Lăng Phạm Tử Nghi - thờ Nhân thần của người dân thành phố Cảng

09:10 28/10/2022

Phạm Tử Nghi (2-2-1590 * 14-9-1578 âm lịch) là tướng nhà Mạc, người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương – nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Một số hình ảnh lăng Phạm Tử Nghi

Phạm Tử Nghi - Đức Thánh Niệm

Phạm Tử Nghi (2-2-1590 * 14-9-1578 âm lịch) là tướng nhà Mạc, người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương – nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất là người thông minh, ham học đặc biệt là có sức vóc hơn người, sức khoẻ phi thường, được dân làng gọi là Thiên Lôi. Chứng tích còn lại của việc Phạm Tử Nghi rèn luyện võ nghệ chính là việc ông chỉ huy đắp con đường Thiên Lôi, thực chất là con đê ngăn nước mặn xâm nhập vào trong nội đô. Đê dài khoảng 3 dặm (trên 2km), vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Hàng năm, người dân sở tại vẫn bồi đắp đê để ngăn nước mặn. Sở dĩ con đường do Phạm Tử Nghi đắp có tên là Thiên Lôi là vì khi tập võ, ông thường dùng gậy thét lên một tiếng vang trời và quật nát những đống đất đắp hai bên đường. Người làng lúc bấy giờ cho rằng ông là Thiên Lôi trên trời hóa xuống.

Danh tướng Phạm Tử Nghi là vị tướng tài ba có công bảo vệ đất nước trong triều nhà Mạc thế kỷ 16. Tuy vậy, tên tuổi và sự nghiệp cầm binh của ông lại ít được nhắc đến trong sách sử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép rằng: “Tướng Mạc là Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi mưu lập người họ Mạc là Hoằng Vương Chính Trung làm chúa, không xong, bèn nổi loạn, bức dời Chính Trung về xã Hoa Dương, huyện Ngự Thiên. Họ Mạc sai Khiêm Vương Kính Điển cùng bọn Tây quân công Nguyễn Kính đem quân đi bắt, bị Tử Nghi đánh bại. Sau Tử Nghi nhiều lần đánh không được, mới ép Chính Trung ra chiếm cứ vùng Yên Quảng. Dân hạt Hải Dương bị nạn binh lửa luôn luôn, nhiều người phải lưu vong”. Sách sử ghi chép là vậy, công hay tội cũng đã thuộc về lịch sử. Nhưng xét tình thế lúc bấy giờ, những nhận định và hành động của tướng Phạm Tử Nghi cho thấy ông là người có chính kiến rõ ràng, tích cách bộc trực khảng khái. Trong giai đoạn lịch sử đầy những biến động như vậy, việc xuất hiện một con người dám nghĩ dám làm là điều hiếm có.

Sau khi mưu sự không thành, quân Phạm Tử Nghi tiến vào đất của người Minh và có hành động cướp phá tại đây. Đại Viêt sử kí toàn thư có ghi lại sự việc này như sau “Tử Nghi lại chạy vào đất nhà Minh, thả quân đi bắt người cướp của Quảng Đông, Quảng Tây. Người Minh không kiềm chế nổi”. Việc làm của tướng Phạm Tử Nghi trên đất ngoại quốc phải chăng còn vì lòng yêu nước? Chỉ biết rằng người đời sau cũng nhìn nhận sự việc này với tấm lòng khâm phục, biết ơn người anh hùng với khí phách hiên ngang dám xông pha vào chốn quân thù.

Thế hệ sau với Phạm Tử Nghi - vị tướng, người anh hùng

Xuất phát từ những công lao to lớn đó của tướng Phạm Tử Nghi với dân với nước và lòng biết ơn, sự tri ân của người đời sau mà ông được thờ tại Lăng Phạm Tử Nghi hay còn gọi là miếu Đôn Nghĩa (thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân - chốn cố hương của Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi) như một vị thành hoàng làng của vùng đất quận Lê Chân. Một tài liệu khác còn ghi, dọc biên giới phía Bắc cho đến các địa phương có tới trên 70 nơi thơ cúng vị anh hùng.

Riêng khu di tích Lăng - Miếu Đôn Nghĩa nay đã trở thành một chỉnh thể công trình kiến trúc văn hóa, gồm bái đường, hậu cung, khu lăng mộ và khu vực cảnh quan thiên nhiên với vườn hoa chậu cảnh, đặc biệt số lương cây cổ thụ gắn liền với khu vực như đa, si, đại, góp phần làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, u tịnh của khu di tích. Hiện nay Lăng - Miếu Đôn Nghĩa còn bảo lưu được nhiều di vật cổ là đồ tế tự bằng gỗ sơn son thếp vàng rực rỡ, mang giá trị mỹ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 như: cửa võng, kiệu bát cống, lonh đình, bát biểu, một số di vật là đồ đồng, đồ sứ như bộ tam sự, rùa, hạc, bát hương đồng và men sứ…

Toàn bộ khu Lăng - Miếu nằm trong hệ thống tường bao quanh có cổng xây cất theo lối chồng diềm 8 mái, bên trong cổng đặt bức bình phong xây theo lối cuốn thư soi bóng xuống hồ nước trong xanh; phía sau kiến trúc tòa miếu thờ là khu Lăng mộ Phạm Tử Nghi. Nơi đây được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 2001.

Lễ hội truyền thống tại lăng Phạm Tử Nghi

Trải qua nhiều thay đổi nhưng nhân dân địa phương vẫn lưu giữ truyền thống thờ cúng, tổ chức lễ hội vào 2-2 (ngày sinh) và 14-9 (ngày hóa) âm lịch để tưởng nhớ đên Đức Thánh Niệm – Phạm Tử Nghi, người có công với làng xóm quê hương, đất nước.

Đặc biệt, lễ hội mùa thu vào ngày 14-9 âm lịch (ngày Thánh hóa) là thời điểm Nhân dân làm lễ tưởng nhớ, dâng hương, tri ân về vị Thánh có công với làng xã xưa. Lễ hội được tổ chức một cách chu đáo, thiêng liêng, thể hiện tấm lòng thành kính của những dân trên mảnh đất hương ông. Riêng đêm trước hội bao giờ cũng có lễ mộc dục hay lễ tắm tượng. Nghi lễ này tượng trưng cho việc báo cáo với thần linh về việc mở hội. Tượng thần được lau bằng nước thơm và khăn đỏ và ngày hôm sau sẽ tổ chức lễ rước thần.

Điểm đặc sắc là trong ngày đầu tiên của lễ hội luôn tổ chức tế Tứ Linh.  Đội tế Tứ Linh gồm toàn các vai tế nam, từ vị chủ tế đến đông xướng, tây xướng, trái ngược với đội tế nữ quan gồm toàn các bà các cô đóng vai trò chủ chốt. Trong đội tế vị nào cũng mặc áo dài thụng, đội mũ quan, tay chắp phía trước, dáng vẻ kính cẩn, hơi khom người. Đây được coi là hoạt động quan trọng và mang ý nghĩa thiêng liêng nhất trong dịp hội làng, là thời khắc mà con người với tấm lòng thành kính nhất dâng lên vị thần mà mình hế#t mực sung kính những lời tạ ơn và những nguyện vọng, khẩn cầu của mình. Những nghi lễ trang nghiêm, những lễ vật tinh khiết đã chuẩn bị cẩn thận trước đó vào buổi tế lễ này được thực hiện, được dâng lên thần một cách tỉ mỉ nhất.

Ba ngày lễ hội ngày nào cũng có phần tế lễ, tối là phần múa hát phục vụ Nhân dân đến xem hội và các trò chơi dân gian từ xưa. Các hoạt động vừa linh thiêng vừa trần tục hòa quyện vào nhau, tượng trưng cho mối giao cảm giữa thần linh và con người.

TÚ QUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông