện Tiên Lãng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất nấm, vợ chồng ông Giang đã tích cực tham gia theo học, đi thăm quan thực tế một số mô hình ở các tỉnh lân cận.
Nhận thấy thời cơ “đổi đời” đã đến, ngay sau đó, với số vốn ít ỏi và kinh nghiệm học tập thực tế, được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp, vợ chồng ông Giang đã bắt tay vào xây dựng lán trại với quy mô 700 m2 đầu tư sản xuất nấm.
Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, kinh nghiệm chưa nhiều, mẻ được mẻ hỏng, vợ chồng ông Giang không nản chí, mà lại càng thêm quyết tâm gắn bó, vươn lên từ nghề sản xuất nấm. Hai vợ chồng ông cùng nhau tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm qua sách báo và các hộ đã có kinh nghiệm lâu năm. Đáng chú ý, được sự quan tâm, đồng hành, kiên trì, tận tình hỗ trợ, giúp đỡ về mặt kỹ thuật sản xuất nấm của cán bộ khuyến nông huyện, vợ chồng ông Giang cũng từng bước gặt hái được “trái ngọt”.
Nấm hết mẻ này đến mẻ khác cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường. Thu nhập gia đình cũng từ đó từng bước cải thiện.
Hàng năm, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, vợ chồng ông Giang đều thuê người thu gom hàng trăm tấn rơm (liệu chính cho sản xuất nấm), tiến hành phơi theo đúng quy trình, đồng thời tuyển chọn, thu gom phụ phẩm là mùn cưa từ các xưởng mộc phục vụ cho quy trình sản xuất nấm.
Đáng chú ý, đến năm 2015, do nhu cầu tiêu thụ nấm cao, khắc phục thời tiết bất thuận, vợ chồng ông Giang đã mạnh dạn xây dựng thêm 2 nhà lạnh với diện tích 120 m2, chi phí gần 1 tỷ đồng phục vụ cho quy trình sản xuất nấm. Các sản phẩm chủ yếu của gia đình ông Giang sản xuất là nấm mỡ, nấm sò và nấm linh chi.
Bình quân hàng năm, gia đình ông cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn các loại. Tổng doanh thu lên đến trên 300 triệu đồng. Trang trại sản xuất nấm không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động nông thôn.
Tuỳ từng thời điểm, vợ chồng ông Giang thuê từ 3-5 lao động, với mức thù lao bình quân là 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng nấm của gia đình sản xuất ra đều được các cơ sở chế biến thực phẩm tại Hà Nội đặt hàng. Ngoài ra, vợ chồng ông còn cung cấp hàng nghìn bịch nguyên liệu nấm sò cho các hộ gia đình có nhu cầu nuôi trồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, nguồn phế liệu sau thu hoạch nấm là nguồn hữu cơ cung cấp cho các hộ gia đình để cải tạo đất phục vụ trồng hoa, cây cảnh, sản xuất rau mầm đảm bảo thân thiện môi trường. Nên bình quân mỗi năm, gia đình ông Giang còn cung cấp hàng trăm tấn phế liệu phục vụ cho bà con trong và ngoài xã, có thêm được nguồn thu nhập đáng kể.
Đặc biệt, bằng sự nỗ lực, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ông Giang đã có ba sáng kiến ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nấm tham dự và đạt giải cuộc thi Sáng tạo khoa học nhà nông do thành phố tổ chức. Ngoài việc cần mẫn, sáng tạo trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, vợ chồng ông Giang còn chăm lo con cái học hành chu đáo (2 người con của vợ chồng ông Giang đều theo học tại các trường Đại học có tiếng) và tích cực tham gia các hoạt động phong trào, công tác xã hội tại địa phương.
Đáng chú ý, phát huy truyền thống gia đình, quê hương, cậu con trai của gia đình là anh Đào Thái Sơn-Cử nhân Luật, cũng là hội viên hội nông dân của xã, năm 2022 đã mạnh dạn đứng lên huy động thành viên và thành lập ra Hợp tác xã Sản xuất nấm Hương Sơn. Sản phẩm nấm sò của HTX năm 2023 cũng vinh dự được bình chọn là một trong các sản phẩm tiêu biểu lần thứ nhất do thành phố tổ chức bình chọn. Mới đây, chàng thanh niên trẻ lại đem vinh dự về cho gia đình khi đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên do Thành đoàn Hải Phòng tổ chức.
Với những nỗ lực và thành tích đạt được, gia đình ông Giang vinh dự được nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như xây dựng gia đình văn hoá…
Bình Huệ
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết