10:09 22/02/2019 Tiếng Nhật là 1 trong 10 ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới với hơn 130 triệu người sử dụng. Ở Việt Nam tiếng Nhật là ngôn ngữ phổ biến thứ 2 sau tiếng Anh với hơn 1,7 triệu người học và con số này có xu hướng ngày càng gia tăng. Tại nhiều trường THCS và Tiểu học ở thành phố Hải Phòng, tiếng Nhật là một môn ngoại ngữ đang được rất nhiều học sinh yêu thích…
Tiết mục nhảy Yosokoi, một điệu nhảy quen thuộc của người dân Nhật Bản tại Trường THCS Tô Hiệu
Ý nghĩa của ngày hội văn hóa Nhật
Những ngày này, hơn 100 bạn nhỏ sinh hoạt tại Câu lạc bộ tiếng Nhật của Cung văn hóa thiếu nhi thành phố đang tích cực chuẩn bị “Ngày hội văn hóa Việt - Nhật” sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 24-2 tới đây. Ngày hội do Thành đoàn - Sở Giáo dục đào tạo - Sở Ngoại vụ phối hợp tổ chức thực hiện chương trình Công tác đội và phong trào thiếu nhi năm học 2018-2019, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh trên địa bàn thành phố có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về con người, văn hóa và phong tục đất nước Nhật Bản.
Theo Giám đốc Cung văn hóa thiếu nhi thành phố Lê Như Hải, văn hóa Nhật Bản từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với nhiều bạn trẻ thông qua những cuốn truyện tranh, những bộ phim hoạt hình hay nghệ thuật gấp giấy… Một trong những hoạt động văn hóa Nhật được rất nhiều em học sinh yêu thích đó là cosplay, tức là hóa trang ăn mặc hoặc có điệu bộ giống nhân vật mà mình yêu thích trong manga, anime, tokusatsu, truyện tranh sách, tiểu thuyết đồ họa, video games và phim giả tưởng…
Từ nhiều năm nay, Cosplay đã trở thành một phần không thể thiếu được trong những ngày hội văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Có được trải nghiệm trong những ngày hội như thế này, mới thấy được niềm yêu thích và khám phá văn hóa Nhật Bản của mỗi bạn trẻ. Cosplay cũng sẽ là một phần của ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Cung văn hóa thiếu nhi thành phố.
Cosplay đã thật sự trở thành một sân chơi lành mạnh và là một cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam trao đổi, học hỏi từ các bạn trẻ Nhật Bản. Không chỉ là một hoạt động ngoại khóa, những ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản thực sự là một ngày hội ngôn ngữ, để lại khoảnh khắc đáng nhớ của các bạn học sinh khi được sống trong không gian văn hóa Nhật với tất cả những đặc sắc, tinh hoa nhất. Ở đây các em học sinh được tự do sáng tạo, giao lưu cùng bè bạn, cùng làm nên sắc màu lung linh cho ngày hội của những người có chung tình cảm yêu mến dành cho đất nước, văn hoá và ngôn ngữ Nhật Bản.
Nghệ thuật xếp giấy Origami cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời và bắt nguồn ở Nhật Bản, làm mê đắm biết bao người Việt. Hình Origami được biết đến nhiều nhất có lẽ là hình mà hầu như trẻ em người Việt được dạy từ nhỏ, đó là con hạc. Nghệ thuật Origami tạo ra được nhiều hình khác nhau từ đơn giản đến phức tạp chỉ bằng những mẩu giấy. Origami rèn luyện khả năng tập trung, kiên nhẫn và tính sáng tạo của người gấp giấy. Đồng thời đây cũng là một cách để các bạn học sinh thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Thông qua cầu nối là văn hóa, việc học tiếng Nhật trở nên dễ dàng và hứng thú hơn rất nhiều đối với các bạn học sinh ở Câu lạc bộ tiếng Nhật do Cung văn hóa thiếu nhi thành phố và Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA phối hợp tổ chức. Dù mới thành lập từ tháng 8-2017 nhưng câu lạc bộ tiếng Nhật đã thu hút được hơn 100 bạn nhỏ muốn dùng ngôn ngữ này như cây cầu để bắc tới một xứ sở vừa trầm lắng, vừa huyền ảo lại rất văn minh và hiện đại.
Dưới sự giảng dạy trực tiếp của giáo viên người Nhật và giáo viên Cung thiếu nhi, các bạn nhỏ ấy không chỉ được trải nghiệm, rèn luyện khả năng tiếng Nhật của bản thân cũng như những kiến thức về văn hóa, xã hội mà còn được sinh hoạt trong bầu không khí thân thiện, hòa đồng để phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân; và cùng nhau tiếp cận và nâng cao hiểu biết về đất nước và con người Nhật Bản thông qua các hoạt động ngoại khóa với các chủ đề được chọn lọc.
Học sinh Câu lạc bộ tiếng Nhật Cung văn hóa thiếu nhi thành phố học trà đạo Nhật Bản
Lan tỏa phong trào học tiếng Nhật trong trường học
Cùng với sự phát triển của thành phố, yêu cầu hội nhập với bạn bè quốc tế, việc tiếng Nhật trở thành một ngoại ngữ thứ hai được đưa vào giảng dạy trong nhà trường là một điều thực sự cần thiết. Phong trào học tiếng Nhật trong các trường học đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Với truyền thống, bề dày thành tích, quận Lê Chân là địa phương đi đầu trong việc đưa tiếng Nhật vào các trường học phổ thông.
Từ năm 2011, tiếng Nhật được giảng dạy tại trường THCS Tô Hiệu theo hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Đến nay, trường THCS Tô Hiệu đã có 4 lớp với 120 học sinh lớp 6. Chính niềm yêu thích của các em học sinh đối với tiếng Nhật và hiệu quả của việc giảng dạy tiếng Nhật trong nhà trường đã trở thành động lực để ngành giáo dục quận Lê Chân tiếp tục nhân rộng mô hình dạy và học tiếng Nhật sang nhiều ngôi trường khác.
Đến nay, trên địa bàn quận đã có thêm các trường: THCS Trần Phú, THCS Ngô Quyền, THCS Lê Chân tổ chức dạy và học tiếng Nhật với tổng số 15 lớp, 699 học sinh bậc trung học cơ sở học tiếng Nhật, nhiều trường triển khai khá hiệu quả mô hình này như: Trường THCS Tô Hiệu, THCS Trần Phú.
Đặc biệt, khối tiểu học tổ chức tốt có: Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 4 lớp (từ lớp 2 đến lớp 5) với 170 học sinh, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo 2 lớp 5 với 96 học sinh.
Ở lứa tuổi tiểu học là độ tuổi các em nắm bắt rất nhanh đối với ngôn ngữ mới. Thông qua các bài học về văn hóa, mà trực tiếp là những quyển truyện tranh, những bộ phim, nhân vật hoạt hình mà các em yêu thích, sẽ biến việc học tiếng Nhật trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Học tiếng Nhật, các em còn được học về văn hóa ứng xử, giao tiếp và học được những đức tính tốt của người Nhật Bản. Các giờ học tiếng Nhật “học mà chơi, chơi mà học” với những bài khởi động nhẹ nhàng cùng âm nhạc khi bắt đầu tiết học sẽ giúp các em có tâm lý thoải mái nhất để tiếp thu kiến thức. Việc dạy và học tiếng Nhật đã được đưa vào trường tiểu học Trần Hưng Đạo từ 4 năm trước và hiện tại đang được áp dụng cho học sinh của 2 lớp khối 5.
Phòng học tiếng Nhật được nhà trường đầu tư riêng biệt như máy chiếu, bảng kẻ ô để luyện viết chữ Nhật. Một giờ học tiếng Nhật của các em học sinh trường Tiểu học Trần Hưng Đạo diễn ra vô cùng sôi nổi và hào hứng. Các bài học được xây dựng vô cùng bài bản cùng với những phần quà nhỏ như chiếc bánh hay gói trà lại càng làm tăng thêm sự hăng hái phát biểu, xây dựng bài học, khích lệ được sự chủ động tiếp nhận của các em học sinh.
Trong các tiết học, các bài học được truyền tải dưới dạng xây dựng các tình huống, các em học sinh cùng cô giáo hóa thân vào các nhân vật cụ thể để sử dụng đúng câu từ giao tiếp, phát triển khả năng nói tiếng Nhật cùng sự tự tin của các em. Xen lẫn với những bài luyện nghe, nói là những bài luyện viết chữ. Khác với tiếng Anh hay tiếng Việt được biểu thị dưới những chữ cái Latin, tiếng Nhật được biểu thị dưới những nét và kí tự vô cùng độc đáo và khá khó nếu như không thực sự tập trung và say mê với ngôn ngữ này.
Phó Trưởng phòng giáo dục quận Lê Chân Nguyễn Trường Nguyên nhận định, Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu, một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam nói chung, của thành phố Hải Phòng nói riêng. Bởi lẽ đó, việc dạy tiếng Nhật từ bây giờ sẽ đáp ứng việc chuẩn bị nguồn lực chất lượng cao; và việc học tiếng Nhật Bản sẽ giúp các em học sinh mở ra cho mình những cánh cửa tri thức và cơ hội trong tương lai, chủ động hội nhập và đáp ứng được những yêu cầu trong thời đại mới. Việc đưa tiếng Nhật vào trong nhà trường đang thực sự phát huy tốt hiệu quả của nó, mà minh chứng rõ ràng nhất là sự hưởng ứng rất tích cực của các em học sinh trong việc học cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa với môn tiếng Nhật.
Cuộc thi Diễn thuyết tiếng Nhật lần thứ V, với chủ đề “Tình Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản là hoạt động được tổ chức thường niên, nhằm mang đến một sân chơi bổ ích, tạo môi trường thực hành ngôn ngữ cho những người quan tâm, yêu thích tiếng Nhật. Các thí sinh đã mang đến vòng chung kết những bài diễn thuyết hay và sôi nổi, được đánh giá cao về kỹ năng sử dụng tiếng Nhật, nội dung truyền tải và thông điệp gắn kết, cũng như có nhiều sự phát hiện mới về tương đồng văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.
Đây cũng là cuộc thi tiếp nối hiệu ứng lan tỏa tích cực của các cuộc thi từ những năm trước, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thành phố Hải Phòng đến với bạn bè quốc tế thông qua các phong trào học tập và ứng dụng ngoại ngữ, đồng thời tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác, giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước với các địa phương của Nhật Bản.
“Việc dạy và học tiếng Nhật trong các nhà trường đã nâng cao chất lượng học tập của các em, thể hiện rõ nét nhất là hàng năm 75% học sinh THCS đỗ vào lớp chuyên Tiếng Nhật, Trường THPT chuyên Trần Phú là học sinh quận Lê Chân”, thầy Nguyên cho biết thêm.
HẢI HẬU
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh