09:10 03/02/2019 Cũng như bao người dân đất Việt, người Hải Phòng luôn khát khao, đón chào một năm mới với bao ước vọng. Mở đầu cho hành trình đón Xuân hàng năm ấy, có một tục lệ rất đẹp, mang đầy tính nhân văn, đó là lễ dâng hương đền Nghè đêm 30 Tết.
Lễ có từ bao giờ, đến nay chưa ai trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, tục này đã gắn bó với cư dân Hải Phòng qua nhiều thế hệ và đã đi vào tâm thức của người đất Cảng.
Đền Nghè có tên chữ là “An Biên cổ miếu”, nằm ở trung tâm thành phố, trước là một ngôi miếu nhỏ dựng ở ven sông Tam Bạc. Cuối thế kỷ 19, người Pháp xây dựng Hải Phòng thành một đô thị cảng biển, miếu được chuyển về địa điểm hiện nay và được xây dựng, tu bổ lớn vào đầu thế kỷ XX.
Đền là một tổng thể các công trình: tòa tiền tế 5 gian được dựng trên 24 cây cột gỗ lim có mặt cắt ngang hình vuông, chắc khỏe; nhà thiêu hương được dựng trên 4 cột gỗ tạo thành một phương đình vuông vức hai tầng với 8 mái cong đắp rồng chầu, phượng đón, vươn lên không trung tạo cho công trình thanh thoát, bay bổng; hậu cung gồm 3 gian, được xây cao hơn nhà bái đường, với thiết kế 2 tầng mái làm tăng thêm sự bề thế, uy nghi của công trình.
Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có tòa tứ phủ thờ Mẫu. Kiến trúc đền Nghè mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn đầu thế kỷ 20 được bảo tồn cho đến hôm nay.
Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công lao to lớn, phù giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán, giành lại độc lập cho dân tộc vào những năm đầu Công nguyên (năm 40 - 43). Đồng thời Nữ tướng còn tổ chức dân trang An Biên từ vùng núi rừng Đông Bắc xuống vùng ven biển đầm lầy, ngút ngàn trang, sú, vẹt để khai hoang, mở đất, tạo dựng nên một vùng trù phú mà sau này trở thành một đô thị bên bờ biển Đông là thành phố Cảng Hải Phòng.
Sau khi Nữ tướng Lê Chân anh dũng hi sinh, nhân dân nhiều nơi, trong đó có Hải Phòng lập đền, miếu tôn thờ, ngàn năm hương khói. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều ban mĩ tự cho Người là “Nam Hải uy linh Thánh Chân công chúa”, “Thượng đẳng thần”. Hình tượng Nữ tướng Lê Chân trải qua gần 2.000 năm ngày một sâu đậm trong tâm thức người dân đất Cảng, trở thành Thánh Mẫu, chở che nơi đầu sóng ngọn gió.
Bởi vậy mà mỗi khi tết đến, xuân về, hòa vào niềm vui chung của đất trời, người Hải Phòng lại đến đền Nghè để dâng hương tưởng nhớ người liệt nữ, đồng thời, nhân một năm mới, kính cẩn trước anh linh Người, cầu mong Thánh Mẫu phù giúp cho cuộc sống được sinh sôi nảy nở.
Để chuẩn bị cho lễ dâng hương đêm 30 Tết cũng như dịp xuân tại đền Nghè, Bảo tàng Hải Phòng (đơn vị quản lý, phát huy giá trị di tích) đã xây dựng kế hoạch, triển khai các công việc để đón khách. Ngay sau ngày Rằm tháng Chạp, một lễ nhỏ được chuẩn bị để xin Thánh Mẫu cho phép được bao sái, tẩy bụi trần bám vào di tích, đồ thờ tự, cũng như trang hoàng lại di tích cho khang trang tố hảo. Trong dịp tết, nhiều hoa tươi và cây cảnh được dâng tiến vào đền Nghè như đào, quất, lan…
Đặc biệt, trong cung cấm, nơi tôn thờ Người không thể không dâng những bình Thủy Tiên “cập thời hàm tiếu” (hé nở) trắng tinh khiết, thanh tao, tỏa hương thơm dịu nhẹ như cuộc đời Thánh Mẫu.
Ngày 25 tháng Chạp, tại đền Nghè diễn ra lễ chạp thần, tưởng nhớ ngày Nữ tướng Lê Chân hi sinh, hiển thánh. Lễ vật dâng ngoài hương hoa, trà quả còn dâng cúng cua bể, tôm và bún. Cua bể (long đằng) và tôm (hải giảo) là những con to, tươi ngon; bún thì sợi phải nhỏ và trắng. Nguồn gốc lễ phẩm này gắn với sự hi sinh và hiển linh của Thánh Mẫu.
Truyền thuyết kể rằng: Khi cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán tan rã, Nữ tướng gieo mình xuống Thung Giát Dâu (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và lúc đó ở trang An Biên (Hải Phòng), người và vật không yên. Có người mơ thấy Thánh Chân công chúa về báo mộng “Nay ta đã hết duyên trần phải về thiên đình chầu Thượng đế.
Thượng đế ân phong làm Thành hoàng, các người nếu mai ra bờ sông thấy vật lạ thì rước về thờ phụng”. Quả nhiên, ngày hôm sau bầu trời u ám, nước sông cuồn cuộn chảy, thấy có một phiến đá trôi ngược dòng nước, dân làng thấy lạ dâng lễ quỳ lạy nhưng phiến đá không trôi vào, liền vào chợ nhưng chỉ mua được một sóc cua bể, một chảo tôm và một mâm bún, cùng nhau dâng lễ. Phiến đá lập tức từ từ trôi vào bờ, nhìn kỹ là có ghi dòng chữ: “Thánh Chân công chúa”. Dân làng An Biên rước về lập miếu thờ phụng, đến ngày tế lễ không bao giờ thiếu cua bể, tôm, bún.
Lễ đầu năm mới ở đền Nghè được diễn ra vào đêm 30 Tết. Lúc này trên các con phố ở Hải Phòng, người dân xuống đường đi như trẩy hội. Mọi người, sau một năm làm việc vất vả, mới có thời gian thư thái để ngắm nhìn phố phường được chăng đèn kết hoa lộng lẫy, thưởng thức, bình phẩm những chậu hoa muôn màu đang khoe hương sắc.
Và giao thừa tới, thời điểm linh thiêng, khi đất trời giao hòa, cộng cảm, muôn vật ngưng đọng lại trong phút giây. Đấy là thời điểm mà mọi con đường ở Hải Phòng đều dẫn đến đền Nghè, nơi tâm linh, tôn thờ Thánh Mẫu Lê Chân, thành hoàng của người dân Hải Phòng.
Tại đền Nghè, sau giao thừa, dòng người hướng về ngày càng đông với tấm lòng thành kính, ngưỡng vọng. Mỗi người chuẩn bị cho riêng mình một lễ nhỏ gồm hoa quả, vàng, tiền, diêm, muối, thành kính dâng lên Thánh Mẫu để tưởng nhớ về một Nữ tướng tài ba đã có công đánh giặc giành độc lập cho dân tộc cũng như mở đất, dựng làng để cho con cháu hôm nay xây dựng một thành phố cảng phát triển, vươn ra biển lớn.
Trong lễ dâng hương, mọi người không quên xin Thánh Mẫu ban cho một năm mới sức khỏe, thuận lợi, hanh thông. Khi ra về ai cũng xin lộc thánh một gói muối, bao diêm dán giấy hồng đỏ. Bởi lửa, muối là sự sống, vậy nên “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chính là để cuộc sống sinh sôi nảy nở, may mắn.
Lễ dâng hương đêm 30 Tết tại đền Nghè là phong tục văn hóa tốt đẹp của người dân Hải Phòng, là mạch nguồn để khơi dậy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh hiện đại.
Đỗ Xuân Trung
Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng
15:05 08/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh